Hoàn tất kiểm định, số phận cầu Long Biên ra sao?
Đơn vị tư vấn cho biết, đã hoàn tất việc kiểm định cầu Long Biên. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ đề xuất sửa chữa một số hạng mục, gia cố kết cấu công trình mà không đưa ra phương án sửa chữa, nâng cấp tổng thể.
Chưa sửa chữa, nâng cấp tổng thể
Liên danh Công ty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú - Công ty TNHH Giao thông vận tải vừa hoàn tất việc kiểm định tổng thể cầu Long Biên. Khoảng 5 - 10 năm, cầu Long Biên phải được kiểm định lại, lần gần nhất là năm 2012.
Sau khi hoàn tất kiểm định, tư vấn phát hiện và đề xuất hàng loạt hạng mục cần sửa chữa, gia cố để đảm bảo trạng thái an toàn cho cây cầu 120 tuổi này.
Hiện cầu Long Biên hiện vẫn là cây cầu huyết mạch ngắn nhất kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn với đường sắt quốc gia đi xuyên tâm nội đô Hà Nội.
Pháp viện trợ nghiên cứu dự án tôn tạo
Tại cuộc làm việc gần đây nhất với Bộ GTVT, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, Pháp đã có quyết định viện trợ không hoàn lại 700.000 euro để một doanh nghiệp Pháp tiến hành khảo sát, nghiên cứu dự án tôn tạo cầu Long Biên.
Ông Võ Thanh Hiền, Trưởng phòng Quản lý xây dựng và kết cấu hạ tầng Cục Đường sắt VN thông tin, theo đánh giá của tư vấn, hiện kết cấu nhịp cầu vẫn đảm bảo khai thác đường sắt với tốc độ tối đa 15km/h. Tuy nhiên, trên cầu vẫn tồn tại một số vị trí không đảm bảo điều kiện hoạt động ổn định, gây rung lắc khi tàu chạy qua cầu.
Để đảm bảo duy trì trạng thái khai thác, tư vấn đề xuất cần tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên và đề xuất các phương án sửa chữa, gia cố kết cấu nhằm hạn chế phát triển các hư hỏng gây xuống cấp cầu.
Theo đó, tư vấn đề nghị gia cố, thay mới hệ liên kết dọc dưới của nhịp dầm, đáy dầm ngang; đưa các các hạng mục sửa chữa, gia cố kết cấu cầu vào kế hoạch sửa chữa lớn hoặc dự án cải tạo công trình cầu; sửa chữa kết cấu đỡ làn xe thô sơ và bộ hành hai bên cầu...
Tư vấn kiến nghị giữ nguyên tốc độ khai thác hiện nay của tàu qua cầu. Trước mắt chỉ sử dụng đầu máy nặng nhất là D19E, không sử dụng đầu máy Mikado cho đến khi công trình được sửa chữa.
Tuy nhiên, tìm hiểu của PV, đơn vị tư vấn vẫn không đưa ra phương án sửa chữa, nâng cấp tổng thể.
Về vấn đề này, ông Hiền cho biết, mục tiêu đặt ra hiện tại chỉ là duy trì trạng thái an toàn, duy trì tốc độ để khai thác nên khi tư vấn kiểm định và kiến nghị sửa chữa cũng trên cơ sở mục tiêu này.
Theo ông Hiền, hiện phía Pháp đã đề xuất nghiên cứu khôi phục nguyên trạng cầu Long Biên. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Đó là chưa nói đến việc tương lai của cầu Long Biên thế nào còn phụ thuộc vào việc triển khai tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi.
"Dự án khôi phục cầu Long Biên - giai đoạn 1 đã được hoàn thành năm 2016, mục tiêu đảm bảo an toàn đến năm 2025.
Do vậy, các kiến nghị sửa chữa của tư vấn sẽ chủ yếu được thực hiện sau 2025, duy trì an toàn cầu đến 2035. Đây cũng là mốc thời gian Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị", ông Hiền cho biết.
