Mùa rau ngơ ngác

Hồi nhỏ tôi thích nồi canh chua nhưng không thích rau tần dày lá. Rồi tôi không nhớ mình thích nó từ khi nào. Rồi tôi ghiền nó. Có khi do những buổi tối ho cắm đầu cắm cổ không biết kiếm đâu ra thuốc, trừ những lá tần dễ trồng nhà nhà đều có.

Tần dày lá dễ trồng nhưng không hề hoang dã. Nó không có máu bành trướng như rau muống, mồng tơi. Phải có chỗ đứng riêng biệt để nó lặng lẽ sinh tồn. Cứ thế nó âm thầm tích nhựa mặc kệ đất trời trong lành hay vần vũ…

Tôi thương tần cái nết dễ trồng nhưng thương nhất vẫn là mùi hương của nó trong những tô canh chua theo nết nấu của má của nội. Mà tôi cảm giác như tần dày lá mới là xứ sở.

Như một người yêu nhẫn tâm, tôi thích nhìn tần mùa hạn. Ngoài kia nắng đổ. Những nhánh tần vẫn trơ trơ.

Hạn như một bài tập khó cho lớp học sinh tồn của những mẻ rau người bận rộn. Nó là “mảnh vườn” tạp canh và ngẫu hứng nên việc tưới nước bữa đực bữa cái. Phân phướng thì chỉ cậy vào đất và ít ỏi khoáng trong dòng nước tự nhiên. Bầy rau bị sốc bởi thừa nước thiếu nước gần như liên tục. Đám quế vội vã trổ bông rồi trơ nhánh. Ngò gai trụ lại thêm một độ nữa cũng oặt oại tủa mấy chùm bông gai góc.

Tần dày lá cứ thế trường tồn. Nắng mặc kệ nắng. Những cái lá hình tim um úp vào nhau. Nắng càng dày, hạn càng sâu, những cái lá càng cứng hơn, dày hơn, xếp gần nhau hơn. Tôi nghĩ tới bông hồng xanh đựng ăm ắp tinh dầu. Mùi tích góp từ từ trong những bông hồng xanh ám bụi. Bụi như làm cho nết lặng lẽ của tần chìm hơn, ngầm hơn, như mờ nhạt, như vô hình. Những bông hồng bụi chìm trong bụi mờ nhân thế.

Những cái lá tần thấm thời gian thấm nắng thắm sương đậm đà hương liệu.

Cảm giác như tần không lớn. Cảm giác như nó đang lỳ. Miền quê chậm lụt rù rì tần chậm lụt nẩy chồi nhẹ như không có. Nẩy một cách từ từ tưởng như nó không hề lớn. Bụi phủ lên khiến những cái chồi non cũng cũ kỹ như nó đã nẩy từ đời não đời nào... Màu hoa bụi như màu thời gian. Nó làm cho bụi tần cũ như nó đã ở đó từ bốn mươi năm trước. Cái thời tôi lên bảy lên mười. Cái thời nội kêu lần dò cầu khỉ qua nhà ông Năm xin vài lá rau tần về nấu chua. Lúc đó tôi quạu. Mắc gì phải là tần. Canh chua bao nhiêu lá thơm tho...

Tới lúc con tôi, cháu tôi cũng sẽ hỏi tôi câu đó.

Hóa ra tần là loài rau của bữa ăn lão lão. Loài rau của những trầm kha. Có cả tần trong món thuốc cầm máu kháng viêm sát trùng cho những vết thương hở miệng.

Nhìn mẻ tần bên sàn nước, nhìn mẻ tần bên cạnh hàng rào, người ta không thấy thèm gì hết. Chỉ thấy nó quen. Chỉ thấy nó hiền. Nhưng khi nấu canh chua, thiếu vài lá tần như thiếu cả mùa thơm thảo. Vậy là đảo mắt nhìn quanh. Chỉ cần thấy tần thôi, việc xin chỉ là chiếu lệ. Không tốn công tốn sức, ai cần cứ bẻ. Người trồng tần cắt cả bó tặng cho người bán rau. Người xin rau cứ thế lựa những lá gốc lá già. Những cái lá thấm thời gian thấm nắng thắm sương đậm đà hương liệu. Xắt nhuyễn lá tần để ngay trong nồi canh chua vừa tắt lửa. Tinh dầu lan vào nước bay theo hơi nước nóng len vào từng góc bếp tràn ra tận cửa tận sân.

Tần hiền lành nhưng hương thơm lấn át. Nếu đã ăn một miếng canh chua có tần rồi thì mới thấy sự hiền lành kia là cả một thế giới tinh dầu đang tu luyện. Hương nồng hương đặc. Thơm đượm thơm đầm và hương trùm phủ thế giới hương của tô canh chua ngào ngạt.

Tôi ghiền mùi hương của tần dày lá. Nhưng tôi ám ảnh hình ảnh lặng lẽ của những chùm lá bên đường. Như những gương mặt già chát lão luyện lại cứ ngây thơ khờ khạo. Nói gì đi bạn già của tôi ơi. Tôi thèm nghe bạn kể về những gì chứng kiến.

Tần không cười. Tần không khóc. Không phất phơ giữa những mùa gió bấc già bấc non hay chướng ngược chướng ngang. Tần không rũ rượi dưới mưa cũng không úa xào trong hạn. Nắng kệ nắng. Tần ngơ ngác tỉnh rụi. Chậm lớn một chút, vàng vọt một chút, bụi mờ nhiều chút. Mọi thứ đang xôn xao trước mắt tần. Tôi cũng bon chen từng chút trước tần. Lúc vui, nhìn tần tôi thấy bình an bởi nó quá lỳ lợm. Lúc buồn, nhìn tần tôi thèm ngơ ngác tỉnh bơ. Thèm cái kiểu ta mặc kệ đời tức tối hung hăng, ta trốn trong lớp bụi dày hun đúc dòng tinh dầu riêng biệt. Để rồi, sau những cơn cuồng loạn giận hờn, đời thèm một chút ta trong tô canh chua giải nhiệt.

Hay, trong cơn ho ngặt nghẽo mệt nhoài, đời cần tinh dầu ta đẩy lùi ngoại cảm. Đúng với câu thằng em hay nói “tần dày lá trị ho đại tài”. Đúng với câu “Canh chua miền Tây là phải có tần dày lá”. Ngạo nghễ lắm chớ, cao ngạo lắm chớ. Hẳn là vậy. Và cũng từ đó ta nhận ra mình quá khờ khạo trước những ngây thơ của loài cây nho nhỏ lặng thầm.

Bài và ảnh: Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mua-rau-ngo-ngac-43525.html