PG Bank đổi tên thương mại vì muốn thoát khỏi 'bóng ông lớn' Petrolimex

PG Bank sẽ đổi tên thương mại từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc thay đổi tên thương mại.

Theo đó, PG Bank sẽ đổi tên từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (Petrolimex Group Commercial Joint Stock Bank) thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (Prosperity and Growth Commercial Joint Stock Bank). Tên viết tắt của ngân hàng cũng được đổi từ PG Bank sang PGBank.

Việc đổi tên này sẽ được trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, trước khi chính thức được sử dụng.

Quyết định thay đổi tên thương mại được cổ đông PGBank thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 vào ngày 23/10 vừa qua, do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank)

Bên cạnh việc đổi tên, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc đổi trụ sở chính từ tầng 16-23-24 tòa nhà Mipec Tower, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội sang tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội. Đây là một trong những dự án của Tập đoàn Thành Công.

Đáng chú ý, chủ đầu tư của tòa nhà này là Công ty Cổ phần Thiết bị điện Hàm Long với người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Anh (sinh năm 1975). Bà Hồng Anh còn là đại diện Công ty TNHH Dịch vụ ô tô Thành Công; Công ty TNHH CDA; và Công ty TNHH TCG Land (đơn vị thành viên của Tập đoàn Thành Công).

Cùng với việc đổi tên, một diễn biến mới ở PGBank đó là HĐQT Ngân hàng vừa có quyết định bổ nhiệm bà Đinh Thị Huyền Thanh giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ ngày 17/11.

Bà Thanh đã là Quyền Tổng giám đốc PGBank từ ngày 23/10, khi người tiền nhiệm là ông Phạm Mạnh Thắng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng.

ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Kế hoạch này nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của PGBank trong giai đoạn mới.

Cụ thể, Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, 1.200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 10:4, và 800 tỷ đồng chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 15:4. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023, 2024.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của PGBank là 959 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 7% xuống còn 288 tỷ đồng. Trong năm 2023, PGBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 530 tỷ đồng, như vậy PGBank đã thực hiện được 68% mục tiêu cả năm sau 9 tháng.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của PGBank đạt 47.832 tỷ đồng, giảm 2% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt, vàng bạc, đá quý giảm 35% còn 215 tỷ đồng, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước giảm 50% còn 426 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 5% lên mức 30.485 tỷ đồng. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm 21% còn 7,245 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 9% đạt 34,098 tỷ đồng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/pg-bank-doi-ten-thuong-mai-vi-muon-thoat-khoi-apos-bong-ong-lon-apos-petrolimex-1096746.html