Những thầy giáo kiêm luôn 'nấu cơm cho em'

Để giữ chân học sinh ở lại trường, đảm bảo tỉ lệ chuyên cần, nhiều thầy cô giáo nhận thêm phần việc bếp núc, lo cả phần ăn sáng, ăn trưa...

Bữa ăn trưa từ nguồn hỗ trợ cộng đồng, do thầy Hồ Văn Ngọc đảm nhiệm công việc nấu nướng cho học sinh điểm trường Ông Thái.

Bữa ăn trưa từ nguồn hỗ trợ cộng đồng, do thầy Hồ Văn Ngọc đảm nhiệm công việc nấu nướng cho học sinh điểm trường Ông Thái.

Nấu cơm cho em

Mỗi tuần 2 lần, thầy Nguyễn Văn Nhân, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn và cô Nguyễn Thị Tý, giáo viên Trường Mầm non Hướng Dương phải vượt qua chặng đường đầy bùn nhão, trơn trượt để vào điểm trường Ông Bình. Đây là 1 trong 4 điểm trường nằm sâu dưới tán rừng già Ngọc Linh. Thầy cô vào dạy ở điểm trường này đều mất liên lạc với bên ngoài vì không có sóng điện thoại. Điểm trường cũng chưa có ánh sáng từ điện lưới quốc gia.

Thầy Nguyễn Văn Nhân vượt qua đoạn đường trơn trượt, dốc dựng đứng để vào đến điểm trường ông Bình (xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam).

Từ điểm chính của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam), thầy Nhân và cô Tý phải chủ yếu băng rừng đi bộ khoảng gần 2 tiếng đồng hồ, vượt qua 3 con suối.

Cách đây tròn 1 năm, cộng đồng mạng đã rất xúc động khi xem clip cô giáo Nguyễn Thị Tý nhích từng tí một để di chuyển trên thân gỗ bắc qua con suối, phía dưới, dòng nước lũ chảy xiết. Trên con suối ấy, giờ đã có một chiếc cầu treo nhưng người dân vẫn quen với tên gọi: “Cầu cô Tý”.

Mùa mưa, đường đến trường của thầy Nhân và cô Tý là những đoạn đường trơn trượt, đất đỏ đặc quánh.

Mùa mưa, đường đến trường của thầy Nhân và cô Tý là những đoạn đường trơn trượt, đất đỏ đặc quánh.

Điểm trường Ông Bình có 1 lớp ghép 1 - 2 ở cấp tiểu học và một lớp mầm non. Năm học này, điểm trường tổ chức bán trú cho cả học sinh tiểu học. Thầy Trương Công Một, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn kể, riêng mầm non thì từ năm học trước, cô Tý nhận nấu bữa trưa cho trẻ theo đúng định mức hỗ trợ của nhà nước.

“Học sinh tiểu học vẫn có tiền ăn trưa nhưng chúng tôi không thể cử một nhân viên cấp dưỡng tăng cường cho điểm trường. Thấy học sinh mình cứ thập thò nhìn bữa ăn trưa của học sinh mầm non, thầy Nhân nhận luôn việc nấu ăn để học sinh ở lại buổi trưa tại trường” - thầy Một cho biết.

Thầy Nguyễn Văn Nhân còn dự trữ cả mì tôm từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm để làm bữa ăn sáng cho học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Nhân còn dự trữ cả mì tôm từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm để làm bữa ăn sáng cho học sinh.

Dù ở lại ăn trưa tại trường, nhưng các học sinh tiểu học ở điểm trường Ông Bình vẫn được nhận trọn vẹn tiền ăn theo chế độ của Nhà nước hỗ trợ. Các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ kinh phí ăn trưa cho các em. Chương trình Nuôi em hỗ trợ 3 bữa ăn trưa cho học sinh lớp ghép 1 và 2. Hai bữa trưa còn lại, CLB Bạn thương nhau đảm nhận. Hai cô thầy thêm nhiều phần việc nhưng học sinh đi học chuyên cần hơn trước.

