Một số đại biểu Quốc hội còn băn khoăn với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Một số đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe, nhất là khi xe máy là loại phương tiện phổ biến ở nông thôn và cho rằng cần nghiên cứu để quy định phù hợp hơn với thực tiễn.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chiều 22/5, góp ý về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, dẫn số liệu, trên thế giới chỉ 23 quốc gia cấm tuyệt đối nồng độ cồn, còn các nước xung quanh Việt Nam vẫn cho phép lái xe trong ngưỡng nồng độ cồn nào đó.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Cho rằng tai nạn giao thông xảy ra do ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông chứ không phải do uống rượu, bia, đại biểu Phạm Văn Hòa nhìn nhận: "Say xỉn lái xe mới không làm chủ được tay lái, còn có chút xíu rượu thì làm gì mà không làm chủ được. Đa phần người dân ở nông thôn đều tham gia giao thông bằng xe máy, họ làm gì có tiền đi xe dịch vụ. Nên cho phép có ngưỡng nào đó với lái xe máy theo quy định của luật Giao thông đường bộ năm 2008 là phù hợp, còn cấm tuyệt đối thì quá cứng nhắc".

Còn đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương - cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 trong phiên thảo luận tổ, đại biểu đã đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe vì cho rằng, chúng ta nên quy định cùng xu hướng của các nước trên thế giới và việc lực lượng cảnh sát giao thông theo dõi mức vượt 0 hoặc là vượt ngưỡng 0,025 mg/lít khí thở, hoặc thậm chí có thể áp dụng trắc nghiệm bằng công nghệ số để kiểm tra sự tỉnh táo của người tham gia giao thông có nồng độ cồn trước khi xử phạt.

Tuy nhiên, đại biểu Huân chia sẻ, sau khi đi dự một đám cưới ở quê thì đại biểu đồng tình với phương án quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Đại biểu Trần Công Phàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương - cho biết: "Trên thế giới chỉ hơn 20 nước cấm tuyệt đối. Khi cấm tuyệt đối nồng độ cồn, dường như chúng ta chưa đánh giá tác động ảnh hưởng tới vấn đề truyền thống, phong tục tập quán. Thậm chí, nhiều khi muốn uống một chút rượu, bia để đảm bảo tập tục rất hay nhưng dính một chút cồn thì lại không được".

Từ đó, ông Phàn đề nghị ban soạn thảo hết sức cân nhắc, chọn phương án nào cho phù hợp thực tiễn. Nếu cần thiết thì thiết kế 2 phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

"Phương án nào đa số thì làm theo, còn phân tích thì mỗi cái đều có lý lẽ của nó", ông Phàn đề nghị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hầu hết các ý kiến đại biểu đều nhất trí quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo tại Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo tại Quốc hội

Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội và tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật.

Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn là vấn đề gây tranh luận kể từ khi Chính phủ trình dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cuối năm ngoái. Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng. Đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, luật quy định ngưỡng là 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở.

Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia năm 2019 quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm tất cả các phương tiện nói trên) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

H.Y

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mot-so-dai-bieu-quoc-hoi-con-ban-khoan-voi-quy-dinh-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe-20240522195907619.htm