Nhà băng mạnh tay trích dự phòng rủi ro

Mặc dù thời gian tái cơ cấu nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được gia hạn đến hết năm 2024, song nhiều nhà băng vẫn lo nợ xấu và mạnh tay trích dự phòng rủi ro.

Đồng loạt tăng mạnh dự phòng rủi ro

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn (theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ) thêm 6 tháng, nghĩa là đến hết năm 2024.

Giải thích lý do chỉ kéo dài thêm 6 tháng, Phó thống đốc cho biết, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa 2 vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt, chỉ kéo dài trong khoảng thời gian này. Như vậy, trong năm 2024, các khách hàng vay ngân hàng đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Điều kiện sẽ do các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, đánh giá khó khăn để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ.

Tuy được kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ, song các nhà băng vẫn lo nợ xấu, nên đã chủ động tăng trích dự phòng. Quý I/2024, ABBank tiết giảm chi phí hoạt động 6%, chỉ còn 509 tỷ đồng, nhưng do tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro với 177 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm 2023, nên chỉ lãi trước thuế hơn 192 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động của VietBank trong quý đầu năm nay cũng chỉ tăng 7%, ghi nhận gần 350 tỷ đồng, nhưng để tạo bộ đệm dự phòng, nâng cao chất lượng tài sản trong tương lai, ngân hàng này trích hơn 90 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2023. Do đó, VietBank chỉ còn lãi trước thuế hơn 73 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.

Tương tự, Eximbank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng trong quý I/2024, gấp 3 cùng kỳ và chỉ còn lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng, giảm 24%. VietinBank dành hơn 8.049 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm, tăng 20% so với cùng kỳ, nên lãi trước thuế chỉ đạt hơn 6.210 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. ACB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 512 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, gấp 2 lần cùng kỳ và lãi trước thuế hơn 4.892 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, một số ngân hàng nâng dự phòng rủi ro, nhưng lãi trước thuế vẫn tăng khá cao. Có thể kể đến Techcombank dành gần 1.211 tỷ đồng để dự phòng rủi ro trong quý đầu năm 2024, gấp 2,3 lần cùng kỳ, nhưng vẫn lãi trước thuế gần 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ; HDBank tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tới 33% khi trích đến 1.270 tỷ đồng, song vẫn báo lãi trước thuế gần 4.028 tỷ đồng, tăng gần 47% so cùng kỳ.

Khi nợ xấu có chiều hướng đi lên

Chi phí dự phòng rủi ro cho vay của TPBank đã nhích thêm 1% trong bối cảnh dư nợ xấu tăng thêm 6,8%. Cuối quý I/2024, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 2,23%, tăng so với đầu năm.

Tại ABBank, tính đến ngày 31/3/2024, tổng nợ xấu là 3.102 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 2,91% ở thời điểm đầu năm, lên 3,92%. Đó cũng là lý do buộc ngân hàng này phải mạnh tay trích dự phòng rủi ro. Còn tại VietBank, tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 là hơn 2.524 tỷ đồng (tăng 22% so với đầu năm); tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% đầu năm lên hơn 3%.

Nợ xấu cuối quý I/2024 của PGBank là 1.033 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 2,93%. Tính đến 31/3/2024, tổng nợ xấu của MSB ghi nhận 4.960 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 2,87% lên 3,18%.

Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/3/2024 của Sacombank là hơn 11.402 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm, song Ngân hàng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt từ nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ được duy trì ở mức 2,28%.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của ACB cũng tăng nhẹ, từ mức 1,22% lên 1,47% vào cuối quý I/2024. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát, chất lượng nợ của Ngân hàng đang được kiểm soát tốt. Mục tiêu của ACB là duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp hơn trung bình của ngành, định hướng kiểm soát dưới 2%.

Đến hết quý I/2024, nợ xấu của Vietcombank tăng từ 0,99% lên 1,22%. Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này cam kết, sẽ kiểm soát nợ xấu năm nay dưới mức 1,5%.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 có thể chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2023 (ước tính từ mức 1,63%, tăng lên 1,68%), vì các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc xóa nợ xấu và nền kinh tế được dự báo phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay. Dù vậy, theo SSI, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, các khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ.

Đó cũng là lý do NHNN chỉ gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng, tức là thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn. Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, không nên quá lạm dụng tái cơ cấu nợ, vì thực tế, việc tái cơ cấu nợ chỉ là tạm thời “che” nợ xấu nội bảng của ngân hàng.

Vân Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-bang-manh-tay-trich-du-phong-rui-ro-d214608.html