Những bài thuốc trị bệnh từ bằng lăng

Bằng lăng không chỉ là cây cảnh đẹp với những chùm hoa rực rỡ với nhiều màu sắc, mà còn là vị thuốc quý được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền.

Vỏ, lá, hoa và quả của cây bằng lăng đều chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng dược lý hiệu quả, giúp điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, rất ít người biết đến công dụng và bài thuốc từ loại cây này. Bài viết này sẽ nêu rõ tác dụng của vị thuốc từ cây bằng lăng.

Theo Đông Y, vị thuốc bằng lăng vị chát, mùi thơm đặc trưng, chát, không độc. Có tính làm săn chắc da nên nó có thể được sử dụng trong các phương pháp chăm sóc da và làm đẹp.

Theo Y học hiện đại và các nghiên cứu cho thấy lá bằng lăng có nhiều dược tính khác nhau và đem lại những lợi ích sức khỏe tiềm năng dưới đây.

Lợi ích sức khỏe từ bằng lăng

Kiểm soát lượng đường trong máu

Lá bằng lăng được cho là có thể kiểm soát lượng đường trong máu, hữu ích trong việc điều trị bệnh tiểu đường. Sở dĩ, lá bằng lăng có tác dụng này là nhờ chứa các hợp chất như axit corosolic, ellagitannin và gallotannins.

Chống oxy hóa

Trong lá bằng lăng chứa nhiều chất chống oxy hóa như phenol và flavonoid, cũng như quercetin và axit corosolic, gallic và ellagic, tác dụng chống lại các gốc tự do. Gốc tự do là tác nhân gây đột biến gene, góp phần làm tăng nguy cơ ung thư hoặc các bệnh tật khác.

Ngăn ngừa béo phì

Ngăn ngừa béo phì

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, bằng lăng tác dụng ngăn ngừa béo phì, vì chúng có thể ức chế quá trình tạo mỡ. Ngoài ra, các polyphenol trong lá, chẳng hạn như penta galloyl glucose (PGG), có thể ngăn chặn tiền chất của tế bào mỡ biến đổi thành tế bào mỡ trưởng thành. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về chủ đề này được thực hiện trong ống nghiệm, vì vậy cần có các nghiên cứu trên người.

Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim

Các nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy rằng axit corosolic và PGG trong lá bằng lăng có thể giúp giảm mức cholesterol và chất béo trung tính trong máu. Điều này có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Một số bài thuốc từ bằng lăng

Bài thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường: Sử dụng 50g lá bằng lăng già hoặc 50g quả khô hãm với 0.5 lít nước sôi, uống hàng ngày khoảng 4 đến 6 cốc.

Hỗ trợ giảm cân: Lấy lá bằng lăng đun nước uống nước hàng ngày, bài thuốc này vừa giúp ngăn chặn sự tích tụ carbohydrate vừa giảm sự hình thành mỡ.

Hỗ trợ điều trị tiêu chảy, kiết lỵ: Sử dụng 20 đến 30g vỏ thân bằng lăng tía, cắt nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần/ngày. Liều lượng và thời gian sử dụng cụ thể có thể thay đổi, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người dùng.

Chữa bỏng: Sử dụng 300g vỏ thân bằng lăng. Lấy 100g nấu với nước cho đặc dùng để rửa vết thương. Lượng còn lại 200g, băm nhỏ, nấu với 2 lần nước, lọc rồi cô thành cao lỏng và dùng để ngày bôi từ 2 - 3 lần.

Bài thuốc giúp lợi tiểu: Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần dùng lá bằng lăng đun lên uống hàng ngày như nước trà, vừa giúp lợi tiểu lại phòng ngừa viêm đường tiết niệu.

Hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn: Sử dụng vỏ thân bằng lăng nấu cô đặc thành cao, sau đó thoa lên vết thương để giảm tình trạng nhiễm khuẩn và tạo một lớp màng bảo vệ vết thương.

Hỗ trợ điều trị nấm ngoài da: Dùng cồn bằng lăng có nồng độ 30% để bôi lên vùng da bị tổn thương, mỗi ngày 2 lần. Thường được kết hợp với cồn và bạch hạc để tăng hiệu quả điều trị.

Các bài thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không thay thế cho các chỉ định của bác sĩ. Trước khi áp dụng các bài thuốc này, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y.

Cây bằng lăng là loại cây thuốc quý với nhiều tác dụng dược lý hiệu quả, tuy nhiên cũng có nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng mẩn đỏ, sưng tấy. Nhiều người đang truyền tai nhau việc sử dụng hoa bằng lăng để làm gỏi, với những tác dụng của cây bằng lăng nêu trên, chúng ta nên thận trọng khi sử dụng, không nên chạy theo trào lưu mà ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên dùng vì một số thành phần trong cây bằng lăng có thể gây hại cho thai nhi và trẻ sơ sinh. Người có bệnh lý về gan, thận dùng cũng không nên dùng bằng lăng.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-bai-thuoc-tri-benh-tu-bang-lang-ar872482.html