Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đi đầu cả nước về kinh tế biển

Đến năm 2050, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ (BTB&DHTB) là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển. Phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á.

Sáng 19/5, tại TP Huế, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên Hải Trung bộ (BTB&DHTB) tổ chức công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng BTB&DHTB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hội nghị Hội đồng Điều phối vùng BTB&DHTB lần thứ 4 do tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng BTB&DHTB; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương, địa phương.

Đi đầu cả nước về kinh tế biển

Vùng BTB &DHTB gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây.

Quan điểm phát triển của vùng BTB&DHTB sẽ tập trung vào các ngành kinh tế biển để vùng trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm gắn với phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Không gian phát triển được tổ chức theo các tiểu vùng, các hành lang kinh tế và các cực tăng trưởng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số bộ, ngành chúc mừng lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố vùng BTB&DHTB được trao quyết định phê duyệt quy hoạch vùng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số bộ, ngành chúc mừng lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố vùng BTB&DHTB được trao quyết định phê duyệt quy hoạch vùng.

Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là hệ sinh thái và môi trường biển. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Lấy văn hóa là một trụ cột phát triển bền vững, con người làm trung tâm của nguồn lực và phát triển.

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch, một số ngành công nghiệp ưu tiên, trọng điểm của vùng BTBT&DHTB là: công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, công nghiệp ven biển, du lịch biển, kinh tế hàng hải; chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo gió ven bờ, gió ngoài khơi. Lĩnh vực thương mại đẩy mạnh theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Hình thành và phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Đồng thời tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Bên cạnh đó, vùng cần ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách tại hạ lưu các lưu vực sông, ô nhiễm vùng biển ven bờ, ô nhiễm rác thải nhựa biển.

Lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố trong vùng BTB&DHTB tham dự và thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến tại hội nghị.

Lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố trong vùng BTB&DHTB tham dự và thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến tại hội nghị.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7,5-8%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 165 triệu đồng, tương đương 6.500 USD… Đến năm 2050, đây là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển. Phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, quy hoạch vùng BTB&DHTB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; phương án phát triển, giải pháp, chính sách ưu đãi, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới. Đồng thời, bản quy hoạch này mở ra tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của vùng BTB&DHTB.

Đầu cầu quan trọng của cả nước

Ngay sau khi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động theo Nghị quyết số 168 của Chính phủ được ban hành, các bộ, ngành và địa phương trong Vùng BTB&DHTB đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết.

Qua hơn 1 năm triển khai đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, đã phê duyệt quy hoạch của 14/14 tỉnh, thành trong vùng. Đối với các dự án, nhóm dự án quan trọng, liên kết vùng, đã hoàn thành 3 cảng hàng không và 1 cảng biển. Dự kiến, năm 2025 hoàn thành 1 tuyến cao tốc và đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai đầu tư 7 dự án còn lại trong thời gian tới. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực ngân sách Trung ương để sớm hoàn thành đảm bảo thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam và kết nối toàn bộ các địa phương trong vùng; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột tuyến đường kết nối Đông – Tây đã được tập trung nguồn lực để thực hiện theo đúng tiến độ.

Đến năm 2050, vùng BTB&DHTB là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển.

Đến năm 2050, vùng BTB&DHTB là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, phát triển vùng và liên kết phát triển vùng BTB&DHTB có vai trò đặc biệt quan trọng, là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Các bộ, ngành và các địa phương trong vùng đã tích cực triển khai các hoạt động liên kết nội vùng và liên vùng, thay đổi rõ nét từ tư duy cho đến hành động.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng BTB&DHTB đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%). Trong năm 2023, thu ngân sách vùng đạt gần 230 nghìn tỷ, chiếm gần 12,1% tổng thu NSNN của cả nước; trong 18 địa phương điều tiết về ngân sách Trung ương, có 4 địa phương thuộc vùng. Từ đầu năm đến ngày 7/5/2024, thu NSNN vùng đạt gần 44,9 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 11% tổng thu NSNN.

Phát biểu tại hội nghị, về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, tăng trưởng của vùng đã được thúc đẩy, thu đủ chi, an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm khá nhanh… Phó Thủ tướng cho rằng, vùng BTB&DHTB đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế; một số địa phương trong vùng đã vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng.

Thời gian qua, một số tỉnh, thành trong vùng BTB&DHTB liên kết phát triển du lịch (trong ảnh, du khách tại lễ hội ẩm thực Huế).

Thời gian qua, một số tỉnh, thành trong vùng BTB&DHTB liên kết phát triển du lịch (trong ảnh, du khách tại lễ hội ẩm thực Huế).

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng BTB&DHMT còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như kinh tế xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; còn thấp so với mục tiêu. Trong đó, phát triển kinh tế biển chưa có tính đột phá; tăng trưởng công nghiệp – xây dựng còn thấp; việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành còn chậm; du lịch chưa phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng của vùng và liên vùng chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa được huy động và sử dụng một cách hiệu quả. Liên kết vùng thiếu chặt chẽ, chưa tạo được không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương và toàn vùng…

Phó Thủ tướng lưu ý, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian đến, đó là khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng; tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm; quan tâm hơn nữa công đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Bên cạnh đó, phải chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng…

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/phat-trien-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-di-dau-ca-nuoc-ve-kinh-te-bien-i731685/