Nâng cao chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nông sản có nhiều biến động, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập.

Ngày 9/5, tại huyện Phước Long, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị “Đánh giá tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thời gian qua và triển khai nhiệm vụ 2024 - 2025”.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên thực trạng, từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả trong liên kết tiêu thụ nông sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, Ngành hàng lúa gạo và thủy sản của tỉnh đang phát triển tốt, trình độ sản xuất của nông dân được nâng lên. Nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Dần thay đổi tư duy, không còn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, nông dân chủ động tham gia chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Qua liên kết sản xuất đã hình thành và phát triển được vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, gắn liên kết sản xuất tập trung với tiêu thụ sản phẩm, quy mô cánh đồng lớn sản xuất từ 1 - 2 giống lúa/cánh đồng. Trên từng cánh đồng, nông dân tham gia liên kết sản xuất được hỗ trợ chi phí cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu lúa hàng hóa đầu ra ổn định. Đặc biệt, giảm được mức độ rủi ro do thương lái ép giá và thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 50 - 200 đồng/kg lúa.

Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Bạc Liêu thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đạt được một số kết quả cụ thể như: cây lúa có tỷ lệ bao tiêu cao nhất với trên 93.600 ha, chiếm 48,88% diện tích gieo trồng; còn lại rau màu, và con tôm có liên kết nhưng chưa nhiều, chỉ có 7,20% diện tích gieo trồng màu được thực hiện liên kết, còn con tôm, việc liên kết chỉ chiếm tỷ lệ 2,53% diện tích.

Qua khảo sát, giai đoạn 2021 - 2023, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua 3 hình thức chủ yếu là liên kết bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong đó, hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ đang được triển khai phổ biến nhất.

Theo ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, liên kết là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ nông sản có ý nghĩa đặc biệt đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ, lẻ chưa mang tính hàng hóa, việc phát triển nông nghiệp không tuân thủ các đề án, quy hoạch, kế hoạch, định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh và thiếu tính bền vững.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng Bạc Liêu cần đẩy nhanh hơn nữa xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân cũng như toàn xã hội. Trong đó, nông dân sẽ có tiều kiện tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh cho nông sản.

Ông Hồ Quang Cua, doanh nghiệp Hồ Quang của tỉnh Sóc Trăng, cha đẻ của 2 giống lúa nổi tiến ST 24, ST 25 đánh giá cao việc tổ chức thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua. Theo ông, tỉnh Bạc Liêu rất có điều kiện để thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản, nhất là đối với cây lúa, con tôm. Tỉnh hoàn toàn có thể xây dựng thành công thương hiệu nông sản Bạc Liêu thông qua mô hình sản xuất hữu cơ “lúa thơm – tôm sạch” theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Để nâng cao hiệu quả liên kết trong tiêu thụ nông sản, ông Hồ Quang Cua đề nghị tỉnh Bạc Liêu cần quan tâm tăng cường quản lí chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng tthương hiệu nông sản.

Dưới góc nhìn của người sản xuất, ông Nông Văn Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Ba Đình, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: hợp tác xã được xem là điểm nhấn để triển khai thực hiện thành công liên kết. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, những rào cản trong thực hiện liên kết vẫn còn, đó là nhiều thành viên hợp tác xã chưa quen với việc hợp đồng kinh tế trong sản xuất và sản xuất chia đồng loạt, thống nhất. Bên cạnh đó, các đối tác liên kết thường bắt buộc sử dụng theo combo sản phẩm đầu vào, đôi lúc chưa phù hợp với điều kiện kỹ thuật và đất đai của từng người dân, việc sản xuất theo quy trình, số lượng diện tích lớn nhưng giá cả sản phẩm đầu ra chưa có sự trên lệch so với thị trường, nên chưa thu hút được người dân.

Ông Nông Văn Thạch đề nghị các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia hợp tác xã, để tiếp tục giúp hợp tác xã mở rộng thành viên và diện tích để đáp ứng cho nhu cầu liên kết sản xuất. Cùng với đó, tăng cường công tác tập huấn, mở các lớp đào tạo chuyên sâu về khả năng quản trị cho bộ máy hợp tác xã, kiến thức về kinh doanh, mua bán, hợp đồng kinh tế. Đối với công ty doanh nghiệp liên kết, chọn sản phẩm phục vụ sản xuất có thương hiệu trên thị trường, gần rủi với người nông dân, sử dụng sản phẩm theo khả năng quản lý và điều kiện thổ nhưỡng, không theo combo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: Để liên kết thực sự đi vào chiều sâu, cả hệ thống chính trị phải cùng tham gia hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng; quy hoạch vùng nguyên liệu; chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; xúc tiến thương mại; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các bên, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia “hợp tác để cùng có lợi”. Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản tập trung là lúa và tôm, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. Tiếp tục khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú đáp ứng yêu cầu của thị trường,…

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cùng Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của từng địa phương để đảm bảo ổn định đầu ra, phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Nguyên Du

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-cao-chuoi-lien-ket-tieu-thu-nong-san-10279374.html