Lễ Phật đản tại châu Á được kỷ niệm thế nào

Là một ngày lễ quan trọng với Phật tử trên toàn thế giới, Đại lễ Phật đản (Vesak) là từ tôn kính nói về lễ kỷ niệm ngày sinh của Thái tử Tất Đạt Đa của tiểu quốc Shakya, người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ của đạo Phật.

Các Phật tử rước đèn lồng hoa sen tại Đại học Dongguk, Seoul, Hàn Quốc trước lễ Phật đản ngày 11/5/2024. Ảnh: AP

Các Phật tử rước đèn lồng hoa sen tại Đại học Dongguk, Seoul, Hàn Quốc trước lễ Phật đản ngày 11/5/2024. Ảnh: AP

Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha Gautama) sinh ra ở Lâm Tỳ Ni, nằm ở biên giới giữa Ấn Độ và Nepal ngày nay. Theo lịch Ấn Độ cổ ngày trăng tròn tháng Vesak là ngày sinh của Đức Phật cũng là ngày Đức Phật thành đạo đồng thời là ngày Đức Phật nhập niết bàn. Sự hy hữu này được các nước theo Phật giáo Nam tông tổ chức 3 lễ trong một ngày nên Đại lễ Phật đản còn được gọi là Đại lễ Tam hợp hay Đại lễ Vesak (chỉ tháng).

Các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam tông tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày trăng tròn tháng Vesak, thường vào ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch. Trong khi đó, các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc tông (còn gọi là Phật giáo đại thừa), do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày Đức Phật đản sinh theo lịch cổ của Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Hoa là ngày 8/4 âm lịch.

Tuy nhiên từ Đại hội Phật giáo Thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Colombo, Sri Lanka từ 25/5 đến 8/6/1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch. Từ năm 1999, Liên Hợp Quốc công nhận Phật giáo là tôn giáo điển hình của nhân loại và Đức Phật là nhân vật Văn hóa Tôn giáo được tôn vinh.

Các quốc gia Nam và Đông Nam Á

Các quốc gia có những nghi lễ và phong tục khác nhau trong ngày lễ lớn này. Ở Ấn Độ và Nepal, cháo ngọt được phục vụ vào ngày này để gợi nhớ câu chuyện về Sujata, một thiếu nữ đã dâng lên Đức Phật một bát cháo sữa. Tại Đền Mahabodhi ở Bodh Gaya, Ấn Độ, các tín đồ tiến hành cầu nguyện đặc biệt dưới gốc cây bồ đề được tin là nơi Đức Phật đã đạt được giác ngộ.

Tại Sri Lanka, những người tổ chức lễ trang trí nhà cửa và đường phố bằng nến, giấy và đèn lồng tre. Lễ hội có các bài hát, các công trình trang trí được gọi là “pandals” cũng như đốt hương và trình diễn ánh sáng nhằm mô tả những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật.

Ở Malaysia, động vật và chim trong lồng được phóng sinh vào lễ Phật đản trong khi tại Indonesia, lễ Phật đản được tổ chức nhộn nhịp nhất tại Borobudur ở Trung Java. Trong ánh trăng tròn, vào đêm trước Đại lễ Vesak, các tín đồ thực hiện một cuộc rước nến đến bảo tháp Borobudur. Sau khi đi vòng quanh Borobudur 3 vòng, những người tham gia sẽ thả hàng ngàn chiếc đèn lồng bay lên trời, “tượng trưng cho sự giác ngộ”.

Các tín đồ Myanmar gọi lễ Phật đản là lễ Kason và đổ nước lên cây bồ đề để tưởng nhớ Đức Phật thành đạo. Lễ kỷ niệm Vixakha Bouxa của Lào trùng với Boun Bang Fai, lễ hội đảm bảo mùa màng bội thu trong khi tại Thái Lan, lễ kỷ niệm Vesak lớn nhất diễn ra tại Phutthamonthon, Công viên Phật giáo ở tỉnh Nakhon Pathom gần Bangkok.

Ở Singapore, các Phật tử người Hoa theo truyền thống Đại thừa thường tổ chức lễ Vesak tại ngôi chùa Phật giáo lâu đời nhất ở Singapore, chùa Lian Shan Shuang Lin và tại chùa Phật Nha.

Người dân Sri Lanka chuẩn bị cho lễ Phật đản. Ảnh: Tân Hoa Xã

Người dân Sri Lanka chuẩn bị cho lễ Phật đản. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hàn Quốc

Điểm nổi bật của lễ Phật đản ở Seoul là lễ hội đèn lồng hoa sen có tên là Yeondeunghoe - một cuộc diễu hành của hàng ngàn chiếc đèn lồng giấy đầy màu sắc được thắp sáng và thường có hình dạng giống hoa sen được treo trong các đền chùa và đường phố.

Vào ngày Phật đản, nhiều ngôi chùa tại Hàn Quốc còn cung cấp bữa ăn và trà miễn phí cho tất cả du khách. Lễ hội trong sân chùa và công viên bao gồm các trò chơi truyền thống và nhiều màn trình diễn nghệ thuật biểu diễn khác nhau.

Trung Quốc

Tại Trung Quốc, Phật tử thực hiện nghi lễ tắm trong dịp Đại lễ Phật đản bao gồm việc đổ nước thơm lên tượng Phật sơ sinh có ngón trỏ phải hướng lên trời và ngón trỏ trái hướng xuống Trái đất. Theo truyền thuyết, ngay sau khi sinh ra Đức Phật đã tuyên bố rằng ngài sẽ không tái sinh nữa, và những con rồng trên trời đã rửa tội cho ngài bằng nước tinh khiết.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, ngày 8/4 được coi là ngày Phật Đản và được tổ chức tại các ngôi chùa Phật giáo với tên gọi Hana Matsuri, có nghĩa là lễ hội hoa. Vào ngày này, một “sảnh hoa” nhỏ được dựng lên trong khuôn viên chùa và được trang trí bằng những bông hoa đầy màu sắc. Một bát nước có tượng Phật trong hình hài một trẻ sơ sinh được đặt ở giữa và các tín đồ rót trà ngọt lên đầu tượng. Một linh mục thực hiện nghi lễ tái hiện sự ra đời của Đức Phật trong khu vườn Lâm Tỳ Ni năm xưa.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/le-phat-dan-tai-chau-a-duoc-ky-niem-the-nao-post34860.html