Mỹ thực sự muốn gì trong cuộc xung đột ở Ukraine?

Trong những cuộc thảo luận về việc hỗ trợ cho Ukraine, câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời là Mỹ đang cố gắng đạt được điều gì ở Ukraine giữa bối cảnh một thắng lợi hoàn toàn là không khả thi?

Mỹ muốn gì ở Ukraine?

Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua gói hỗ trợ mới trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine và một điều lạ lùng đã xảy ra. Đó là các cuộc thảo luận về chiến thắng của Ukraine đã nóng lại ở Washington.

Trong một vài tháng qua, các quan chức Mỹ đã đưa ra những cảnh báo ảm đạm về việc nếu không được hỗ trợ, phòng tuyến Ukraine có thể sụp đổ và quân đội Nga sẽ một lần nữa tiến vào Kiev. Tuy nhiên, khi điều tồi tệ nhất đã tránh được, những kỳ vọng đặt ra sẽ cao hơn. Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang cố gắng tăng cường năng lực của Lực lượng Vũ trang Ukraine trong 10 năm, một kế hoạch có thể lên tới hàng trăm tỷ USD, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Ukraine sẽ tiến hành một cuộc phản công khác vào năm 2025.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Dù vậy, theo các nhà quan sát nhận định trên Foreign Policy, sự lạc quan này đã bị đặt sai chỗ. Gói hỗ trợ mới được thông qua có thể là gói hỗ trợ lớn cuối cùng mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Theo nhà phân tích địa chính trị Ian Bremmer: "Việc Mỹ duy trì cung cấp cho Ukraine 60 tỷ USD hỗ trợ hàng năm là một điều phi thực tế cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống". Gói hỗ trợ hiện tại chủ yếu sẽ giúp Ukraine ở vị thế tốt hơn cho các cuộc đàm phán tương lai. Nó cũng sẽ cải thiện tình trạng thiếu hụt đạn dược và vũ khí, cũng như giúp các lực lượng của Kiev tổn thất ít lãnh thổ hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên, Ukraine vẫn đối mặt với những thách thức khác: đó là tình trạng không có đủ các công sự, thiếu nhân lực và quân đội Nga mạnh hơn về mọi mặt. Nhìn chung, Ukraine vẫn ở thế yếu và sự hỗ trợ của phương Tây không thay đổi thực tế này.

Nhà Trắng đã cung cấp gói hỗ trợ bổ sung như một lựa chọn "một ăn cả, ngã về không": Đó là thông qua hàng tỷ USD hỗ trợ hoặc chứng kiến Ukraine thất bại.

Trên thực tế, trong những cuộc thảo luận về việc hỗ trợ cho Ukraine, câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời là Mỹ đang cố gắng đạt được điều gì ở Ukraine giữa bối cảnh một thắng lợi hoàn toàn là không khả thi?

Vấn đề chấm dứt xung đột ở Ukraine luôn đầy khó khăn. Các nhà khoa học chính trị thường cho rằng bất kỳ kết cục nào với một cuộc chiến đều sẽ bao gồm tiến trình đàm phán ngoại giao. Một số nhà quan sát rút ra kết luận rằng, nếu đàm phán là không thể tránh khỏi thì nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Những người khác thì lại nhận định, Ukraine phải cải thiện vị thế trên chiến trường trước khi bước vào bàn đàm phán. Chính quyền Kiev vẫn kiên định với điều kiện Nga phải rút toàn bộ quân khỏi Ukraine, bao gồm cả Crimea trước khi đàm phán bắt đầu.

Một số quan chức Mỹ thì đặt hy vọng vào các cuộc tiến công lớn của Ukraine nhưng cũng thừa nhận, trong khi điều này có thể tránh leo thang thì kịch bản đó không có lợi cho Kiev. Các nhà quan sát nhận định trên Foreign Policy rằng, Nhà Trắng đã đúng khi đánh giá việc hỗ trợ sẽ giúp Ukraine ở vị thế đàm phán mạnh hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những câu hỏi khác: Đó là nên quyết định như thế nào khi thời khắc đàm phán đến? Liệu Ukraine có tiếp tục chiến đấu mà không đàm phán, liệu vị thế đàm phán sẽ được cải thiện hay suy giảm?

Tính toán này cũng trở nên phức tạp bởi những vấn đề về việc Mỹ đang cố gắng đạt được điều gì ở Ukraine. Một số người cho rằng đó là bảo vệ dân chủ hoặc trật tự quốc tế. Nhưng một số nhà phân tích khác thì nhận định, mục tiêu chính của Mỹ là trang bị vũ khí cho Ukraine để làm suy yếu Nga. Theo họ, việc duy trì nguồn cung vũ khí cho Kiev sẽ giúp phương Tây làm hao hụt khả năng quân sự của Nga. Tuy nhiên, nếu là làm suy yếu Nga thì đây là một mục tiêu không có hồi kết, ám chỉ về một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Giữa bối cảnh Moscow vẫn có khả năng duy trì và thay thế lực lượng, hiện còn chưa rõ liệu phương Tây có thể thành công trên mặt trận này hay không.

Một số nhà phân tích khác thì đưa ra những mục tiêu cụ thể hơn: Đó là hỗ trợ Ukraine giành lại lãnh thổ hoặc ngăn cản Nga chiếm Odesa cũng như những địa điểm giá trị khác. Mặc dù đây là những mục tiêu cụ thể hơn nhưng không có sự nhất trí ở phương Tây và hầu như không có nhiều sự sẵn sàng trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình khi các mục tiêu này đạt được.

