Những con số đáng buồn về dân số Nhật Bản

Trong thời gian gần đây, nhiều số liệu về dân số của Nhật Bản được đăng tải trên truyền thông đại chúng, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Ít ai hình dung được, cường quốc thế giới này lại không có những điều vốn là 'lẽ thường'.

Một tuyến đường đi bộ tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Một tuyến đường đi bộ tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Không còn đủ người

Đầu tuần này, cảnh sát Nhật Bản công bố một báo cáo cho thấy, ước tính mỗi năm có tới 68.000 người trên 65 tuổi ở Nhật Bản qua đời trong sự cô độc tại tư gia mà không có bất kỳ người nào bên cạnh.

Riêng từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, có tới 21.716 người qua đời trong tình trạng cô độc trên khắp đất nước. Trong đó, gần 80% số người, tương đương 17.034 người trên 65 tuổi. Theo cảnh sát Nhật Bản, dữ liệu về vấn nạn này sẽ tiếp tục được thu thập, bởi đây cũng đang là nỗ lực được Chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh, trong bối cảnh dân số tăng tốc độ già hóa. Trong nhiều năm qua, chính quyền xứ sở mặt trời mọc đã tăng cường nỗ lực đối phó với tình trạng cô lập xã hội và sống cô đơn của người dân, nhưng hiệu quả trên thực tế không mấy khả quan.

Số lượng người qua đời trong cô độc diễn ra nhiều đến mức được người dân đặt riêng một thuật ngữ cho tình trạng này. Được biết, tình cảnh này được xã hội chú ý tới kể từ sau thảm họa động đất Kobe vào năm 1995. Khi đó, nhiều người cao tuổi buộc phải rời khỏi cộng đồng, sống trong các ngôi nhà tạm bợ. Một số người sau đó đã tự cách ly bản thân, từ chối chăm sóc hoặc nhận chăm sóc từ người khác. Đến nay, tình trạng này đã lan rộng, diễn ra ngày càng phổ biến.

Theo truyền thông Nhật Bản, tỷ lệ hộ gia đình độc thân tại quốc gia này đang ở mức 36% và có chiều hướng tăng cao hơn, bởi dân số đang già hóa nhanh chóng. Điều này cũng sẽ khiến tỷ lệ người qua đời trong tình trạng cô độc trở nên phổ biến hơn nữa trong thời gian tới.

Một con số gây sốc khác ở Nhật Bản là có tới 9 triệu ngôi nhà bỏ hoang. Số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy, có tới 14% tổng số nhà ở tại nước này bị bỏ hoang.

So sánh tương đối, dân số của thành phố New York, Mỹ là khoảng 8,4 triệu người. Tức là số ngôi nhà bị bỏ hoang ở Nhật Bản còn nhiều hơn dân số của cả thành phố tráng lệ bậc nhất thế giới, vốn có mật độ dân số cao nhất cả nước Mỹ.

Thông thường ở nhiều quốc gia, việc hàng loạt ngôi nhà bỏ hoang là do các dự án xây dựng nhà tràn lan, dẫn tới thừa mứa. Tuy nhiên, điều này là trái ngược tại Nhật Bản, bởi những ngôi nhà bỏ hoang đều đã từng là mái ấm, thậm chí một phần không nhỏ còn được truyền qua nhiều thế hệ.

Ông Jeffrey Hall, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Kanda ở Chiba chia sẻ, hàng triệu ngôi nhà bỏ hoang không phải do xây dựng quá nhiều nhà, mà là do không còn đủ người để ở trong những căn nhà đó. Đây cũng là dấu hiệu phản ánh rõ nét sự đáng buồn của tình trạng suy giảm nghiêm trọng dân số, khi tỷ lệ người qua đời quá nhiều, trong khi tỷ lệ trẻ sinh ra lại rất thấp.

Thiếu hụt thế hệ tiếp nối

Theo truyền thông Nhật Bản, những ngôi nhà bỏ hoang trước đây chủ yếu ở khu vực nông thôn nhưng đang ngày càng xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, bao gồm cả Thủ đô Tokyo.

