Khung hình phạt nào dành cho các đối tượng?

Đến nay, đã có 14 người bị CA khởi tố trong đường dây mua bán, làm giả và sử dụng giấy tờ giả nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Triệt phá đường dây nhân viên ngân hàng mua bán, sử dụng giấy tờ giả

Một số đối tượng liên quan vụ án chiếm đoạt tiền của ngân hàng đã bị khởi tố. Ảnh: CACC

Một số đối tượng liên quan vụ án chiếm đoạt tiền của ngân hàng đã bị khởi tố. Ảnh: CACC

Thủ đoạn rút tiền ngân hàng

CATP Hà Nội cho biết, điều tra mở rộng đường dây mua bán, làm giả và sử dụng giấy tờ giả liên quan đến nhiều nhân viên, cộng tác viên ngân hàng, do Nguyễn Hữu Hoàng, SN 1993, cựu nhân viên chi nhánh của Ngân hàng HDBank cầm đầu, CA quận Đống Đa đã khởi tố thêm 4 đối tượng liên quan gồm: Trần Quốc Hiếu, SN 1988, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội và Lê Mai Giang, SN 1988, trú tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn về tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"; Bùi Tấn Hoàng, SN 1999, trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái và Mai Văn Khánh, SN 1992, trú tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Theo tài liệu điều tra, Trần Quốc Hiếu đã liên hệ đặt mua sao kê và hợp đồng lao động giả của Nguyễn Hữu Hoàng nhằm mục đích mở thẻ tín dụng cho khách hàng. Hiếu đã mua với giá 2 triệu đồng/một tờ sao kê và 500.000 đồng/một tờ hợp đồng lao động. Tổng số tiền Hiếu mua giấy tờ giả là 15 triệu đồng. Sau khi đặt mua giấy tờ giả, Hiếu đã mở thành công 5 thẻ tín dụng ở ngân hàng LPBank, hưởng lợi số tiền 107 triệu đồng.

Đối với Bùi Tấn Hoàng và Mai Văn Khánh là khách hàng được Hiếu hỗ trợ mua giúp giấy tờ để “làm tròn” hồ sơ. Hiếu đã mở thành công cho Hoàng một thẻ tín dụng 80 triệu đồng, còn Khánh nhận được một thẻ tín dụng 80 triệu đồng. Sau khi sử dụng giấy tờ giả để mở thành công hai thẻ tín dụng, các đối tượng này đã sử dụng hết tiền, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, không thực hiện trả lãi và gốc theo quy định. Về phần Lê Mai Giang đã mua giấy tờ giả của Nguyễn Hữu Hoàng và sử dụng để đăng ký vay tín chấp mở 12 thẻ tín dụng đứng tên 8 trường hợp với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Giang chỉ thông báo với khách hàng 1/2 số tiền trong các khoản tín dụng đã mở thành công, số còn lại Giang chiếm đoạt, tức khoảng gần 800 triệu đồng.

Trước đó, CA quận Đống Đa đã khởi tố bị can đối với Lê Hữu Hoàng và 9 đối tượng về các hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”. Quá trình điều tra mở rộng vụ án đã làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của 4 đối tượng nêu trên.

Đối diện án tù nghiêm khắc

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, các tội phạm về sở hữu hiện nay xuất hiện khá phổ biến, xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội kéo theo sự gia tăng của các tội phạm về sở hữu như trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản… và pháp luật quy định những hình phạt thích đáng cho những người thực hiện các hành vi nêu trên.

Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng đã thỏa mãn dấu hiệu của tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-200 triệu đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Còn nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xem xét mức hình phạt tối đa tù chung thân. Hình phạt bổ sung với người phạm tội là phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm, hành vi làm giả con dấu, giả mạo chữ ký tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi gây ra, người vi phạm bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên, ở những vụ việc làm giả con dấu, giả chữ ký như vụ án trên đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội danh quy định tại Điều 341, BLHS năm 2015 về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo đó, với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, người phạm tội có thể đối diện với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm, mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên, ngoài việc bị cơ quan chức năng phạt tiền, các đối tượng còn phải đối diện với án phạt tù nghiêm khắc của pháp luật.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khung-hinh-phat-nao-danh-cho-cac-doi-tuong-380652.html