'Ngọt khúc đồng dao' – tập thơ thiếu nhi hấp dẫn của Thu Sang

Thu Sang - nữ nhà thơ tài hoa, cần cù và nhiệt huyết - là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, thành viên BCN CLBVHNT Đàn Bà Thơ (ĐBT). Chị biết vẽ tranh và vẽ khá nhiều tranh đẹp, đặc biệt là tranh vẽ cho các cháu thiếu nhi. Chị đã vẽ nhiều bức tranh tường đẹp để trang hoàng cho ngõ xóm làng quê của mình thêm ấm áp. Nếu bạn có dịp sang vùng quê Ninh Hiệp (Gia Lâm – Hà Nội) và đi chợ mua quần áo, vải vóc, sẽ có dịp ngắm tranh của chị. Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thu Sang, là hội viên Hội nhà văn Hà Nội, đã có nhiều tác phẩm in riêng.

Tôi theo dõi và đọc thơ của chị nhiều năm qua, phát hiện thấy hình như cứ 3 năm là chị lại cho ra mắt bạn bè một tập thơ. Kể từ năm 2013 là Ru trên ngọn sóng, tiếp đến “Giai điệu mùa heo may” vào năm 2016, rồi Nếp gấp thời gian năm 2019, cho đến “Bức họa đồng quê” (năm 2022). Một sụ đam mê thi ca và ý thức lao động nghệ thuật khá dài hơi, đều đặn và bền bỉ.

Chân dung nữ nhà thơ tài hoa - Thu Sang

Chân dung nữ nhà thơ tài hoa - Thu Sang

Chị yêu thơ từ nhỏ. Người con gái của làng quê Ninh Hiệp mang trong mình tâm hồn văn chương, sống giản dị, bao dung, đúng kiểu một cô giáo làng đáng quý. Chị yêu trẻ và tận tụy, tâm huyết với nghề. Tôi đọc thơ và truyện ngắn của chị Thu Sang thấy thật đẹp đẽ và trong sáng. Đặc biệt mảng Thơ thiếu nhi của chị tựa như cánh diều bay cao, thanh âm vi vút ấy được cất lên từ làng quê. Những câu thơ vừa hồn nhiên, trong trẻo, vừa giản dị, gần gũi mà vẫn mang theo những thông điệp sâu sắc. Đến đầu làng mà hỏi thăm chị thì hầu như ai cũng biết.

Trang thơ ĐBT và CLBVHNT ĐÀN BÀ THƠ là nơi chị Thu Sang gắn bó và dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động thi ca trong những năm gần đây. Trang ĐBT đã từng giới thiệu những bài thơ thiếu nhi tiêu biểu của nữ sĩ Thu Sang viết cho các bé. Các bà, các mẹ có thể đọc cho các cháu nghe trong những ngày nghỉ hè hay lúc đi dạo công viên vui chơi. Thơ thiếu nhi của chị mang đến niềm vui và sự thích thú cho các bé bởi sự dí dỏm và nét ngây thơ, tươi mới. “NGỌT KHÚC ĐỒNG DAO” là tập thơ gần đây nhất của chị khi viết về lứa tuổi thiếu nhi vừa ra mắt của chị Thu Sang. Thật đáng quý khi cô giáo làng thân thiết với các bé và cả cha mẹ chúng, đặc biệt cô từng dậy miễn phí cho trẻ em khuyết tật ở làng quê mình trong hai chục năm nay.

Nhà thơ Thu Sang chụp hình cùng bạn bè. Tác giả Phương Thảo ở giữa

Nhà thơ Thu Sang chụp hình cùng bạn bè. Tác giả Phương Thảo ở giữa

Nữ sĩ Thu Sang biết cách nói chuyện bằng thơ với các bé và truyền cảm hứng sáng tạo cho các em nhỏ. Thông qua những vần thơ lục bát giản dị, trong sáng và dí dỏm, nữ nhà thơ đã mang đến cho các bé sự vui tươi, thích thú và kiến thức đời sống để hiểu biết thêm về loài vật và con người. Trước hết là những điều giản dị, gần gũi xung quanh ta. Bài thơ NHÀ là một bài thơ như thế.

Nhà chim ở tít trên cao

Nhà cá ở tận đáy ao, đáy hồ

Nhà thóc chật ních trong bồ

Nhà lửa ủ kín trong lò, trong cây

Nhà mưa lẩn khuất trong mây

Mặt trời nhà tận phía tây - tối về

Nhà cò ở xứ đồng quê.

