Năm 2024, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với diện tích hơn 8.500ha

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất

Theo kế hoạch của tỉnh Long An, trong năm 2024, tỉnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với diện tích 8.517ha. Trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm 4.378ha, cây lâu năm 2.025ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 89ha.

Các địa phương có diện tích đất chuyển đổi sang cây trồng hàng năm nhiều nhất là huyện Tân Thạnh 1.140ha, Tân Hưng 870ha, Tân Trụ 640ha, Đức Huệ 814ha, Vĩnh Hưng 362ha, Đức Hòa gần 200ha…

Các địa phương có diện tích đất chuyển đổi sang cây trồng lâu năm nhiều nhất gồm có huyện Tân Thạnh 565ha, Tân Hưng 550ha, Đức Huệ 276ha, Mộc Hóa 200ha, Thạnh Hóa 164ha…

Trong khi đó, các huyện chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa nhiều nhất là huyện Tân Hưng 20ha và Vĩnh Hưng 15ha…

Theo UBND tỉnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

Đồng thời, việc chuyển đổi cũng nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực để khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững. Việc chuyển đổi cũng góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi trên, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được phê duyệt.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Song song đó, bảo đảm phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Việc lựa chọn loại cây trồng, thủy sản chuyển đổi phải bám sát nhu cầu thị trường, sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, ổn định và có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Mặt khác, phải bảo đảm phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, tập quán, kỹ thuật canh tác của nông dân và gắn với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nam-2024-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-tren-dat-lua-voi-dien-tich-hon-8-500ha-a176353.html