Mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng trỗi dậy ở Mỹ

Xu hướng nhà sản xuất bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) đang ngày càng thịnh hành ở Mỹ , tạo cú hích cho các công ty công nghệ phát triển những phần mềm gỡ rối sự phức tạp của chuỗi cung ứng bán lẻ.

Sản xuất giày dép, quần áo và thiết bị điện tử là những lĩnh vực đang đẩy mạnh hoạt động D2C, một xu hướng tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi hoạt động mua sắm tại các cửa hàng truyền thống sụp đổ, buộc các nhà cung cấp phải chọn kênh thương mại trực tuyến để tiếp cận khách hàng.

Manhattan Associates (Mỹ), công ty phát triển phần mềm quản lý chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán lẻ và sản xuất, cho biết doanh thu của công ty đã tăng hai con số trong năm nay, một phần là nhờ các khách hàng doanh nghiệp tìm cách xây dựng công nghệ xử lý đơn đặt hàng của người tiêu dùng cá nhân.

Blue Yonder, công ty con của Tập đoàn Panasonic, cho biết đã nhận thêm gần 100 khách hàng mới trong năm nay khi sử dụng công nghệ quản lý chuỗi cung ứng của công ty.

“Chúng tôi đang bắt đầu thu hút những khách hàng mà trước đây chúng tôi chưa từng hợp tác kinh doanh. Nhiều năm trước, họ không cần các giải pháp của chúng tôi nhưng hiện nay đã khác”, Eddie Capelm, Giám đốc điều hành Manhattan Associates nói.

Ông Capelm lưu ý, ở một khía cạnh nào đó, hầu hết các công ty đều đang trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng.

Trong 5 năm tài chính tính đến tháng 5-2022, khoảng 24% tổng doanh thu của Nike đến từ các kênh thương mại điện tử bao gồm các trang web và ứng dụng điện thoại. Ảnh: Getty

Trong 5 năm tài chính tính đến tháng 5-2022, khoảng 24% tổng doanh thu của Nike đến từ các kênh thương mại điện tử bao gồm các trang web và ứng dụng điện thoại. Ảnh: Getty

Chiến lược D2C đã tạo được sức hút từ vài năm trước. Vào thời điểm đó, các thương hiệu khởi nghiệp (startup) tìm cách bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng mà không cần phải thông qua nhà bán buôn hoặc nhà bán lẻ thứ ba. Sự phát triển của thị trường trực tuyến đã giúp nhiều startup hoạt động theo mô hình D2C trỗi dậy và xây dựng được tên tuổi.

Các startup bán hàng trực tiếp, chẳng hạn như thương hiệu giày dép và quần áo Allbirds và nhà cung cấp chương trình tập thể dục tại nhà Peloton Interactive, đã phát triển mạnh trong thời kỳ ban đầu đại dịch khi hầu hết mọi người ở nhà và đặt mua mọi thứ từ thực phẩm đến đồ nội thất qua các kênh thương mại trực tuyến.

Để thu hút người mua sắm trực tuyến, các thương hiệu sản xuất lớn cũng đang đẩy mạnh chiến lược D2C. Tuy nhiên, với nhà sản xuất, chuỗi cung ứng của mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng rất khác so với hoạt động cung cấp hàng cho các nhà bán lẻ.

Các nhà cung cấp sản phẩm, từ khoai tây chiên đến đồ gia dụng thường vận chuyển các kiện hàng lớn đến các trung tâm phân phối hoặc cửa hàng thông qua các chuỗi cung ứng công nghiệp bao gồm đội xe đầu kéo.

Còn nhà sản xuất bán trực tiếp cho người tiêu dùng phải quản lý dòng chảy các lô hàng riêng lẻ, chẳng hạn như một hộp giày thể thao, chứ không phải hàng trăm hộp giày di chuyển từ nhà máy đến điểm bốc dỡ của nhà bán lẻ.

Chiến lược D2C đã nuôi dưỡng một hệ sinh thái ngày càng phát triển của những công ty như Shopify, nhà bán lẻ trực tuyến cung cấp các công cụ trực tuyến cho bên bán hàng thứ 3 và đang mở rộng khả năng xử lý hậu cần cho khách hàng.

Những nhà cung cấp phần mềm chuỗi cung ứng như Manhattan Associates, Blue Yonder và Infor ở Mỹ cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất quản lý hàng tồn kho và dòng chảy hàng hóa trong chuỗi cung ứng của họ.

Hãng đồ thể thao Nike cho biết, doanh số bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng đã giúp bù đắp cho sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh bán buôn của hãng trong thời kỳ ban đầu của đại dịch.

Giám đốc tài chính Nike, Matthew Friend tiết lộ trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 5-2022, khoảng 24% tổng doanh thu của Nike đến từ các kênh thương mại điện tử bao gồm các trang web và ứng dụng điện thoại. Ông Matthew cho rằng, sự kết nối kỹ thuật số đã giúp gia tăng giá trị cho Nike.

Các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống cũng đã nhảy vào cuộc đua bán hàng trực tiếp. Hồi tháng 5-2020, PepsiCo đã ra mắt hai trang web bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng là Snacks.com và PantryShop.com.

“Chúng tôi đang bắt đầu nhận thấy ranh giới giữa một nhà bán lẻ và một nhà sản xuất trở nên rất mờ nhạt”, Terry Esper, giáo sư chuyên ngành kho vận tại Trường Kinh doanh Fisher thuộc Đại học bang Ohio nói.

Theo ông Esper, chiến lược D2C cũng có thể giúp các nhà sản xuất hàng hóa giải quyết một số nút thắt trong chuỗi cung ứng vốn gây trở ngại cho các nhà bán lẻ trong hai năm qua. “Việc nhà sản xuất vận chuyển một sản phẩm trực tiếp đến bạn sẽ nhanh hơn so với việc vận chuyển nó đi qua mạng lưới của các nhà bán lẻ”, ông nói.

Michael Beliech, đồng Giám đốc điều hành Pacific Sunwear of California, nhà bán lẻ quần áo dành cho giới trẻ, ghi nhận chiến lược D2C đã giúp công ty kiểm soát hàng hóa của mình chặt chẽ hơn. Theo đó, một phần lớn hàng hóa là nhãn hàng riêng do công ty tự sản xuất hoặc tự nhập khẩu.

Shri Hariharan, Phó Chủ tịch Blue Yonder, cho biết để xây dựng lòng trung thành của khách hàng, điều đầu tiên là nhà sản xuất phải bảo đảm có sẵn những sản phẩm đang được yêu chuộng và phân phối chúng với tốc độ mà khách hàng mong muốn.

Hariharan cho rằng, các nhà sản xuất giờ đây không chỉ hỗ trợ nhà bán lẻ truyền thống mà còn phải xem xét mở rộng kênh D2C đang phát triển nhanh. “Nhà sản xuất cần phải bắt đầu suy nghĩ khác về mô hình chuỗi cung ứng của họ”, ông nói.

Theo Wall Street Journal

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mo-hinh-ban-hang-truc-tiep-den-nguoi-tieu-dung-troi-day-o-my/