(Nhà)

Bằng cách gần gũi ấy, cô giáo làng Thu Sang đã sáng tác thơ cho cả người lớn và trẻ con. Chị chau chuốt câu chữ của mình, gây được sự hứng thú cho việc học tiếng Việt và giúp trẻ thêm yêu tiếng Viêt. Một điều vô cùng cần thiết hiện nay để nâng cao kiến thức đời sống và bồi dưỡng tâm hồn Việt cho trẻ thơ.

Tiếng Việt của em

Thú vị lắm nhen

Cùng một màu sắc

Mà lại nhiều tên:

Ơ cái quần đen

Mẹ gọi: thâm đất

Màu đen của mắt

Lại gọi mắt huyền

Mái tóc đen tuyền:

Tóc mây đấy nhé

Chú mèo đen thế

Lại gọi: mèo mun

Chó đen gầm giường

Lại kêu: chó mực

Chú ngựa đen nhức

Lại bảo:ngựa ô

Gà đen hiền khô

Lại kêu:gà ác.

Cùng một màu sắc

Lại có nhiều tên

Bạn hãy tìm xem

Còn tên nào nữa?

(TIẾNG VIỆT EM YÊU)

Còn đây là bài thơ “PHONG PHÚ TỪ NGỮ VIỆT NAM”- một ví dụ tiêu biểu về việc nữ thi sĩ luôn yêu quý trẻ con, rất chú ý quan sát, lắng nghe các bé và hiểu tâm lý trẻ thơ để trò chuyện cùng chúng; Ngôn ngữ Việt phong phú, sinh động và đầy âm sắc thú vị.

Bà ơi cháu hỏi câu này

Cùng tên gọi cả mà rày rà ghê:

Bò con lại gọi là bê

Trâu con là nghé, chó thì cún cưng

Gà con - gà nhép hay không

Lợn con - lợn sữa chổng mông “bú tì”

Khoai bé lại gọi khoai bi

Chuột con - chuột nhắt chạy đi thật đều

Nhà bé lại gọi túp lều

Tôm nhỏ lại gọi tôm riu - hay là.

Giường bé lại gọi giường đơn

Người bé lại gọi tí hon lạ kỳ.

Còn bao tên gọi tí ti

Bạn hãy giúp bé tìm đi xem nào?

Vẻ đẹp làng quê Việt xưa ngày càng có nguy cơ bị mất dần. Đó là điều thật đáng tiếc, chúng ta cần chung tay bảo tồn và giữ gìn những nét đẹp của làng quê Việt. Nơi ấy, có cây đa, bến nước, sân đình và có ông bà, cha mẹ cùng bao nhiêu tình yêu thương, gắn bó với xóm làng, bà con họ mạc thân thích. Dạy cho trẻ biết yêu thương những thứ gần gũi, bình dị nhất hang ngày chính là biết yêu thương gia đình, ông bà, cha mẹ... Những bài học mang tính giáo dục nhẹ nhàng ấy đã được cô giáo Thu Sang khéo léo đưa vào trong những dòng thơ viết cho các bé. Thông qua vẻ đẹp của làng quê, của thiên nhiên, bốn mùa và vẻ đẹp những vườn cây trái sum suê xung quanh:

Ả Mít đáo để, góc gai

Anh Hồng vểnh cả bốn tai lên giời

Thanh Long sừng mọc khắp người

Cô Thị thu đến đem phơi áo vàng

Thím Na mở mắt ngỡ ngàng

Nhìn lão Bưởi trọc còn mang bụng bầu

Góc vườn quấn quýt bà Trầu

Vươn tay bám chặt ông Cau cao kều.

Mỗi cây, mỗi quả đáng yêu

Em mang nước tưới chia đều cho cây.

( HOA QUẢ TRONG VƯỜN )

Đó là sự gắn bó, gần gũi và cách dạy trẻ biết yêu thương đến thiên nhiên và yêu từng thứ đồ vật trong nhà.Như những đôi giày, đoi dép kia “Đi đâu thì cũng có đôi,

Có bè có bạn chẳng rời nhau đâu./ Dù cho năm tháng phai màu/ Thủy chung tình bạn bên nhau suốt đời.” như trong bài Giày dép thật ngoan”

Giày dép nằm ở góc nhà

Thấy em đi học nó sà vào chân.

Dép lê là để đi gần

Quai hậu chắc chắn, khi cần đi xa.

Thể thao đã có ba ta

Guốc mộc là để bà nhà em mang...

