Khu liên hợp xử lý chất thải giúp Bình Dương phát triển mà không ô nhiễm

Thăm và làm việc tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã đặt ra yêu cầu: 'Đến năm 2023, Bình Dương có 3,5 triệu dân, quy mô xử lý chất thải tăng gấp đôi hiện tại, cùng với nhiệm vụ xử lý môi trường bền vững BIWASE phải trở thành nhà xuất khẩu công nghệ ra thế giới'.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi dẫn đầu Đoàn công tác thăm và làm việc tại Chi nhánh xử lý chất thải BIWASE.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi dẫn đầu Đoàn công tác thăm và làm việc tại Chi nhánh xử lý chất thải BIWASE.

Ngày 11/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương đến thăm Chi nhánh xử lý chất thải BIWASE và làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần nước môi trường Bình Dương (BIWASE).

Từ nguồn vốn ODA, năm 2003 UBND tỉnh Bình Dương giao BIWASE làm chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với nhiệm vụ thu gom, xử lý chất thải khu vực phía Nam của tỉnh, gồm các huyện Thuận An, Dĩ An và thị xã Thủ Dầu Một đang thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Đoàn công tác thăm Tổ hợp phát điện tại Chi nhánh xử lý chất thải BIWASE.

Đoàn công tác thăm Tổ hợp phát điện tại Chi nhánh xử lý chất thải BIWASE.

Ban đầu, BIWASE mua sắm thiết bị từ nước ngoài với giá và chi phí bảo trì cao lại phải phụ thuộc vào nước ngoài vừa tốn kém vừa ảnh hưởng công việc. BIWASE đã thành lập tổ cơ khí, bước đầu là nghiên cứu chế tạo thiết bị thay thế, dần tiến lên làm chủ công nghệ, tự sản xuất dây chuyền với công suất gấp đôi, gấp 4 lần ban đầu.

Cụ thể, từ 2 nhà máy băm, ủ phân loại rác thải sinh hoạt để sản xuất phân Compost nhập khẩu từ Phần Lan công suất 420 tấn/ngày đêm, nay BIWASE đã phát triển và đưa vào vận hành thêm 2 nhà máy, tổng công suất sản xuất, tái chế lên 2.520 tấn/ngày đêm, còn kết hợp thu khí phát điện. Với hệ thống nhà máy trên, toàn bộ chất thải rắn hữu cơ trong rác thải sinh hoạt tại Bình Dương đều được tái chế 100%.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu: Các địa phương nghiên cứu, sử dụng vật liệu xây dựng tái chế tại các công trình đầu tư công nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường, phát triển kinh tề xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu: Các địa phương nghiên cứu, sử dụng vật liệu xây dựng tái chế tại các công trình đầu tư công nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường, phát triển kinh tề xanh, kinh tế tuần hoàn.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT BIWASE nói: Nước rỉ rác là chất thải rất khó xử lý, BIWASE là đơn vị duy nhất xử lý đạt loại A QCVN 25:2009/BTNMT với chất lượng ổn định. Đặc biệt, tại BIWASE còn có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt các huyện thị, thành phố trong tỉnh được đưa về nhà máy xử lý, hệ thống này hiện mới chỉ có tại Bình Dương. Nguồn nước sạch được đưa đến các nơi vốn là vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận nguồn nước… Bùn lắng từ quá trình xử lý nước thải; chất thải rắn thu hồi từ xử lý rác thải được BIWASE tái chế ra nhiều sản phẩm hữu ích như phân bón hữu cơ, gạch xây dựng, gạch lát vỉa hè, vật liệu xây dựng…

BIWASE đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình thu gom, xử lý khép kín, rác thải đã trở thành nguồn tài nguyên của đô thị.

BIWASE đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình thu gom, xử lý khép kín, rác thải đã trở thành nguồn tài nguyên của đô thị.

Nhờ tận thu, tái chế theo hướng kinh tế tuần hoàn mà BIWASE duy trì hoạt động, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới bổ sung vào ngành phân bón và nền nông nghiệp hữu cơ, có điều kiện đầu tư phát triển công nghệ với giá xử lý 400.000 đồng/tấn rác thải sinh hoạt do UBND tỉnh ban hành từ năm 2017 đến nay.

Bên cạnh đó, BIWASE cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý chất thải thứ hai tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo 400ha do Tập đoàn Cao su Việt Nam quản lý.

Công tác giải tỏa đề bù khó khăn do giá cao; điện do BIWASE sản xuất từ quá trình xử lý rác thải công suất 5MW đã có dự án nhưng việc đấu nối vào lưới quốc gia rất khó khăn. Sản phẩm tái chế, phân bón hữu cơ từ quá trình xử lý chất thải có chưa được cơ chế hỗ trợ sẽ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ảnh hưởng đến công tác vệ sinh môi trường… là những kiến nghị mà lãnh đạo Công ty BIWASE mong muốn lãnh dạo tỉnh Bình Dương sớm quan tâm tháo gỡ.

Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các sở ban ngành chuyên môn, Bí thư Tỉnh Ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định: Nếu không có Khu liên hợp xử lý chất thải thì Bình Dương hôm nay cũng giống như các địa phương khác ô nhiễm, không thu hút được đẩu tư. Lãnh đạo các sở ngành, tiếp thu kiến nghị và BIWASE cần chủ động phối hợp để được tham vấn, lựa chọn giải pháp tối ưu, đúng quy định. Riêng yêu cầu tăng giá xử lý rác thải sinh hoạt là hợp lý, các đơn vị liên quan hỗ trợ BIWASE hoàn thành hồ sơ trình HĐND thông qua tại kỳ họp tới.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tâm đắc với kết quả xử lý nước rỉ rác của BIWASE.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tâm đắc với kết quả xử lý nước rỉ rác của BIWASE.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cũng yêu cầu: “BIWASE không được thỏa mãn với thành tích đạt được mà phải biết nhìn ra bên ngoài. Đến năm 2030 Bình Dương trở thành thành phố thông minh, có 3,5 triệu dân, quy mô chất thải và xử lý môi trường tăng gấp đôi. BIWASE phải làm tốt hơn nữa việc xử lý môi trường đồng thời phải là doanh nghiệp mạnh, nhà xuất khẩu công nghệ môi trường ra thế giới”.

Duy Chí

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/khu-lien-hop-xu-ly-chat-thai-giup-binh-duong-phat-trien-ma-khong-o-nhiem-352472.html