Hòa ca cùng sức sống Trường Sa

Trở về sau những ngày lênh đênh trên biển tới thăm quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) chưa được bao lâu, nỗi nhớ nôn nao lại ùa về trong tôi. Vẫn vẹn nguyên cảm xúc về những buổi được làm thành viên của Đoàn Văn công Quân khu 3 giao lưu cùng lính đảo dưới những hàng dừa, trong những căn phòng hