'Quý II/2024, thời điểm vàng đầu tư cổ phiếu F&B'

VDSC cho rằng triển vọng lạc quan về hoạt động của ngành F&B trong năm 2024 vẫn chưa phản ánh đầy đủ lên diễn biến giá cổ phiếu F&B. Khi giá nông sản xác nhận xu hướng giảm trong năm 2024, giá cổ phiếu F&B sẽ cao hơn trong 12 tháng tới, quý II sẽ là thời điểm vàng để mua vào.

Khả năng quản lý chi phí quyết định sự khác biệt

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng doanh thu của ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) sẽ được dẫn dắt bởi sản lượng trong khi giá bán được kỳ vọng vẫn ổn định so với mức của năm trước.

“Tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng đang được cải thiện trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô dần tốt hơn. Trong đó, mức tăng trưởng 2 chữ số của khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy những dấu hiệu tích cực về tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng đang được cải thiện”, chuyên gia VDSC cho hay.

Ngoài ra, tiêu thụ ngành F&B trong năm 2024 sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của cả nhu cầu trong nước và khách du lịch nước ngoài.

Năm 2023, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19, nhưng với mức tăng trưởng 68% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2024, VDSC cho rằng số liệu đang trên đà trở lại mức bình thường, làm ấm thị trường bán hàng qua kênh HORECA (nhà hàng, khách sạn), góp phần tăng tiêu thụ các sản phẩm F&B.

Bên cạnh đó, VDSC dự báo hiệu ứng tích cực của việc lạm phát giảm cũng sẽ phản ánh vào mức chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2024.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn 2021-2023, mức tăng trưởng doanh thu ngành hàng tiêu dùng chủ yếu do giá cả tăng, trong đó mức tăng cao nhất được ghi nhận vào nửa đầu năm 2023. VDSC nhận định rằng áp lực “cảm thấy đắt” khi mua hàng của người tiêu dùng đang giảm bớt, khách hàng đã quen với mặt bằng giá mới.

Cùng với việc cải thiện tâm lý, VDSC dự đoán rằng sản lượng bán hàng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho tổng giá trị doanh thu của ngành tiêu dùng trong năm 2024.

Bên cạnh đó, một điểm sáng khác cho ngành F&B năm 2024 là việc giá nguyên vật liệu dự kiến không tăng mạnh. Cụ thể, các nhà sản xuất F&B Việt Nam đã chốt các hợp đồng nguyên liệu đầu vào trong quý IV/2023 và quý I/2024 trước khi giá cả hàng hóa phục hồi nhẹ kể từ tháng 4/2024. VDSC cho rằng những nguyên liệu này sẽ được các doanh nghiệp sử dụng trong nửa đầu năm 2024.

Theo ước tính của VDSC, ngành F&B có thể hưởng lợi từ chi phí nguyên liệu đầu vào rẻ hơn 15% so với cùng kỳ trong năm 2024. Sản lượng tăng, giá nguyên vật liệu giảm, VDSC cho rằng sự khác biệt về tăng trưởng lợi nhuận ròng giữa các doanh nghiệp F&B có thể phụ thuộc vào khả năng quản lý chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hoặc lợi thế mức cơ sở thấp của năm 2023.

SAB có mức lợi nhuận ròng cơ sở thấp trong năm 2023 do chốt giá nguyên liệu đắt trước đó

SAB có mức lợi nhuận ròng cơ sở thấp trong năm 2023 do chốt giá nguyên liệu đắt trước đó

VDSC giả định các doanh nghiệp F&B sẽ tăng chi tiêu vào năm 2024 để nắm bắt sự phục hồi nhu cầu do tính chất cạnh tranh khốc liệt của ngành. Việc quản lý chi phí sẽ giúp các doanh nghiệp F&B cải thiện biên lợi nhuận, tạo ra sự khác biệt trong tăng trưởng lợi nhuận, thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư.

“Theo phân tích, dựa trên hiệu quả hoạt động trước đây của các doanh nghiệp F&B, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp sữa lớn như VNM hay IDP với mô hình kinh doanh đơn giản và tính chất thiết yếu của sản phẩm có thể tạo ra mức tăng trưởng cao hơn trong ngành.

Mặt khác, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp có lợi nhuận ròng cơ sở thấp trong năm 2023 như SAB (chốt nguyên liệu giá đắt), MSN (chi phí hoạt động cao và lỗ từ hoạt động kinh doanh phi tiêu dùng) hoặc KDC (chi phí hoạt động cao) cũng sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh mẽ trong năm 2024”, các chuyên gia của VDSC nhận định.

Cổ tức hấp dẫn, lựa chọn tiềm năng cho khối ngoại

Theo VDSC, tỷ suất cổ tức của các doanh nghiệp F&B đã cao hơn lãi suất tiền gửi 12 tháng trong môi trường lãi suất giảm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi Việt Nam đã giảm xuống mức thấp, thậm chí thấp hơn cả thời điểm dịch Covid-19 khiến kênh này trở nên kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư phòng thủ.

Với lịch sử chi trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định, mang lại tỷ suất cổ tức (trung bình 5,5%) cao hơn lãi suất tiền gửi 12 tháng hiện tại (trung bình 4,5%), cổ phiếu F&B được cho là sẽ thu hút được sự chú ý từ các nhà đầu tư có mức chấp nhận rủi ro thấp.

VDSC cho rằng, cổ phiếu đầu ngành F&B sẽ là lựa chọn tiềm năng cho các tổ chức nước ngoài mới trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Cổ phiếu đầu ngành F&B sẽ là lựa chọn tiềm năng cho các tổ chức nước ngoài

Cổ phiếu đầu ngành F&B sẽ là lựa chọn tiềm năng cho các tổ chức nước ngoài

Dựa vào tính chất phòng thủ của cổ phiếu F&B, với cơ cấu bảng cân đối kế toán lành mạnh, hồ sơ tín dụng tốt và khả năng quản trị doanh nghiệp tốt, cổ phiếu F&B được kỳ vọng sẽ là lựa chọn tiềm năng cho các quỹ đầu tư dài hạn nước ngoài nước ngoài bước đầu đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Đóng vai trò bảo toàn vốn cũng như giữ giá trị danh mục đầu tư cân đối không bị sụt giảm qua các chu kỳ kinh doanh, chúng tôi cho rằng các quỹ đầu tư sẽ dành khoảng 5-10% danh mục đầu tư cho các cổ phiếu F&B”, chuyên gia VDSC dự báo.

Dựa trên giả định hệ thống KRX được đưa vào sử dụng trong nửa cuối năm 2024, đóng vai trò là thỏi nam châm hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam và sức mua của người tiêu dùng trong nửa cuối năm 2024 dự báo tốt hơn so với nửa đầu năm, giúp củng cố kết quả hoạt động tích cực của các doanh nghiệp F&B, VDSC dự báo giá cổ phiếu F&B sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024.

Trong đó, quý II được dự báo là thời điểm vàng để đầu tư vào các cổ phiếu F&B. Kết hợp tỷ lệ P/E ổn định và diễn biến giá cổ phiếu tăng trưởng tích cực, VDSC cho rằng triển vọng lạc quan về hoạt động của ngành F&B trong năm 2024 vẫn chưa phản ánh đầy đủ lên diễn biến giá cổ phiếu F&B. Khi giá nông sản xác nhận xu hướng giảm trong năm 2024, giá cổ phiếu F&B sẽ cao hơn trong 12 tháng tới.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/quy-ii-thoi-diem-vang-dau-tu-co-phieu-fb-d110918.html