Các nguyên nhân đều xuất phát từ bối cảnh tỷ lệ sinh liên tục giảm mạnh. Trước đây, nhà bỏ hoang chủ yếu ở khu vực nông thôn, thị trấn, tỉnh lẻ một phần lớn là do khi người cao tuổi qua đời, con cháu họ sinh sống ở nơi khác không tiếp nhận nhà. Trong khi đó, thế hệ trẻ bám trụ ở thành phố lớn, không về các vùng quê, tỉnh lẻ nên dân số ngày càng giảm, khiến việc cho thuê hoặc bán nhà dần là điều rất khó khăn. Từ đó, những ngôi nhà trở thành hoang phế sau khi người chủ nhà qua đời.

Một lý do quan trọng khác, là do một bộ phận không nhỏ người cao tuổi đã không còn con cháu thừa kế nên khi họ qua đời, những ngôi nhà của họ trở thành vô chủ.

Theo số liệu chính thức được chính quyền Nhật Bản công bố, năm 2023, số ca sinh mới ở Nhật Bản giảm năm thứ 8 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản dao động quanh mức 1,3 con/phụ nữ trong nhiều năm qua, thấp hơn đáng kể so với mức cần thiết là 2,1 để duy trì dân số ổn định.

Đầu tháng 5, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, tính đến ngày 1/4, số trẻ em dưới 15 tuổi giảm năm thứ 43 liên tiếp, xuống mức thấp lỷ lục là khoảng 14 triệu.

Trong khi đó, lần thống kê dân số chính thức gần nhất của chính quyền Nhật Bản là vào năm 2022, thời điểm này, dân số đã giảm khoảng 800 nghìn người so với năm 2021, còn 125,4 triệu người. Từ đó đến nay, các thống kê chưa chính thức cùng cho thấy, dân số tiếp tục trên đà giảm đáng lo ngại.

Đầu năm 2024, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng chia sẻ rằng, tỉ lệ sinh thấp đặt Nhật Bản “bên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”.

Nhật Bản vốn có các điều luật di trú khá khắt khe, song trước tình cảnh già hóa dân số và suy giảm dân số, vấn nạn thiếu người lao động đã trở thành gánh nặng của quốc gia này. Vì vậy, chính quyền Nhật Bản dường như có những động thái nới lỏng dần những quy định di trú, nhằm tạo điều kiện gia tăng số người nước ngoài tìm đến Nhật Bản để sinh sống.

Theo truyền thông Nhật Bản, ước tính với tốc độ suy giảm dân số hiện nay, đến năm 2100, dân số nước này chỉ còn 63 triệu người. Đầu năm nay, cơ quan chức năng của Nhật Bản đã trình đề xuất lên chính phủ chiến lược “Tầm nhìn dân số 2100”. Nổi bật trong đó, các chuyên gia đề xuất chính phủ đặt mục tiêu duy trì dân số trên 80 triệu người vào năm 2100 bằng cách tăng tỷ suất sinh.

Chính phủ cũng cần thành lập một cơ quan liên ngành dưới quyền thủ tướng để giám sát việc xây dựng và thực hiện chiến lược dân số, với 2 trọng tâm chính là ổn định dân số và tăng cường kinh tế. Mục tiêu trước hết là cải thiện điều kiện nuôi con của các gia đình; tiếp đó là tăng năng suất thông qua phát triển nguồn nhân lực, bao gồm tiếp nhận lao động nước ngoài.

Giới chuyên gia tin rằng, chính quyền Nhật Bản dù quyết liệt đến mấy cũng khó “cưỡng” lại được xu thế suy giảm dân số. Điều quan trọng nhất là phải nỗ lực tối đa để tạo ra những kỳ tích trong việc kiểm soát mức giảm, từ đó làm cơ sở cho nỗ lực ổn định dân số, củng cố kinh tế, định hình phản ứng trước cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

Trong một thống kê được công bố vào năm ngoái, cơ quan chức năng của Nhật Bản cho hay, trong khi dân số giảm sút, thì số người nước ngoài ở Nhật Bản tăng kỷ lục. Theo đó, năm 2023, có khoảng 3 triệu người nước ngoài ở Nhật Bản, so với năm 2022, mức tăng là khoảng 10%.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-con-so-dang-buon-ve-dan-so-nhat-ban-post475957.html