Hội thi 'Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy': Khống chế đám cháy ở 'thời điểm vàng'

Ngày 21 và 22/5, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) 'Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy'.

Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thi; Thiếu tướng Nguyễn Đình Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và CNCH (Bộ Công an) dự và chỉ đạo. Cùng dự có lãnh đạo Công an tỉnh; các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn...

Thiếu tướng Nguyễn Đình Hoàn tặng hoa chúc mừng Hội thi.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Hoàn tặng hoa chúc mừng Hội thi.

Toàn dân tham gia PCCC

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, nhằm chủ động trong công tác phòng, chống sự cố cháy, nổ ngay từ cơ sở, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động của 760 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 460 “Điểm chữa cháy công cộng”. Việc thành lập và duy trì “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại các khu dân cư nhằm sẵn sàng về phương tiện, nhanh chóng huy động lực lượng, nhất là người dân tại cơ sở tham gia chữa cháy trong “thời điểm vàng”, kịp thời CNCH khi có cháy nổ xảy ra tại các hộ gia đình với phương châm: “Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân”. Qua đó góp phần bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra”.

"Tổ liên gia an toàn PCCC" là tổ chức tự quản thực hiện phong trào toàn dân PCCC. Mỗi tổ tập hợp nhiều hộ dân sống gần nhau, có nhiệm vụ giúp đỡ, vận động mọi người trong tổ thực hiện đầy đủ điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, tự trang bị bình chữa cháy tại gia đình; trang bị các phương tiện (chuông báo cháy, kẻng báo cháy...) để thông báo tới các thành viên khi có cháy xảy ra tại hộ; tham gia hỗ trợ chữa cháy, cứu người, cứu tài sản. Thời gian qua, các tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả nhiều vụ cháy.

 Đồng chí Lê Ánh Dương tặng hoa động viên các đội thi.

Đồng chí Lê Ánh Dương tặng hoa động viên các đội thi.

Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và CNCH “Tổ liên gia an toàn PCCC” được tổ chức từ cấp huyện với tổng số 168 đội thi và 1.344 vận động viên (VĐV) tham gia. Qua đó lựa chọn 10 đội (mỗi đội 8 VĐV) xuất sắc nhất đại diện cho 10 huyện, thị xã, TP tham gia hội thi cấp tỉnh.

Đó là các đội: Thị trấn Nham Biền (Yên Dũng), thị trấn Kép (Lạng Giang), xã Cẩm Lý (Lục Nam), xã Châu Minh (Hiệp Hòa), xã Mỹ An (Lục Ngạn), xã Tân Hiệp (Yên Thế), xã Cao Xá (Tân Yên), thị trấn An Châu (Sơn Động), phường Nếnh (thị xã Việt Yên), xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

Hội thi nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho các thành viên trong các hộ thuộc “Tổ liên gia an toàn PCCC”; đưa hoạt động của các tổ đi vào thực chất, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH.

 10 đội tham gia Hội thi.

10 đội tham gia Hội thi.

Nắm chắc lý thuyết

Phần thi lý thuyết diễn ra sôi nổi vào chiều 21/5 với nội dung hỏi-đáp về kiến thức PCCC và CNCH. Một thành viên đội Yên Dũng cho biết: Nếu không thuộc lý thuyết, không nắm chắc kỹ năng, không hiểu cơ chế của đám cháy thì khi xảy ra cháy sẽ lúng túng, rất dễ “làm mồi cho lửa”.

30 câu trong bộ ngân hàng câu hỏi đều là những nội dung, kiến thức cơ bản về PCCC và CNCH gắn với thực tiễn cuộc sống hằng ngày quanh ta. Có thể kể đến các câu hỏi như: Các biện pháp phòng cháy khi sử dụng bếp gas; cách xử lý an toàn khi rò rỉ khí gas; biện pháp phòng cháy khi sử dụng thiết bị điện; một số trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy cần thiết trang bị trong gia đình. Các câu hỏi về giải pháp và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy; quy trình tổ chức chữa cháy; những việc không được làm khi chảo dầu, mỡ cháy bị bắt lửa; những hành động gây nguy hiểm cháy, nổ khi thờ cúng…

Bằng hình thức bốc thăm, mỗi đội có 15 giây chuẩn bị và 60 giây trả lời. Với câu hỏi: “Hãy nêu cách kiểm tra lượng khí trong bình khí chữa cháy”, thí sinh Nguyễn Thị Duyên, đội huyện Lục Nam bình tĩnh trả lời: “Cách để kiểm tra lượng khí CO2 có trong bình là kiểm tra trọng lượng bình chữa cháy. Nếu trọng lượng giảm đi nhiều là đồng nghĩa với việc khí CO2 trong bình đã ít đi và cần có phương án nạp lại bình chữa cháy. Thường thì bình chữa cháy khí CO2 phải được kiểm tra định kỳ tối đa 30 ngày một lần. 12 tháng 1 lần đối với bình mới. 6 tháng 1 lần đối với bình đã qua nạp lại. Mỗi gia đình cần kiểm tra vỏ bình, phát hiện kịp thời các dấu hiệu hư hỏng, ăn mòn, rò rỉ, nạp lại bình nhằm bảo đảm dụng cụ này luôn trong tình trạng tốt nhất để dập tắt các đám cháy”.

 Đội thi huyện Lục Nam giành giải Nhất phần lý thuyết.

