Mộ Nội tổ Tả quân Lê Văn Duyệt ở Tiền Giang được xếp hạng di tích cấp tỉnh

UBND tỉnh Tiền Giang vừa có quyết định xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh cho Mộ ông Lê Văn Hiếu tại ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè.

Di tích Mộ ông Lê Văn Hiếu (Nội tổ Tả quân Lê Văn Duyệt) là một trong những ngôi mộ cổ được xây dựng cách đây trên 200 năm.

Được biết, ở Nam Bộ hiện nay còn rất ít ngôi mộ có tuổi đời trên 200 năm, cho nên ngôi mộ là một minh chứng cho sự có mặt khá sớm của lưu dân người Việt ở vùng đất Nam Bộ.

 Mộ ông Lê Văn Hiếu tại ấp Hòa Quý. Ảnh: BLL Gia tộc Lê Văn Duyệt

Mộ ông Lê Văn Hiếu tại ấp Hòa Quý. Ảnh: BLL Gia tộc Lê Văn Duyệt

Ông Lê Văn Hiếu là một trong những người đi tiên phong trong việc khai khẩn vùng đất Trà Lọt (Tiền hiền khai khẩn) và là tổ tiên của một đại công thần dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng là Tả quân Lê Văn Duyệt.

Kiến trúc ngôi mộ ông Lê Văn Hiếu được thiết kế với quy chuẩn về lăng mộ của một vị quan thời phong kiến, giai đoạn từ nửa sau thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, bao gồm: Cổng lăng và hàng rào, sân tế, bình phong phía trước, vòng thành, bia mộ, nhà mồ, bình phong phía sau, điện thờ.

Tuy đã tồn tại hơn 200 năm nhưng kiến trúc của mộ không bị phá vỡ, hiện trạng còn rất tốt. Ngôi mộ có giá trị cao về mặt khảo cổ học như: vật liệu xây dựng, chất kết dính, phong cách kiến trúc.

Theo một số nghiên cứu khoa học, ông Lê Văn Hiếu là nội tổ của Tả quân Lê Văn Duyệt - võ tướng nổi tiếng thời Nguyễn. Người lập mộ ông Lê Văn Hiếu ở ấp Hòa Quý là Lê Văn Toại - con trai ông Hiếu, cũng là cha của Lê Văn Duyệt. Bia mộ được lập năm Giáp Tuất 1814.

Xét theo nhánh họ Lê ở vùng đất Nam Kỳ xưa thì Lê Văn Hiếu chính là ông Tổ, vì vậy, dù ông không phải là nhân vật có công đối với đất nước nhưng cũng là một gạch nối cho lịch sử địa phương và là tổ tiên của một đại công thần lừng danh triều Nguyễn.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mo-noi-to-ta-quan-le-van-duyet-o-tien-giang-duoc-xep-hang-di-tich-cap-tinh-post272262.html