Người thành phố dễ thương

Dì Hai ở khu chợ nhỏ phẩy tay như không có gì, khi bữa đó bạn lỡ đi chợ mà... quên mang theo tiền. 'Lần sau rồi trả luôn', dì nói, dù biết bạn có khi cả tháng mới xách giỏ đi chợ một lần.

Hồi đó, khi mới từ quê đặt chân lên TPHCM, bạn cũng hơi e dè với mấy cái chợ ở đây, bởi đâu biết xứ này, người đối đãi với người ra sao. Đất lề quê thói, bạn dù sao cũng là dân tỉnh lẻ, quen cái chợ ở quê nhà, người này biết mặt người kia, bán mớ rau thường cho thêm trái ớt, mớ hành ngò, đôi khi còn kéo giỏ lại, để bỏ vào trái đu đủ vườn nhà vừa chín tới mà không cần lấy tiền chi hết.

Khi đến chợ ở vùng đất phương Nam đầy mới lạ này, bạn lại khám phá ra đủ điều, và nhiều điều dễ thương khiến cho bạn thấy gần gũi hẳn. Chuyển nhà nhiều lần, đến đâu bạn cũng phải tìm chợ để đi, chợ gần, chợ xa, chợ lớn, chợ nhỏ... chịu khó mon men, bạn sẽ thấy những cô, những dì cũng nón lá như má mình ngồi chợ, cũng thiệt thà như vậy trong cách bán mớ rau, trái bắp, cũng quen mặt, biết thói quen đi chợ ngày cuối tuần của bạn mà để dành mấy món bạn hay ăn.

Bạn biết, mình sẽ khó mà bỏ thói quen đi chợ, dù bây giờ muốn ăn cái gì, lên mạng là có hết, chỉ là không có cái cảm giác hồn nhiên và cảm động. Không hề giả lả, anh Tư ở góc chợ bạn hay đi, vừa nhìn thấy bạn từ xa đã cười khà khà: “Trời ơi, cô đi đâu mà lâu đi chợ dữ. Hổm tui chừa mấy cái bắp chuối non, chờ hoài không thấy cô ra”. Miệng nói, tay anh Tư dọn sẵn mấy “món tủ” bạn thường chọn, kêu “cô đi mua đồ gì thì cứ đi đi, chừng nào về hãy quay lại lấy kẻo xách nặng”.

 Bình trà đá miễn phí - một nét đẹp bình dị của người dân TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bình trà đá miễn phí - một nét đẹp bình dị của người dân TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bạn thấy mình thương thêm vùng đất này một chút, khi ghé tiệm sửa xe của bác lớn tuổi ở đường Cách Mạng Tháng Tám bơm xe. Bơm xong, bác kêu khoan đi vội, rồi lấy cái mỏ lết ra siết giúp bạn cái ốc dây thắng, căng lại cái sên xe lâu ngày bị chùng, đánh cà rột vô carte.

Vừa vặn ốc, bác vừa nói: “Bởi ta nói phụ nữ đi xe, đem tới tiệm là xe nó banh chành hết. Cũng phải thôi, mấy cô đâu có rành ba cái máy móc xe cộ”. Bác nhất quyết không lấy tiền sửa thêm, chỉ lấy đúng năm ngàn đồng bơm xe; không có tiền lẻ để thối, bác còn biểu thôi cứ đi đi, lúc nào đi ngang thì trả. Lần ghé lại trả tiền, bạn hỏi bác có sợ người ta thiếu tiền rồi đi luôn không? Bác bảo: “Không quay lại thì thôi, đâu phải vì năm ngàn đồng mà tui đói, nhưng không bơm xe vì sợ người ta thiếu tiền, điều đó mới kỳ”.

Thành phố dễ thương như lúc ai đó chỉ đường cho người ngơ ngác: qua hai ngã tư, quẹo trái hai lần, à mà thôi... chạy theo tui nè. Hay như trong cách kể của em gái người miền Trung vô lập nghiệp ở TPHCM, trọ trong cái xóm “chẳng bao giờ lấy tiền mua nước đá. Sao ở đây họ dễ thương thế!”.

Dễ thương chớ sao không, dù tất nhiên, như mấy bình trà đá miễn phí hiền lành bên đường, lúc thành phố vào cao điểm nắng nóng. Giữa trưa nắng đổ, người qua đường ghé lại, uống một hớp mà nghe mát lòng mát dạ, bởi tình người sẻ chia. Những điều dễ thương nho nhỏ mà không dễ phai, bởi trong cái bận rộn tấp nập ở nơi này, nó luôn nhắc nhở bạn phải sống tử tế thêm mỗi ngày.

MINH PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-thanh-pho-de-thuong-post740545.html