Vốn bảo trì chỉ đáp ứng 50% nhu cầu
Ghi nhận của PV, trên cầu Long Biên hiện nay, hằng ngày ngoài lực lượng tuần gác còn có tốp nhỏ công nhân duy tu làm việc.
Lãnh đạo đội quản lý cầu cho biết, hiện đơn vị chưa được giao kế hoạch sửa chữa cầu năm 2024 nên chủ yếu thực hiện duy tu đường sắt. Phần đường bộ thì trám các ổ gà, khắc phục hư hỏng nhỏ phát sinh.
Trong năm 2023, đơn vị đã thực hiện kế hoạch bảo trì thường xuyên, tập trung thay tà vẹt gỗ, sơn bảo vệ kết cấu thép...
Đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho hay, sau các vụ sập tấm đan đường bộ trên cầu vào đầu năm 2022, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn.
Bộ GTVT đặt hàng Tổng công ty Đường sắt VN giao các đơn vị thực hiện công tác bảo trì với khối lượng nhiều hơn, kinh phí tăng hơn trước.
Nếu từ năm 2021 trở về trước, kinh phí bảo trì dành cho cầu Long Biên khoảng 8 tỷ đồng/năm thì năm 2022 con số này là hơn 9,87 tỷ đồng, năm 2023 hơn 10,79 tỷ đồng.
Tuy vậy, số kinh phí này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo định mức kinh tế - kỹ thuật tính đúng, tính đủ, chỉ bằng khoảng 40 - 50%.
Số kinh phí này không chỉ dành toàn bộ cho vật tư, vật liệu mà bao gồm cả nhân công duy tu và tuần gác theo đơn giá được phê duyệt.
Như năm 2022, chi phí nhân công nói chung hơn 4,5 tỷ đồng, trong khi chi phí vật liệu chỉ gần 1,8 tỷ đồng; năm 2023, chi phí dành cho vật liệu cao hơn, được gần 2,8 tỷ đồng, còn chi phí nhân công hơn 4,3 tỷ đồng.
Ông Phạm Minh Khôi, Trưởng ban Quản lý kết cấu hạ tầng, Tổng công ty Đường sắt VN cho hay, cầu Long Biên đã quá cũ nhưng vẫn áp dụng định mức chung nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đơn vị đang xây dựng lại định mức mới, Cục Đường sắt VN đang trình Bộ GTVT phê duyệt. Nếu được phê duyệt, vốn đầu tư cho cầu cũng sẽ được tăng lên đáng kể.
Đối với phần đường bộ hai bên cầu, tổng công ty đã lập dự án sửa chữa định kỳ, trình Cục Đường sắt VN duyệt, tổng kinh phí dự kiến khoảng trên 70 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Hạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT cho biết, đơn vị này đã lập dự án đầu tư khôi phục cầu Long Biên thành một điểm đến văn hóa, lịch sử. Hình thức đầu tư là đối tác công - tư (PPP); nhà đầu tư tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Lộ trình đầu tư dự án sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, khôi phục, dựng lại toàn bộ cầu như ngày xưa, đáp ứng vai trò là cầu đường sắt. Tại khu vực bãi giữa sẽ mở rộng hai cánh gà trên cầu, thiết kế thành hai vọng lâu để làm chỗ nghỉ chân, có kinh doanh dịch vụ cà phê, ẩm thực.
Giai đoạn 2, khi cầu đường sắt mới qua sông Hồng của tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội hoàn thành, đưa vào sử dụng, cầu Long Biên không phải đảm nhận vai trò phục vụ đường sắt nữa. Lúc đó sẽ tiến hành nâng cầu cao thêm 1,2m để đảm bảo thông thuyền cho tàu thuyền qua lại trên sông Hồng. Toàn bộ diện tích trong lòng cầu đều có thể khai thác trở thành bảo tàng, triển lãm.