Phòng ngừa sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Để chủ động ngăn ngừa việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chăn nuôi, giết mổ, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Điện Biên.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Điện Biên.

Chất cấm trong chăn nuôi còn được gọi là chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist, với 3 chất tiêu biểu là: Clenbuterol, Salbutamol và Ractoppamine. Đây là các chất đứng đầu bảng của danh mục các chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Nhóm hóa chất này sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người nếu ăn phải thịt của vật nuôi sử dụng nhiều chất cấm.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, đặc biệt những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tồn dư kháng sinh và việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; các trang trại, gia trại; cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm… Kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm, đồng thời nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, đảm bảo người dân được sử dụng sản phẩm an toàn.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc người dân sử dụng thức ăn cho cá trên địa bàn huyện Điện Biên.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc người dân sử dụng thức ăn cho cá trên địa bàn huyện Điện Biên.

Để phòng ngừa việc kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hàng năm Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y. Từ năm 2022 đến nay, đã tiến hành lấy 220 mẫu nước tiểu, 204 mẫu thịt tại gần 200 cơ sở giết mổ lợn để giám sát chất cấm Salbutamol và tồn dư kháng sinh nhóm Tetracyline. Từ đầu năm 2024 đến nay đã kiểm tra 27 cơ sở; thực hiện test nhanh các mẫu nước tiểu tại cơ sở giết mổ, thực hiện ly tâm các mẫu thịt, chưng cất… Kết quả 100% các mẫu đều âm tính với các chỉ tiêu kiểm tra.

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước tiểu lợn kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi.

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước tiểu lợn kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi.

Theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, hiện tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh có khoảng hơn 5 triệu con gia súc, gia cầm và sản lượng thủy sản hơn 4.740 tấn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp nên phải nhập hơn 30.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có trên 300 cơ sở chuyên kinh doanh, buôn bán thức ăn chăn nuôi. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền; công tác kiểm tra, giám sát an toàn dịch bệnh, nên trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã ký cam kết thực hiện chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm.

Hiện nay, nguồn thức ăn chăn nuôi chủ yếu được nhập từ tỉnh khác nên việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc khó thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi không cố định, liên tục có sự thay đổi, nằm rải rác ở các địa phương, sản lượng từ 1 - 10 tấn/tháng, một số cơ sở bán buôn số lượng 20 - 300 tấn/tháng. Địa bàn rộng, giao thông không thuận tiện nên lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát.

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước tiểu trên đàn bò kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi.

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước tiểu trên đàn bò kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi.

Cũng theo ông Mỹ, để phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người kinh doanh, chăn nuôi hiểu rõ nhất tác hại của chất cấm đối với sức khỏe con người. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi, tập trung vào các cơ sở lớn, đại lý cấp 1 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm. Bên cạnh đó, người dân cần tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để báo cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương biết, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/215273/phong-ngua-su-dung-chat-cam-trong-chan-nuoi