Nút thắt nào cần tháo gỡ để Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

VOV.VN -Ngay từ đầu năm nay, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã có nhiều hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn cần được tháo gỡ để địa phương thực hiện đạt tiến độ. Đó là quỹ đất tái định cư, hỗ trợ hộ bị giải tỏa, bố trí đất ở cho hộ làm nhà trên đất khác.

Huyện Hòa Vang là địa phương có số dự án giải tỏa đền bù nhiều nhất ở Đà Nẵng, hiện gặp phải nhiều khó khăn. Khó nhất là nợ đất tái định cư trong nhiều năm qua. Đến nay, huyện Hòa Vang còn nợ 570 lô đất tại 13 khu tái định cư, chủ yếu do hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Huyện Hòa Vang đã nhiều lần báo cáo lãnh đạo thành phố nhưng ban quản lý các dự án bàn giao khu tái định cư chậm nên không thể di dời dân nhường mặt bằng được.

Huyện Hòa Vang đề nghị các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để bố trí cho hộ phải di dời. Đối với các dự án mới, hiện huyện Hòa Vang đang cần hàng trăm lô đất tái định cư, như: Dự án đường Hòa Liên - Túy Loan cần 663 lô tái định cư; Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 14B cần 553 lô; Dự án cầu Quảng Đà cần 43 lô. Để giải quyết vấn đề này, thành phố có chủ trương chuyển người tái định cư ở khu vực này đến những vị trí khác như các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ. Tuy nhiên, người dân không đồng thuận mà muốn tái định cư tại chỗ. Huyện Hòa Vang kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 khu tái định cư mới mà thành phố Đà Nẵng vừa có chủ trương đầu tư.

 Dự án cầu Quảng Đà cần 43 lô đất tái định cư

Dự án cầu Quảng Đà cần 43 lô đất tái định cư

Theo ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, khó khăn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Hòa Vang là giải tỏa gia đình ở lâu năm trên đất nông nghiệp.

“Liên quan đến đất nông nghiệp là câu chuyện dài và gần như đây là vướng mắc lớn nhất. Hòa Vang có đặc thù đất nông nghiệp có nguồn gốc do ba mẹ để lại. Trước đây, do điều kiện người ta không làm thủ tục chuyển đổi. Theo quan điểm của tôi thì ở đây chúng tôi có nhầm lẫn. Bởi theo văn bản 1685 của Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, ký ngày 15/8/2023, người ta nói: “Nếu không có chỗ ở nào khác thì được nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất”. Nhưng mà hiện nay, các ngành vẫn cứ tham mưu là: “Căn cứ quy định là không được bố trí đất tái định cư”", ông Phan Văn Tôn nói.

Cũng như tại huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà đang gặp khó khăn về giải quyết chỗ ở cho các hộ không được bồi thường đất ở, không được bố trí tái định cư, trong khi họ không có chỗ ở nào khác. Chỉ qua rà soát tại 3 dự án đã có 14 trường hợp bị thu hồi đất nhưng không đủ điều kiện bồi thường đất ở, không được bố trí tái định cư nhưng không còn chỗ ở nào khác. Khó khăn thứ hai là tiền mua đất tái định cư hiện nay quá cao so với tiền đền bù nên đa số người dân không đủ điều kiện nộp tiền sử dụng đất, trong khi không còn chính sách nợ tiền đất tái định cư như trước đây.

 Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vướng giải phóng mặt bằng

Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vướng giải phóng mặt bằng

Ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, hiện nay, quỹ đất tái định cư đường 5,5m trên địa bàn Sơn Trà không đảm bảo để xây dựng kế hoạch tái định cư cho các Dự án chuẩn bị triển khai. Nhiều hộ giải tỏa diện tích nhỏ, ở vị trí kiệt hẻm nên cần có phương án bố trí về các quận, huyện khác có giá đất tương đương vị trí giải tỏa.

Tuy nhiên, các quận/huyện cũng chưa thống nhất chuyển giao quỹ đất để UBND quận Sơn Trà xây dựng kế hoạch tái định cư. Đơn cử dự án đường Huyền Quang nối dài đang trình chủ trương đầu tư nhưng Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng chưa thông qua vì các quận, huyện không thống nhất chuyển giao quỹ đất để xây dựng kế hoạch tái định cư.

Một khó khăn nữa là kinh phí cho việc tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ ở mức 2% trên tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ, không đáp ứng cho việc tổ chức thực hiện.

