Báo động tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm

Trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM, nhiều học sinh vô tư điều khiển xe máy trên 50cm3 và không đội mũ bảo hiểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh (HS) trong tình hình mới (ngày 21-12-2023).

Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với địa phương yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe trên 50cm3 của HS.

Thực tế cho thấy trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM, nhiều học sinh (HS) vô tư điều khiển xe máy trên 50cm3, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm...

Chạy xe phân phối lớn khi chưa đủ tuổi, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Có mặt trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp vào giờ tan tầm, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh cấp 3 đầu trần, đi xe trên 50cm3. Trong đó có cả những học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Trong khi theo quy định hiện hành, học sinh khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện vẫn phải đội mũ bảo hiểm. Trường hợp vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019 (bổ sung bởi khoản 6 Điều 2 Nghị định 123/2021).

Mới đây, phóng viên có mặt gần cổng Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp. 11 giờ trưa, nắng như đổ lửa nhưng nhiều HS chạy xe máy từ trường ra không đội mũ bảo hiểm. Không chỉ HS, nhiều phụ huynh đến đón con cũng trong tình trạng tương tự.

Thời điểm này, trường có thông báo không nhận giữ xe máy của học sinh trên 50cm3. Do đó, nhiều em đã tìm cách gửi xe ở các nhà dân xung quanh.

Điều đáng chú ý, tình trạng học sinh chở 3, chở 4 lưu thông trên đường không hiếm, khiến người đi đường lo lắng, ngán ngẩm.

Trên tuyến đường Trần Quốc Toản quận 3, nhiều HS Trường THPT Nguyễn Thị Diệu trong giờ tan trường đã vi phạm luật giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy trên 50cm3. Thậm chí, các em không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba.

Từ đầu năm học đến nay, các đội/trạm thuộc Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) đã có nhiều buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại trường học. Từ ngày 1-9-2023 đến nay, lực lượng CSGT TP.HCM đã lập biên bản 652 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm luật Giao thông đường bộ. Trong đó, lỗi vi phạm chủ yếu với học sinh là điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi.

 Học sinh lưu thông bằng xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm

Học sinh lưu thông bằng xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm

 Phụ huynh đến đón học sinh không đội mũ bảo hiểm.

Phụ huynh đến đón học sinh không đội mũ bảo hiểm.

Trong thời gian qua, đội tuần tra dẫn đoàn thuộc phòng cảnh sát giao thông (PC08, Công an TP.HCM) tuần tra kiểm soát, xử lý học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông tại một số điểm trên địa bàn.

Vào thời điểm tan trường, cảnh sát giao thông phát hiện nhiều trường hợp HS điều khiển xe trên 50cm3 khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái, không có gương chiếu hậu. Một nam sinh bị thổi phạt cho biết nhà xa, ba mẹ bận đi làm, không ai đưa đón nên em phải tự chạy xe đi học. Trường hợp tương tự, khi bị cảnh sát giao thông thổi phạt, một HS khác cho rằng em không biết xe mình đang chạy là xe dưới 50 cm3 hay trên 50cm3.

Các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi lái xe, không có bằng lái đều bị tạm giữ xe 7 ngày.

 Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn. Ảnh: ĐOAN VŨ

Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn. Ảnh: ĐOAN VŨ

"Theo thống kê năm 2023, có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1200 bị thương và trong số đó có gần 1500 trẻ em là HS bậc trung học phổ thông. Do đó, việc tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông là điều vô cùng cần thiết"

Ông KHUẤT VIỆT HÙNG, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG.

Phụ huynh lo lắng

Mới đây, TAND huyện Chư Prông (Gia Lai) mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, ngụ xã Ia Lâu) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo khoản 3 Điều 264 BLHS.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Rơ Mah Pil 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo do có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nuôi hai con nhỏ, gia đình hộ nghèo, đã khắc phục hậu quả và có con trong vụ tai nạn cũng đã tử vong.

 Hiện trường vụ tai nạn giữa hai xe máy khiến bốn người tử vong tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai. Ảnh: TC

Hiện trường vụ tai nạn giữa hai xe máy khiến bốn người tử vong tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai. Ảnh: TC

 Người mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển dẫn đến tai nạn khiến bốn người tử vong bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Người mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển dẫn đến tai nạn khiến bốn người tử vong bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Thực tế, trong thời gian qua, tại các tỉnh thành đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do học sinh cấp 3 lái xe phân khối lớn gây ra.

Chia sẻ với chúng tôi, chị TV (ngụ quận 8, TP.HCM) cho biết đến giờ này chị vẫn còn ám ảnh vụ tai nạn xảy ra dưới chân cầu nhị thiên đường, lúc chị đang chở con. Người gây ra tai nạn là một nam sinh lớp 12, đi xe khá ẩu. Ban đầu bạn ấy còn cãi nhưng khi chị yêu cầu trích xuất camera thì mới xin lỗi.

“Về nhà tôi có gọi cho gia đình nam sinh kia để họ biết sự việc và giáo dục con trong việc tham gia giao thông. Bởi khi một nam sinh cấp 3, không bằng lái, gây tai nạn giao thông, hậu quả không hề nhỏ.

Tôi có người quen mất vì tai nạn giao thông do một học sinh lớp 12 gây ra, nên bây giờ ra đường, cứ thấy học sinh đi xe máy là tôi phải tránh” – chị V nói thêm.

Chia sẻ vấn đề trên, nam sinh lớp 11 tại một trường THPT ở Bình Thạnh cho hay ngay từ năm lớp 10, gia đình đã mua xe đạp điện để em chạy tới trường. Điều này vừa giúp em tuân thủ luật an toàn giao thông, vừa đảm bảo an toàn. Nam sinh này thừa nhận tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn, đầu trần vẫn xuất hiện rất nhiều trên đường, gây lo lắng cho mọi người.

“Tại trường em, rất nhiều anh chị đi xe không đúng quy định. Có nhiều bạn không đội nón bảo hiểm, còn phóng nhanh, vượt ẩu, chạy lên lề đường” – nam sinh nói.

Theo nam sinh trên, trường đã có thông báo không nhận giữ xe trên 50cm3. Bên cạnh đó, HS và phụ huynh cũng đã ký cam kết với trường về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các bạn không gửi chỗ này sẽ gửi chỗ khác. “Để hạn chế tình trạng trên, quan trọng là nhận thức của mỗi người” - học sinh này nhấn mạnh.

Tương tự, một học sinh nam học tại một trường THPT ở quận 1 nói: “Nhà em ở quận Bình Tân. Em thường chứng kiến cảnh các bạn đi xe phân khối lớn nhưng không đội mũ bảo hiểm. Nhiều người cho rằng có thể nhiều bạn chưa nắm rõ luật nên mới đi xe không đúng quy định. Tuy nhiên, tất cả chỉ là ngụy biện bởi vấn đề này đa phần các trường đã tuyên truyền từ đầu năm học”.

Đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe có dung tích xi – lanh dưới 50cm3

Về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, Điều 60 của luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi – lanh dưới 50cm3.

Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự, xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; ô tô chở người đến 9 chỗ người.

Người lái xe còn phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe.

(Trích Luật Giao thông đường bộ năm 2008)

Bài tiếp theo: Nhà trường, phụ huynh nói gì về chuyện học sinh đi xe phân khối lớn?

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-dong-tinh-trang-hoc-sinh-di-xe-phan-khoi-lon-khong-doi-mu-bao-hiem-post791100.html