Ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ sẽ sụp đổ vì lệnh cấm vận với uranium Nga?

Chuyên gia Nga cảnh báo, nếu không được hưởng quyền miễn trừ với lệnh trừng phạt nhằm vào uranium Nga, thị trường nhiên liệu hạt nhân của Mỹ có thể sụp đổ, dẫn đến chi phí làm giàu uranium tăng vọt.

Moscow lên tiếng về “đòn” mới của Washington

Theo hãng tin Tass, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov ngày 14/5 tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu uranium từ Nga vào Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chính Washington, trong khi Moscow vẫn thực hiện các dự án ở những nước khác.

Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov. Ảnh:

Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov. Ảnh:

Đại sứ Antonov cảnh báo: “Thiệt hại tài chính đối với Mỹ sẽ lớn hơn nhiều so với Nga. Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng đối với các chiến lược gia của chính quyền Washington là gây tổn hại cho đất nước chúng tôi".

Nhà ngoại giao Nga nói rằng, Nhà Trắng tiếp tục những nỗ lực không thành công nhằm tạo ra thất bại kinh tế chiến lược cho Moscow.

Đồng thời, ông Antonov gọi quyết định mới nhất của Tổng thống Joe Biden là cuộc tấn công không chỉ nhằm vào Nga mà còn chống lại toàn bộ thị trường nhiên liệu uranium cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. "Lệnh cấm của Washington sẽ dẫn đến những cú sốc mới trong quan hệ kinh tế quốc tế" - Đại sứ Antonov nhấn mạnh.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, lệnh cấm nhập khẩu uranium của Nga do Mỹ ban hành trên thực tế là hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Quan chức Điện Kremlin cũng khẳng định lĩnh vực hạt nhân của Moscow đủ khả năng đối phó với lệnh cấm vận của Washinton.

“Lệnh trừng phạt này của Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp hạt nhân của Nga - một trong những nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực này” - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nói thêm.

Các tuyên bố trên được quan chức Nga đưa ra sau khi Tổng thống Biden hôm 13/5 đã ký thành luật một lệnh cấm nhập uranium làm giàu của Nga - nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo đó, lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân sẽ có hiệu lực sau khoảng 90 ngày. Luật này cũng giải phóng khoảng 2,7 tỷ USD tài trợ theo luật trước đây để xây dựng ngành công nghiệp nhiên liệu uranium của Mỹ.

Chuyên gia Nga cảnh báo hậu quả với lĩnh vực hạt nhân của Mỹ

Ông Alexey Anpilogov, nhà khoa học chính trị và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nói với đài Sputnik: “Hiện uranium của Nga chiếm từ 20-25% thị trường nhiên liệu hạt nhân của Mỹ. Do đó, Washington khó có thể bù đắp ngay lập tức nguồn cung nhiên liệu hạt nhân từ Moscow”.

Chuyên gia Anpilogov nhận định, Mỹ sẽ không thể thay thế việc cung cấp uranium làm giàu thấp (LEU) và uranium làm giàu thấp có độ tinh khiết cao (HALEU) của Nga trong dài hạn.

Bên cạnh đó, Tenex - công ty con thuộc tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga - là công ty duy nhất bán HALEU, chất không thể thiếu cho các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến, trên cơ sở thương mại.

Trước đó, hôm 19/4, người đứng đầu Nhà Trắng thông báo rằng một nhà máy của Mỹ đã sản xuất được 200 lbs (90 kg) HALEU đầu tiên và sẽ tạo ra gần 1 tấn nhiên liệu vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, đó chỉ là “giọt nước trong đại dương”, theo chuyên gia Anpilogov.

Hiện uranium của Nga chiếm từ 20-25% thị trường nhiên liệu hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Moderndiplomacy.eu

Hiện uranium của Nga chiếm từ 20-25% thị trường nhiên liệu hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Moderndiplomacy.eu

Nhà khoa học Nga lưu ý thêm, nếu không có sự miễn trừ, thị trường nhiên liệu hạt nhân của Mỹ có thể sụp đổ, dẫn đến chi phí làm giàu uranium tăng vọt.

Ông Anpilogov cũng gợi ý rằng các công ty Mỹ có thể đã sử dụng "kế hoạch xám" để mua nhiên liệu hạt nhân của Nga, ngụy trang dưới dạng hợp đồng với các công ty Pháp hoặc nước ngoài khác.

Luật pháp Mỹ cho phép miễn trừ lệnh trừng phạt nếu Washington xác định rằng không có nguồn uranium có độ giàu thấp thay thế nào để duy trì hoạt động liên tục của lò phản ứng hạt nhân hoặc công ty năng lượng hạt nhân trong nước. Biện pháp miễn trừ cũng được áp dụng nếu Mỹ xác định việc nhập khẩu uranium nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia.

Giới phân tích cho rằng lệnh cấm nhập khẩu uranium Nga sẽ khiến ngành công nghiệp Mỹ ngay lập tức lao đao. Trước hết sẽ có hàng loạt công ty Mỹ xin miễn trừ.

Tuy nhiên, S&P Global hôm 10/5 trích dẫn những người tham gia cuộc họp của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, chi tiết về quy trình miễn trừ vẫn chưa được tiết lộ.

Centrus Energy, công ty đã mua uranium từ Nga trong nhiều năm, đầu tháng này đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ nộp đơn xin miễn trừ ngay khi có cơ hội đầu tiên. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Centrus, ông Amir Vexler xác nhận: "Đúng, chúng tôi đã chuẩn bị và sẽ sử dụng quy trình này. Lý do là vì quyền miễn trừ cực kỳ quan trọng, không chỉ đối với Centrus mà còn đối với ngành công nghiệp Mỹ".

Việc nhập khẩu uranium làm giàu của Nga sang Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 1,2 tỷ USD vào năm 2023, tăng 40% so với lượng nhập khẩu của năm 2022, theo tổ chức Bellona Environmental.

Sự gia tăng này là do giá cả tăng cao và khối lượng nhiên liệu hạt nhân vật lý của Nga mà Mỹ mua cũng tăng lên, tăng từ 588 tấn năm 2022 lên 702 tấn năm 2023.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nganh-cong-nghiep-hat-nhan-my-se-sup-do-vi-lenh-cam-van-voi-uranium-nga.html