Đó là lý do tại sao các quan chức Nhà Trắng cho rằng sự hỗ trợ của phương Tây chỉ đơn giản là đặt Ukraine ở vị thế tốt nhất có thể trên bàn đàm phán. Việc đưa ra nhận định như vậy không yêu cầu phải đưa ra những quyết định khó khăn về lãnh thổ Ukraine cần giành lại và không cần cân nhắc đến việc hỗ trợ của phương Tây sẽ tiếp tục bao lâu. Nó cũng tránh được câu hỏi về định hướng tương lai của Ukraine - đó là liệu Kiev có gia nhập EU hoặc NATO không - điều có lẽ cần được giải quyết để chấm dứt xung đột.

Mức độ can dự gia tăng của phương Tây

Sự can dự của phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng leo thang trong hơn 2 năm qua. Từ các phương tiện hỗ trợ đến xe tăng, từ pháo đến tên lửa ATACMS, sự hỗ trợ của phương Tây cứ dần tiến thêm một bước và đi theo một vòng lặp: Đó là ngay khi họ thông qua việc hỗ trợ Ukraine một hệ thống thì sức ép hỗ trợ hệ thống tiên tiến hơn tiếp theo sẽ ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, khi xung đột nước sang năm thứ ba, sự hỗ trợ đã dần đạt đến giới hạn khi mà trong nhiều khía cạnh, họ không còn "hệ thống tiếp theo" để cung cấp nữa.

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Diễn biến này đã giải thích những cuộc thảo luận gần đây về mức độ can dự mở rộng hơn của phương Tây. Ngay tuần trước, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã nhận định với báo giới rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây cũng nhắc đến việc có thể sẽ đưa quân tới Ukraine hoạt động với vai trò ở phía sau tiền tuyến. Ngày 6/5, dẫn các tuyên bố của Anh và Pháp, Nga thông báo sẽ tổ chức tập trận hạt nhân chiến thuật.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang cân nhắc cử một số cố vấn quân sự Mỹ sang Ukraine để hỗ trợ bảo trì, huấn luyện và cố vấn về mặt chiến thuật. Những động thái trên được ví như một bước trung gian giữa tình trạng hiện tại và việc tham chiến trực tiếp. Điều này rất nguy hiểm khi có thể gây ra nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga nếu các cố vấn bị thương hoặc thiệt mạng.

Về phần mình, Nga coi những diễn biến trên là báo hiệu cho sự can thiệp lớn hơn của phương Tây.

Sau tất cả, chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và dường như không có kế hoạch nào khác ngoài việc duy trì sự hỗ trợ này. Gói hỗ trợ mới có thể kéo dài ít nhất 6 tháng và lâu nhất là 18 tháng.

Mỹ sẽ làm gì tiếp theo?

Giới quan sát cho rằng, Mỹ nên thừa nhận các lợi ích của Kiev và Washington không giống nhau và rằng mục tiêu của Ukraine về việc giành lại toàn bộ lãnh thổ là không thể đạt được trong thực tế. Lợi ích quan trọng nhất của Mỹ là đảm bảo sự tồn tại của Ukraine như một nhà nước có chủ quyền và tránh xung đột trực tiếp với Nga.

Một số nhà quan sát cho rằng, giới lãnh đạo Mỹ nên khuyến khích Ukraine ưu tiên phòng thủ hơn tấn công và cung cấp sự hỗ trợ để đảm bảo Ukraine có thể tự vệ, tức là tập trung nhiều hơn vào đạn dược cũng như công sự thay vì những hệ thống tấn công công nghệ cao như ATACMS. Washington cũng nên hỗ trợ Kiev xây dựng lại nền tảng quân sự - công nghiệp.

Một điều cũng quan trọng không kém là thời điểm khuyến khích đàm phán giữa Nga và Ukraine. Nếu các lực lượng của Ukraine có thể giữ ổn định tiền tuyến thì mùa hè năm 2024 có lẽ là thời điểm phù hợp để đàm phán. Không bên nào có thể thực sự phán đoán được mình có thể đạt được những gì cho tới khi bắt đầu thảo luận với đối phương và theo những tiết lộ gần đây về những cuộc đàm phán trước đó giữa Kiev và Moscow, tiến trình này không phải là bất khả thi.

Cuối cùng, Washington nên dựa vào các đồng minh châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine. Các cam kết của Mỹ có thể sẽ giảm dần do sự không hài lòng của dư luận trong nước, bầu cử tổng thống hoặc các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới. Các nhà quan sát trên Foreign Policy cho rằng Washington nên san sẻ bớt gánh nặng với châu Âu.

Lần này, Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua gói hỗ trợ cho Ukraine nhưng lần tới thì có thể là không. Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, các chính phủ nên chuẩn bị cho khả năng sự hỗ trợ của Mỹ sẽ cạn dần và nỗ lực đưa Ukraine vào vị thế tốt hơn. Trên thực tế, mức độ hỗ trợ hiện tại vẫn chưa đủ để loại bỏ các kịch bản tệ nhất - đó là Nga đạt được đột phá lớn, giao tranh kéo dài không hồi kết hoặc xung đột lan rộng. Để tránh những kịch bản trên sẽ đòi hỏi việc phải cân nhắc những đánh đổi khó khăn.

Kiều Anh/VOV.VN Theo: Foreign Policy

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-thuc-su-muon-gi-trong-cuoc-xung-dot-o-ukraine-post1094312.vov