Những quy định doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang cần nắm để chuẩn bị cho cuộc thanh tra thị trường vàng

Là ngành nghề truyền thống và mang ý nghĩa lịch sử, sự phát triển của hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, khác với những ngành nghề sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ, ngành nghề này liên quan đến vàng, loại hàng hóa đặc biệt có mối liên hệ bản chất đến tiền tệ.

Vì vậy, việc quản lý và thực thi pháp luật liên quan hoạt động này giữ vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của lĩnh vực vàng trang sức mỹ nghệ mà còn đối với sự ổn định và phát triển nền kinh tế. Với ý nghĩa đó, ở góc độ chính sách, các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cần quan tâm thực hiện tốt các quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về hoạt động sản xuất gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ:

Thứ nhất, thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại điều 6, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Cụ thể, thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm do doanh nghiệp thuê gia công; chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; bảo đảm duy trì các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này; tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ tài chính kế toán; quy định về hóa đơn chứng từ của Bộ Tài chính. Trong đó, phải đảm giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vàng nguyên liệu mua vào để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (hóa đơn; bảng kê, giấy tờ pháp lý khác có liên quan... theo hướng dẫn của cơ quan thuế; cục Quản lý thị trường...). Công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy định sẽ không chỉ đảm bảo doanh nghiệp thực thi trách nhiệm trước pháp luật mà còn phòng ngừa và hạn chế rủi ro phát sinh có liên quan đến tiêu thụ hàng nhái, hàng giả... qua đó, góp phần phòng chống buôn lậu và gian lận trong lĩnh vực này.

Trong quá trình này, cần quan tâm triển khai và ứng dụng phần mềm hóa đơn điện tử, để triển khai thực hiện đồng bộ, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, vừa đảm bảo công khai minh bạch, vừa tiết giảm chi phí quản lý, và làm tốt công tác báo cáo đối với cơ quan quản lý.

Thứ ba, thực hiện phương án kinh doanh an toàn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ để bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy có hiệu quả.

Trên đây là một số nội dung quy định về trách nhiệm cũng như các vấn đề cần quan tâm đối với doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Theo đó, việc tuân thủ và thực hiện đúng quy định pháp luật sẽ không chỉ bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển ngành nghề truyền thống mang lại giá trị xuất khẩu cũng như giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội, mà còn góp phần bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, tác động tích cực đến tăng trưởng phát triển nền kinh tế.

Ngày 17/5/2024, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh vàng, gồm các nội dung:

Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Nội dung của Quyết định nêu rõ, thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật thanh tra và các qui định có liên quan.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhung-quy-dinh-doanh-nghiep-san-xuat-kinh-doanh-nu-trang-can-nam-de-chuan-bi-cho-cuoc-thanh-tra-thi-truong-vang-post345453.html