Việc xác định giá đất bồi thường khi nhà nước thu hồi đất đang gặp nhiều khó khăn, chậm trễ, do các đơn vị ở cấp quận lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ mới theo ủy quyền của UBND thành phố về xác định giá đất. Để khắc phục những khó khăn này, UBND quận Sơn Trà đã phân công cho các Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách một nhóm dự án, có toàn quyền chỉ đạo điều hành việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án, trường hợp vượt thẩm quyền thì xin ý kiến Chủ tịch UBND quận.

 Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan đang được huyện Hòa Vang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc

Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan đang được huyện Hòa Vang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc

Ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết thêm: “Chỉ đạo hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư của dự án chủ động rà soát các vướng mắc về quy hoạch, hồ sơ pháp lý, tiến độ thi công, thường xuyên kiểm tra thực tế… để kịp thời xử lý, tháo gỡ; Chỉ đạo Ban Quản lý dự án và Giải phóng mặt bằng rà soát, xây dựng quy trình nội bộ để thực hiện 1 dự án từ khi bắt đầu có ý tưởng, chỉ đạo của lãnh đạo cho đến khi hoàn thành dự án; Lập bảng tiến độ thực hiện dự án hàng tháng, hàng quý và hàng năm để có cơ sở thực hiện và giám sát chỉ đạo. Ban quản lý dự án và giải phóng mặt bằng chủ động phối hợp với trung tâm phát triển quỹ đất thành phố để rà soát quỹ đất, xây dựng phương án tái định cư phù hợp với nhu cầu và quỹ đất hiện có”.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng xác định 8 nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng chậm. Đó là thiếu tính kế hoạch; Thiếu tính quyết liệt và ngại va chạm; Chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ khi được phân cấp ủy quyền; Thiếu tính đồng bộ trong thực hiện các thủ tục; Chưa bám sát thực tế trong thực hiện tái định cư; Công tác đo đạc địa chính, chỉnh lý biến động đất đai qua các thời kỳ chưa được chính xác, đồng bộ; Việc áp giá đất cụ thể để bồi thường chưa bám sát quy định của pháp luật và thực tiễn; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải tỏa đền bù còn thiếu và yếu; Trách nhiệm của các sở chuyên ngành chưa thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước.

 Ông Võ Nguyên Chương- PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng (áo trắng) giải thích về công tác giải phóng mặt bằng

Ông Võ Nguyên Chương- PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng (áo trắng) giải thích về công tác giải phóng mặt bằng

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

“Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin phép chủ trương thành phố thông qua trung tâm phát triển quỹ đất thành lập tổ công tác khoảng 20 người gồm những lao động hợp đồng. Tổ này do lãnh đạo sở trực tiếp làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ công tác này là tập trung giải quyết những điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng của những dự án động lực, trọng điểm để hoàn thiện chính sách theo quy định mới của Luật Đất đai sắp có hiệu lực; Những vấn đề phát sinh từ thực tiễn mà pháp luật chưa quy định để tham mưu về chính sách. Nhiệm vụ thứ hai của Tổ công tác này là đảm bảo lực lượng phối hợp với các quận huyện để tháo gỡ, xử lý nhanh các vướng mắc”, ông Võ Nguyên Chương cho biết.

Giải phóng mặt bằng chậm, Lãnh đạo TP Đà Nẵng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc

Giải phóng mặt bằng chậm, Lãnh đạo TP Đà Nẵng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ủng hộ ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Tổ công tác giúp các quận/huyện tháo gỡ vướng mắc về đất đai.

“Thứ nhất, chúng ta đã mạnh dạn phân cấp về phương án đền bù tái định cư cho quận huyện. Lâu nay, theo Luật Quy hoạch, quận huyện được phê duyệt quy hoạch 1/500 hết rồi. Tức là quận/huyện nắm tất cả các nội dung đến từng chi tiết, nghĩa là biết được thu hồi dự án đề đâu, thu hồi bao nhiêu, ở đâu, vị trí nào. Như vậy, việc giao chủ đầu tư hoặc UBND quận/huyện phê duyệt phương án đền bù, tái định cư là phù hợp.

Nội dung thứ hai, tiêu chí đầu tiên muốn giải phóng mặt bằng thì phải bố trí tái định cư, phải có đất tái định cư. Nhưng xưa nay, chúng ta không làm, chúng ta cứ giải phóng ào ào. Vì vậy, theo tôi cần phải nâng cao trách nhiệm của hội đồng giải phóng mặt bằng”. Ông Lê Quang Nam cho biết.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nut-that-nao-can-thao-go-de-da-nang-day-nhanh-tien-do-giai-phong-mat-bang-post1096817.vov