Khi việc nhà là việc chung

Ở Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, Thượng úy QNCN Hồ Thị Hồng được đồng đội gọi với cái tên trìu mến: Nữ phóng viên 4 trong 1. Gọi như vậy là bởi chị Hồng có thể quay phim, viết bài, dựng phim và lên hình dẫn chương trình. Từ một nhân viên tuyên huấn, chưa được đào tạo chuyên sâu về nghề báo, nhưng do nhu cầu của công tác tuyên truyền, Hồ Thị Hồng đã trở thành 'phóng viên'. Gần 5 năm trên cương vị mới, chị luôn cảm ơn chồng vì anh là hậu phương vững chắc để chị yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Tổ chuyên mục Quốc phòng địa phương của Bộ CHQS tỉnh Gia Lai được thành lập năm 2019 với nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh tuyên truyền, phản ánh về kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng và các mặt hoạt động khác của LLVT tỉnh Gia Lai. Tổ chuyên mục mới đầu chỉ có 3 người, sau thời gian đi vào hoạt động thì bổ sung thêm Thượng úy QNCN Hồ Thị Hồng theo cách rất tình cờ. Vốn chỉ là muốn hỗ trợ, giúp đỡ, rồi sau đó là theo để học nghề, dần dần, chị Hồng trở thành thành viên chính của tổ chuyên mục Quốc phòng địa phương.

Tuy mới làm nghề nhưng Hồ Thị Hồng luôn muốn thử thách bản thân trong những nhiệm vụ khó và đột xuất. Chị thường xuyên nhận nhiệm vụ đưa tin, ghi hình tại các cuộc diễn tập, huấn luyện dã ngoại, những nơi xảy ra lũ lụt, thiên tai hay các điểm nóng mùa dịch. Sự lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc chị sẽ vất vả hơn rất nhiều. Chính sự không ngại khó, ngại khổ mà các bài viết về đề tài tưởng rất khó khăn ấy lại trở thành “lợi thế” khi được chị Hồng khai thác với góc nhìn khác, mềm mại, đầy sinh động của thực tiễn. Những chuyến tác nghiệp còn giúp chị hiểu thêm về cuộc sống của người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hình ảnh cô bộ đội xông xáo, không ngại khó, ngại khổ, miệt mài ghi lại những hình ảnh về cuộc sống đã để lại ấn tượng thật đẹp trong lòng bà con dân bản.

Giải bạc Liên hoan truyền hình toàn quân năm 2021; giải Nhất Liên hoan truyền hình tỉnh Gia Lai năm 2021; giải C Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức; Giải B tiểu phẩm “Mùa lũ năm ấy” tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân khu 5 năm 2023... là những phần thưởng đáng tự hào đối với Hồ Thị Hồng. Nói về những thành tích trong thực hiện nhiệm vụ, chị Hồng không quên nhắc đến hậu phương của mình, đó chính là chồng và con gái đã tạo động lực để chị cố gắng không ngừng.

Vợ chồng chị Hồ Thị Hồng cùng con gái. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chồng chị là Trung úy QNCN Nguyễn Văn Phúc, quản lý bếp ăn của Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai. Thời điểm mới quen nhau, chị Hồng không nghĩ sẽ yêu và lấy người bằng tuổi nên giữ mối quan hệ bạn bè, đồng chí. Nhưng có lần bố đẻ chị nằm viện mà chị lại bận đi công tác xa nên anh Phúc về thăm và chăm sóc ông đến khi ra viện. Sau lần ấy, anh Phúc đã chiếm trọn tình cảm của bố mẹ chị Hồng, rồi từ đó ông bà động viên để hai người đến với nhau và chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình. Giờ kể lại, chị Hồng vẫn cười dí dỏm: “Tính ra ảnh cũng thông minh là tán bố mẹ trước rồi tán em sau”.

Vì học tập ở hai nhà trường Quân đội khác nhau nên 3 năm yêu, những lần họ gặp nhau thật ít ỏi. Mọi yêu thương chỉ có thể trao gửi qua sóng điện thoại. Ra trường anh chị cưới nhau. Chị Hồng công tác tại Bảo tàng Quân khu 5, còn anh Phúc được phân công về Bộ CHQS tỉnh Gia Lai nhận nhiệm vụ. Với vợ chồng chị Hồng, dường như khoảng cách chính là động lực giúp anh chị vượt qua mọi thử thách để thêm yêu thương, đồng cảm và trân quý nhau hơn. Một năm sau, được đơn vị tạo điều kiện hợp thức hóa gia đình, chị Hồng về nhận công tác tại Bộ CHQS tỉnh Gia Lai.

Tổ ấm của anh chị càng hạnh phúc khi có thêm tiếng nói, tiếng cười của bé Nguyễn Hồ Như Ý. Nói về bí quyết giữ lửa hôn nhân gia đình, chị Hồng cho rằng, xuất phát từ việc anh chị có chung quan điểm "việc nhà là việc chung, không ai làm hộ ai mà tùy thời điểm anh hoặc chị bận thực hiện nhiệm vụ đột xuất thì người còn lại sẽ lui về làm hậu phương để chăm lo gia đình, con cái". Nói là vậy, nhưng chị Hồng vẫn luôn thấy mình may mắn khi anh Phúc là người chăm chỉ, chịu khó, không nề hà bất cứ việc gì và đặc biệt anh chăm con rất khéo. Những lúc rảnh rỗi, anh chị thường đưa con gái đi tham quan các khu du lịch của tỉnh Gia Lai để con được gần gũi với thiên nhiên, khám phá cuộc sống. Cũng từ đây tình cảm gia đình thêm gắn kết bằng những kỷ niệm đẹp.

THIÊN MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khi-viec-nha-la-viec-chung-761069