Đội thi huyện Lục Nam giành giải Nhất phần lý thuyết.

Đội huyện Yên Dũng nhận câu hỏi: "Những yếu tố nào đe dọa đến tính mạng con người trong đám cháy?". Thí sinh của đội đã bình tĩnh trả lời: "Đó là khói, khí độc, lửa, nhiệt độ cao, sụp đổ cấu kiện xây dựng, tâm lý hoảng loạn".

Đội thị xã Việt Yên bốc thăm câu hỏi: "Cách kiểm tra áp lực khí đẩy trong bình bột chữa cháy". Đội đã đưa ra câu trả lời là: “Để kiểm tra áp lực khí đẩy trong bình bột chữa cháy cần kiểm tra đồng hồ đo áp suất trên bình. Trên đồng hồ có 3 vạch màu. Màu xanh: Áp lực khí nén đủ để đẩy bột ra ngoài. Màu vàng: Áp lực khí nén trong bình vượt quá mức cho phép. Màu đỏ: Áp lực khí nén không đủ. Nếu kim đồng hồ chỉ vạch đỏ thì cần phải nạp sạc lại khí đẩy”.

Kết quả phần thi lý thuyết, đội huyện Lục Nam giành giải Nhất; đội huyện Yên Dũng giành giải Nhì; đội thị xã Việt Yên giành giải Ba.

Nhanh gọn, phối hợp nhịp nhàng

Ở phần thi thực hành, các đội thực hiện chữa cháy, cứu người và di chuyển tài sản tại loại hình nhà ở liền kề, bao gồm các nội dung như: Tổ chức chữa cháy, kỹ năng cứu người và di chuyển tài sản, kỹ năng tổ chức thoát hiểm trong đám cháy...

Đây là phần thi có tính chất phối hợp làm việc theo nhóm, vì vậy, ngoài yêu cầu sức khỏe tốt, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị, phương tiện thành thạo, các VĐV còn phải nắm chắc các kỹ thuật, chiến thuật để bảo đảm an toàn cho mình và nhanh chóng đưa người bị nạn ra ngoài. Giữa các VĐV trong đội phải có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ.

 Phần thi dập lửa, cứu người, tài sản trong đám cháy của đội thi huyện Lục Ngạn.

Phần thi dập lửa, cứu người, tài sản trong đám cháy của đội thi huyện Lục Ngạn.

Ngay sau khi trọng tài phát lệnh xuất phát có cháy, VĐV số 1 nhanh chóng ấn nút báo cháy (chuông kêu, đèn sáng), sau đó chạy đến "Ô để phương tiện" đeo mặt nạ chống độc, xách kìm cộng lực chạy đến "Nhà cháy" (mô hình), dùng kìm phá khóa, vào trong căn nhà đang cháy dập lửa để tiếp cận "Người bị nạn số 1" cõng ra ngoài, phối hợp với VĐV số 4 đưa nạn nhân đến nơi an toàn. Sau đó quay lại tiếp cận "Ô đặt kiện tài sản" mang kiện tài sản chạy về, đặt vào "Ô tập kết tài sản". Tiếp đến VĐV số 2 cũng làm các bước tương tự cho đến khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn, người và phương tiện được cứu.

 Phần thi cứu người khỏi đám cháy.

Phần thi cứu người khỏi đám cháy.

Thực hiện nhuần nhuyễn các nội dung thực hành, đội thi huyện Lục Nam giành giải Nhất. Anh Phạm Đình Hưng, đội trưởng kể: “Xã Cẩm Lý từng xảy ra một số vụ cháy rừng do người dân sơ suất khi đốt cỏ. Chúng tôi là những người thuộc tổ liên gia thôn Lịch Sơn luôn trong tình trạng sẵn sàng, nhất là vào mùa khô, kịp thời có mặt để dập tắt các đám cháy rừng, không để cháy lan, không có thiệt hại lớn. Kinh nghiệm từ thực tế này đã giúp đội chúng tôi (đại diện cho huyện Lục Nam) có kiến thức, kỹ năng, bình tĩnh, tự tin để xử lý đám cháy, giành kết quả cao trong cuộc thi cấp tỉnh hôm nay. Những kiến thức này chúng tôi tiếp tục vận dụng vào thực tế PCCC ở địa bàn dân cư”.

 Ban tổ chức trao giải cho 10 đội tham dự.

Ban tổ chức trao giải cho 10 đội tham dự.

Kết quả chung cuộc, đội thi huyện Lục Nam giành giải Nhất; đội thị xã Việt Yên và huyện Yên Dũng giành giải Nhì; đội huyện Lạng Giang, huyện Lục Ngạn và huyện Tân Yên giành giải Ba; các đội còn lại đoạt giải Khuyến khích.

Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: Trong khoảng 3 đến 5 phút đầu đám cháy phát sinh là “thời gian vàng”, có ý nghĩa quyết định về khả năng phát triển của đám cháy cũng như mức độ thiệt hại do cháy gây ra. Việc thành lập tổ liên gia an toàn PCCC rất có ý nghĩa, bởi khi có đám cháy xảy ra thì người dân phát hiện ban đầu ở cơ sở sẽ chủ động dập tắt, ngăn ngừa các sự cố cháy lớn. Qua hội thi nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ chữa cháy ở cơ sở, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hoi-thi-to-lien-gia-an-toan-phong-chay-chua-chay-khong-che-dam-chay-o-thoi-diem-vang-135359.bbg