Sức mạnh kinh tế châu Âu ngày càng giảm so với Mỹ

Tình trạng suy giảm sức mạnh kinh tế kéo dài của châu Âu đang khiến các nhà hoạch định chính sách của khu vực này lo lắng và tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, để kinh tế châu Âu trở lại vị thế cạnh tranh ngang tầm với Mỹ sẽ không phải là một việc dễ dàng...

Trong một nhà máy của hãng xe Volkswagen ở Đức - Ảnh: Bloomberg.

Trong một nhà máy của hãng xe Volkswagen ở Đức - Ảnh: Bloomberg.

Trong một cuộc trao đổi với tờ báo Financial Times, kỹ sư Claus Romanowsky làm việc tại tập đoàn Siemens của Đức nhìn nhận nền kinh tế châu Âu đang tụt hậu về mặt công nghệ so với Mỹ. Ông Romanowsky và êkíp đang phát triển một chatbot cho phép công nhân trong bất kỳ một nhà máy nào cũng có thể nói chuyện với robot và máy móc mà không cần phải biết một mã lập trình nào. Một chatbot như vậy có thể dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ về năng suất lao động. “Nếu một công nhân vào ca làm việc mà máy móc lại không vận hành được, người đó sẽ phải đợi hàng giờ, thậm chí vài ngày cho tới khi một lập trình viên tới xử lý. Nhưng với chatbot này, người công nhân chỉ cần yêu cầu tìm lỗi sai và tự sửa một cách nhanh chóng”, ông Romanowsky cho biết.

Nếu nhiều công ty châu Âu có thể thúc đẩy ứng dụng AI như vậy, thì những vấn đề bám rễ sâu trong nền kinh tế khu vực có thể được xử lý, giúp rút ngắn khoảng cách tăng trưởng kinh tế giữa châu Âu và Mỹ. So với Mỹ, châu Âu bị cho là đang chậm hơn nhiều trong sáng tạo và ứng dụng AI. Chẳng hạn, Siemens vẫn cần phải hợp tác với hãng phần mềm Microsoft của Mỹ để phát triển chatbot nói trên.

Các nhà lãnh đạo châu Âu từ lâu đã lo lắng về sự tụt hậu của kinh tế khu vực. Gần đây, mối lo này chiếm vị trí số 1 trong chương trình nghị sự của họ, khi khoảng cách tăng trưởng giữa châu Âu với Mỹ càng trở nên rộng hơn sau hai cú sốc đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

LOẠT TRỞ NGẠI ĐÈ NẶNG KINH TẾ CHÂU ÂU

Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo châu Âu đang đối mặt “mối đe dọa sống còn” từ suy giảm tăng trưởng kinh tế, chủ nghĩa hẹp hòi gia tăng và cuộc chiến tranh ở biên giới phía Đông.

Trong khi đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đã chứng tỏ được sự vững vàng hơn trước những cú sốc kể trên và hồi phục nhanh hơn. Đến quý 1 năm nay, GDP của Mỹ đã tăng 8,7% so với mức trước đại dịch, nhiều hơn gấp đôi so với mức tăng 3,4% của kinh tế châu Âu và càng vượt xa hơn mức tăng 1,7% của kinh tế Anh trong cùng khoảng thời gian.

Sự lạc nhịp kinh tế giữa hai bờ Đại Tây Dương đã trở nên rõ rệt đến nỗi dẫn tới rủi ro khác biệt chính sách tiền tệ giữa Mỹ và châu Âu. Với tăng trưởng và lạm phát ở Mỹ cao hơn so với ở châu Âu, giới đầu tư dự báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất muộn hơn và với số lần ít hơn so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (ECB) trong năm nay.

Sự kết hợp giữa giá năng lượng cao ở châu Âu (hiện đang cao hơn nhiều so với ở Mỹ) và những khoản trợ cấp hấp dẫn mà Chính phủ Mỹ dành cho các dự án năng lượng xanh và sản xuất chip ở nước này đang thu hút nhiều công ty châu Âu dịch chuyển hoạt động sang Mỹ.

Mối lo tụt hậu đã thúc đẩy Liên minh châu ÂU (EU) đề nghị ông Mario Draghi, cựu Thủ tướng Italy và cựu ECB, đưa ra các giải pháp thúc đẩy năng lực cạnh tranh của khối. Ông Draghi được kỳ vọng sẽ đề xuất hội nhập sâu hơn giữa các thị trường vốn trong khu vực và mức độ tập trung hóa cao hơn trong EU về ngân sách cho quốc phòng và các lĩnh vực khác. Gần đây, ông Mario Draghi cảnh báo rằng nếu không có các hành động chính sách được thiết kế có chiến lược và được phối hợp tốt, nhiều ngành công nghiệp của châu Âu có thể phải đóng cửa hoặc chuyển ra nước ngoài.