Cả thầy Nhân và cô Tý đều là giáo viên hợp đồng nhiều năm nay. Mức lương chưa đến 4 triệu. Thầy Nhân kể: “Trước khi nghỉ Tết và nghỉ hè, mình cũng phải lo xoay sở để trả nợ cho các cửa hàng tạp hóa. Xăng đôi khi cũng phải mua nợ rồi họ cho trả dần. Khoản tiền sửa xe gần như tháng nào cũng có vì đường đi quá xấu”. Vượt qua những khó khăn, chật vật về kinh tế, thầy Nhân vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, học xong bằng cử nhân Sư phạm tiểu học để đủ điều kiện thi vào biên chế.

"Lớp học chia ba"

Đứng lớp tại điểm trường Ông Thái, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, thầy giáo Hồ Văn Ngọc vừa dạy 5 học sinh lớp ghép 1 - 2 và kiêm nhiệm luôn lớp mẫu giáo cho 8 trẻ khác của nóc. Đây chưa phải là điểm trường duy nhất của Trà Dơn có "lớp nhô" 5 tuổi.

Thầy Hồ Văn Ngọc trên đường từ điểm trường chính vào nóc Ông Thái để dạy học.

Thầy Trương Công Một chia sẻ: “Với chỉ 5 em học sinh tiểu học thì không đủ để đặt 1 điểm trường ngay tại thôn. Đưa các em ra điểm trường chính học thì lại quá xa. Nên chúng tôi bàn bạc với trường mẫu giáo để các em trong độ tuổi 5 tuổi cùng học dự thính với học sinh lớp 1. Tiếng là học dự thính nhưng thầy giáo cũng tách trẻ 5 tuổi ra để cho các em chơi trò chơi giúp trẻ nhận diện chữ cái, làm quen với tiếng Việt cho đúng với độ tuổi chứ không thể dạy như chương trình lớp 1".

Thầy Hồ Văn Ngọc vào bếp sau các tiết dạy buổi sáng để lo bữa ăn trưa tại trường cho học sinh nóc Ông Thái.

Thầy Hồ Văn Ngọc vào bếp sau các tiết dạy buổi sáng để lo bữa ăn trưa tại trường cho học sinh nóc Ông Thái.

Với sự hỗ trợ kinh phí của CLB Bạn thương nhau, thầy Ngọc nhận thêm nhiệm vụ nấu thêm bữa ăn trưa cho học sinh của điểm trường mình.

Nhận thêm nhiệm vụ “bếp trưởng”, Chủ nhật nào từ nhà quay trở lại trường, thầy Ngọc cũng phải "cõng" theo gạo, thịt, trứng, cá khô… Thực phẩm phải tính toán để đủ dùng cả tuần cho 13 em học sinh.

Hết giờ học buổi sáng, thầy giáo lại lụi cụi nấu nướng, chia từng suất cơm cho học sinh. Thời gian nghỉ trưa của thầy ngắn lại, công việc nhiều thêm. Nhưng cứ nghĩ đến những em học sinh mồ côi không phải bữa đói bữa no, thầy Ngọc lại có thêm động lực để làm “anh nuôi”.

Dịp lễ 20/11, thầy Ngọc, thầy Nhân, cô Tý vẫn vừa dạy học vừa lo cơm dẻo, canh nóng cho các em học sinh. Quà tặng mà thầy cô nhận được chỉ đơn giản là các em ăn hết khẩu phần ăn, đã bắt đầu quen với việc ngủ trưa chứ không còn nằm chơi đùa nhau như những ngày đầu ở lại buổi trưa tại trường. Cô Tý kể, cô thường phải dự trữ bánh kẹo, đến tận nhà dẫn học sinh đến trường. Ba mẹ đi rừng đi rẫy sớm, các em không nhớ ra cần phải đến trường đều đặn hàng ngày.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-thay-giao-kiem-luon-nau-com-cho-em-post661825.html