Dép giày chúng thật là ngoan

Xong việc lại đứng xếp hàng nghỉ ngơi

(GIÀY DÉP THẬT NGOAN)

Những bài học cần thiết cho trẻ đã được cô giáo khéo lồng ghép vào câu chuyện hang ngày để kể cho các bé. Điều đó mang tới những thông điệp dễ hiểu, thật tích cực mà không hề giáo điều.

Mía cao kều quá

Chê lũ rau má

Lùn tịt lùn tì.

Má không nói gì

Lặng im tiếp đất.

Một hôm gió phất

Trời đổ mưa rào

Lũ mía đổ ào

Kêu lên răng rắc.

Cả lũ mía khóc

Nước mắt toàn thân.

Má mới ân cần:

“Chớ nên khoe mã”...

(CAO KỀU VÀ LÙN TỊT)

Bằng cách ấy, cô giáo làng Thu Sang luôn hết lòng vì trẻ thơ, cô vừa dạy học, vừa truyền đạt kiến thức cho các em, đồng thời cô còn truyền cảm hứng sáng tạo cho các bé bằng những vần thơ sinh động của mình. Tập “Ngọt khúc đồng dao” đầy ắp những câu chuyện vui vẻ, hồn nhiên như thế.

Ấm chén ở trên bàn

Thật chăm ngoan lắm nhé

Tính tình ưa sạch sẽ

Luôn giúp ích cho đời

Để người qua cơn khát.

Đây chén trà ngọt chát

Con nâng lên: “mời ông”

Đây cốc vối thơm nồng:

“Cháu mời bà xơi ạ”.

Ly nước lọc mát quá

Mẹ về, đã cơn say.

Em giúp mẹ hàng ngày

Tắm rửa cho cốc chén.

(ẤM CHÉN CHĂM NGOAN)

Đọc những câu thơ giản dị này,người ta dễ liên tưởng đến những câu đồng dao dễ nhớ, dễ thuộc từ xưa mà lũ trẻ trâu hay hát trên đồng. đó là cách để cùng học, cùng chơi với các bé, “chơi mà học, học mà chơi”. Hiểu được tâm lý trẻ và biết cách kể chuyện, biết làm bạn cùng trẻ. Điều ấy người lớn cũng cần phải học. Nhờ đó, đã giúp nữ thi sĩ viết nên những câu thơ dí dỏm, ngộ nghính mà không kém phần sâu sắc. Ngay những tên người, tên bài thơ như; Mít thơm của nội, Chuối và Na, Gửi Cu Nem,…đã gợi nên cả một vùng rung rung ký ức làng quê xưa cho bao người lớn giống như tôi. Nữ sĩ trong vai trò bà nội cũng được bé Nầm mô tả rất vui:

Bà em tuy tuổi đã già

Nhưng mà bà vẫn thơ ca thường ngày

Điệu chèo bà luyến rất hay

Việc nhà bà vẫn luôn tay không rời

Giao lưu bà đến nhiều nơi…

(Bé Nấm tả bà nội). Đọc bài này, tôi bỗng nhớ đến bà nội lưng còng ngày xưa và tuổi thơ của tôi quá. Nữ sĩ Thu Sang còn biết vẽ tranh thiếu nhi và thơ của chị phải chăng vì thế mà giữa thơ và họa đã có sự quấn quện.

“Nhởn nhơ bò gặm mùa xanh/ Chim chuyền đủng đỉnh trên nhành tre buông

(Nhịp điệu quê hương)

Chị đã vẽ khá nhiều tranh cho thiếu nhi và vẽ cả những bức tranh tường trang trí nơi ngõ xóm mình. Trong “Bức họa vườn quê’, ta thấy bức tranh gà mẹ và gà con hiện lên rất thơ mộng:

“Mái mơ bới vẹo chân rơm

Một đàn chiêm chiếp mổ thơm nắng chiều…”

(Bức họa vườn quê)

“Ngọt khúc dồng dao” là tập thơ thiếu nhi đẹp về hình thức, hấp dẫn về nội dung, lại đậm chất đồng dao, rất dễ nhớ, dễ thuộc. Tuy còn một số bài chưa thật hay, nhưng cô giáo Thu Sang đã dày công viết được tập thơ cho thiếu nhi như thế cũng là thành công, bởi viết thơ cho thiếu nhi thật hay đâu có dễ dàng! Chúc mừng chị cùng tập thơ “Ngọt khúc đồng dao”. Tôi thấy chị cũng là một khúc đồng dao khá ngọt ngào mà văn chương cần khám phá.

Hà Nội, tháng 3/2024

Phạm Thị Phương Thảo

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngot-khuc-dong-dao-tap-tho-thieu-nhi-hap-dan-cua-thu-sang-a24962.html