Ông Nicolai Tangen, Tổng giám đốc (CEO) Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy, cũng cho rằng có một thực tế đáng lo ngại là doanh nghiệp Mỹ và người lao động Mỹ làm việc chăm chỉ hơn, có tham vọng hơn và chịu ít quy định giám sát hơn so với ở châu Âu.

Đứng trước tình trạng dân số lão hóa và thiếu vắng các công ty đi đầu trong những lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh nhất, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang loay hoay tìm cách tăng cường sự năng động cho nền kinh tế. Ông Paolo Gentiloni, Cao ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế của EU, cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào giải quyết được nhu cầu đầu tư quan trọng trong những lĩnh vực như chuyển đổi xanh và quốc phòng, xét tới bối cảnh kinh tế ì ạch.

“Bê bối của châu Âu không phải là tăng trưởng thấp, vì chúng ta đã quen với việc này rồi. Vấn đề là làm thế nào để giữ đủ mức đầu tư, thông qua thu hút được vốn tư nhân và và hỗ trợ thêm bằng đầu tư công cho những lĩnh vực này”, ông Paolo Gentiloni nhận định.

Kinh tế châu Âu từng trải qua giai đoạn phát triển rực rỡ vào đầu những năm 1990 nhờ việc đẩy mạnh hội nhập thị trường chung EU trước khi mở rộng về phía Đông sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng kể từ đó, nền kinh tế EU với 27 quốc gia thành viên hiện nay ngày càng đuối so với Mỹ khi chịu ảnh hưởng của một loạt sự kiện tiêu cực, nhất là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cách đây 1 thập kỷ và gần đây hơn là đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine.

Thu nhập bình quân đầu người tính theo đồng giá sức mua ở châu Âu đã giảm về mức thấp hơn khoảng 1/3 so với Mỹ, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Chưa kể, thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ đã vượt qua tất cả các nền kinh tế phát triển trong EU, IMF dự báo khoảng cách này sẽ càng gia tăng trong thời gian còn lại của thập kỷ này.

NGƯỜI CHÂU ÂU MUỐN GIẢM GIỜ LÀM

Một phần vấn đề của châu Âu là nhu cầu yếu, đầu tư thấp và tình trạng găm giữ lao động - nhiều doanh nghiệp giữ số lao động nhiều hơn cần thiết do lo ngại khó tuyển được người khi nhu cầu phục hồi. Những yếu tố này xuất phát một phần từ niềm tin thấp của người tiêu dùng châu Âu.

Giá nhà ở nhiều nước trong khu vực đã giảm nhiều năm, trong khi các chính phủ kiềm chế chi tiêu. Trong khi đó, tiền lương tăng nhanh hơn ở Mỹ giúp người lao động Mỹ lấy lại sức mua bị mất do lạm phát nhanh hơn so với người lao động châu Âu. Các hộ gia đình Mỹ cũng hưởng lợi từ việc đầu tư nhiều hơn vào thị trường chứng khoán trong những năm gần đây.

Tỷ lệ tiết kiệm ở Eurozone hiện nay là 14% thu nhập, cao hơn mức bình quân lịch sử. Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ đã tiêu gần hết số tiền mà tiết kiệm thêm được trong đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiết kiệm của họ hiện tại chỉ vào khoảng 5% thu nhập. Chưa kể, người châu Âu còn muốn giảm số giờ làm việc - như công nhân ngành đường sắt Đức đã gây sức ép để giảm số giờ làm việc mỗi tuần từ 38 giờ hiện nay còn 35 giờ vào năm 2029, công nhân ngành thép nước này đòi được trả lương cao hơn chỉ để làm việc 32 giờ mỗi tuần.

Theo ước tính của ECB vào thời điểm cuối năm 2023, bình quân mỗi người lao động ở Eurozone làm việc ít hơn 5 giờ mỗi tuần so với trước đại dịch Covid-19, tương đương mất 2 triệu công nhân làm việc toàn thời gian mỗi năm. Trong khi đó, số giờ làm việc bình quân của người lao động Mỹ không hề thay đổi...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2024 phát hành ngày 20/05/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/suc-manh-kinh-te-chau-au-ngay-cang-giam-so-voi-my.htm