KH-CN là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn, đồng thời cũng là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu

Sáng 15-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam 18-5, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH-CN.

Đa dạng hóa các nguồn lực

Báo cáo của Bộ KH-CN trong 65 năm phát triển cùng đất nước, các thành tựu về KH-CN và đổi mới, sáng tạo đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

KH-CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng lên trên 40% vào năm 2019. Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới với tỉ lệ nội địa hóa cao; làm chủ nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh như phẫu thuật nội soi, X-quang can thiệp, ghép tạng, một số kỹ thuật ghép tạng đạt trình độ ngang tầm thế giới…

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã phát triển mạnh mẽ ở các địa phương trên toàn quốc. Năm 2023, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD; 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho PGS-TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho PGS-TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh. Ảnh: NHẬT BẮC

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH-CN và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành KH- CN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, rất đáng trân trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thủ tướng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển mạnh mẽ KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế" và "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng KH-CN, đổi mới sáng tạo".

"Có thể nói, KH-CN và đổi mới sáng tạo chính là một yếu tố nền tảng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - 2 trong các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay. KH-CN và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu. Phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về nguồn lực" - Thủ tướng nhấn mạnh.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì KH-CN của các thế hệ đi trước tiếp tục được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ, tạo động lực, truyền cảm hứng trong thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ nhà khoa học hôm nay và tương lai, trong đó có các nhà khoa học nữ. "Cho dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì, chúng ta tin rằng, những chủ nhân tương lai của đất nước, với tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong trái tim, với sự thông minh, can đảm, ý chí tự lực, tự cường, sự quyết tâm cao độ và nỗ lực vươn lên, cũng sẽ có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển KH-CN của đất nước" - Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng gợi mở 6 nhiệm vụ trong thời gian tới. Đó là cần xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển KH-CN bao trùm, toàn diện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn; tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KH- CN và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực KH-CN, khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp tham gia; tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực KH-CN; có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng.

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho hay Bộ KH-CN đang tập trung rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo. Bộ cũng đang tập trung sửa đổi toàn diện Luật KH-CN năm 2013 nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Hai nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu

Trong khuôn khổ lễ chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam 18-5, Thủ tướng dự lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024.

Năm nay, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho PGS-TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh. PGS-TS Trần Mạnh Trí đang công tác tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được trao giải thưởng qua cụm ba công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gien. Cụm công trình này góp phần giải ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.

TS Nguyễn Thị Kim Thanh công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam được trao giải thưởng qua 1 công trình được công bố trên tạp chí Physical Review Letters, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành vật lý. Công trình thể hiện 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử.

YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kh-cn-la-con-duong-ngan-nhat-de-dat-muc-tieu-196240515215836397.htm