Máy hút bụi Trung Quốc thâm nhập Việt Nam

Nhiều hãng thiết bị dọn dẹp Trung Quốc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Những công ty này cũng đang áp đảo trên thị trường thế giới.

 Showroom hãng máy hút bụi Trung Quốc tại quận 7, TP.HCM. Ảnh: DK.

Showroom hãng máy hút bụi Trung Quốc tại quận 7, TP.HCM. Ảnh: DK.

Ngành hàng thiết bị vệ sinh, gồm máy hút bụi và robot tự động đang tăng trưởng nhanh chóng trên toàn thế giới. Trong đó, nhóm có sức mua ổn định gồm Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Đông Nam Á được xem là khu vực tiềm năng, bắt đầu có sự thâm nhập.

Các nhãn hiệu dọn dẹp từ Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng ở lĩnh vực này, vượt qua những ông lớn ngay trên quê nhà của họ.

Mở rộng ở Việt Nam

Sau khi đạt được thành công nhất định ở phương Tây, những công ty thiết bị dọn dẹp Trung Quốc mở rộng ra khu vực Đông Nam Á. Dữ liệu được công bố của Lazada Philippines cho thấy sàn này bán được 8,2 triệu USD doanh thu ngành hàng nói trên chỉ trong vài tháng của năm 2023.

Gần đây, các thương hiệu như Roborock, Dreame, Ecovacs ra mắt rầm rộ, mở rộng hệ thống phân phối và tiếp cận khách hàng trong nước bằng các dòng sản phẩm đắt tiền. Dreame là nhãn hàng có mặt ở Việt Nam lâu nhất, nổi lên với các sản phẩm máy hút cầm tay. Sau khi có thành công bước đầu ở mảng online, nhà phân phối của thương hiệu này bắt đầu tìm đến các kênh ngoại tuyến, trung tâm thương mại.

 Robot dọn dẹp giá gần 30 triệu đồng của Roborock. Ảnh: Xuân Sang.

Robot dọn dẹp giá gần 30 triệu đồng của Roborock. Ảnh: Xuân Sang.

Roborock, thương hiệu có doanh số lớn nhất thế giới cũng mang về Việt Nam dòng robot lau dọn cao cấp có giá gần 30 triệu đồng. Công ty này áp dụng chính sách giúp họ có lợi thế ở nhiều thị trường, với model sở hữu hàm lượng công nghệ cao, khả năng làm sạch hiệu quả và gần như tự động hoàn toàn.

Thiết bị kiểu này tạo dấu ấn tốt cho khách hàng, định vị thương hiệu ở phân khúc cao cấp. Thực tế, mức giá cao, tối ưu cho các không gian rộng hơn 100 m2, mẫu robot hút bụi nói trên chỉ phục vụ một số tập người dùng nhất định.

Ngoài ra, Xiaomi, Ecovacs cũng bắt đầu mở rộng danh mục kinh doanh tại Việt Nam, với cả loại cầm tay và robot tự động. Các thương hiệu Trung Quốc tiếp cận khách hàng trong nước thông qua các kênh bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, những chuỗi chuyên kinh doanh thiết bị di động cũng tham gia phân phối loại sản phẩm này.

“Ngoài điện thoại, chúng tôi định hướng phát triển các sản phẩm trong hệ sinh thái xung quanh, thiết bị thông minh có thể kết nối với smartphone. Ở mảng này, thương hiệu từ Trung Quốc đang đi đầu về doanh số, tính năng công nghệ”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS trả lời Tri Thức - Znews về lý do mở rộng, bán thêm đồ gia dụng như máy hút bụi.

Trong lĩnh vực này tại Việt Nam, các hãng Trung Quốc đang gần như không có đối thủ. Có ít lựa chọn từ thương hiệu gia dụng lớn như Sharp, Samsung, LG... ở thị trường trong nước. Dyson là nhà sản xuất nổi tiếng, sản phẩm chất lượng cao, nhưng giá thành trên Roborock, Dreame một bậc.

Áp đảo trên toàn cầu

Tại Mỹ, iRobot, công ty thành lập từ 1990 chiếm thị phần lớn nhất, duy trì nhiều năm qua. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của thương hiệu này đang giảm xuống nhanh chóng cùng sự thất thế của máy hút bụi phương Tây. Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường MagicMirror cho thấy thị phần ngày càng tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc trong mảng này.

5/10 thương hiệu máy hút bụi bán chạy nhất ở Mỹ là các nhãn từ Trung Quốc. Những công ty này bao gồm Roborock, Anker Eufy, Yeedi, Ecovacs và Lefant. Trong khi đó, báo cáo của Euromonitor cho thấy thị phần của iRobot giảm từ 83% của 2012, còn 30% vào 2021.

 Roborock vượt qua iRobot của Mỹ, trở thành công ty sản xuất máy hút bụi lớn nhất thế giới. Ảnh: Xuân Sang.

Roborock vượt qua iRobot của Mỹ, trở thành công ty sản xuất máy hút bụi lớn nhất thế giới. Ảnh: Xuân Sang.

Báo cáo mới của Euromonitor cho thấy Stone Technology (Roborock) đã trở thành nhà sản xuất robot hút bụi lớn nhất thế giới. Điều này thể hiện sự áp đảo của các doanh nghiệp Trung Quốc trong mảng kinh doanh đang tăng trưởng này.

Đồng thời, các công ty từ đất nước tỷ dân không chỉ tận dụng ưu thế giá rẻ để cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Báo cáo cho thấy robot Roborock chiếm thị phần lớn ở phân khúc cao cấp, trên 800 USD. Trong khi đó, những nhãn hiệu Mỹ như iRobot hay Shark lại bản chạy ở khoảng 260-700 USD.

“Các công ty Trung Quốc tận dụng lợi thế chuỗi cung ứng và giá rẻ để tạo chỗ đứng, tiếp cận người dùng tiềm năng. Sau đó, các thương hiệu này tìm cách tối ưu hóa trải nghiệm trên chi phí, đầu tư ngược lại cho R&D (nghiên cứu và phát triển) để chiếm lĩnh thị trường cao cấp”, MagicMirror nhận định.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/may-hut-bui-trung-quoc-tham-nhap-viet-nam-post1474034.html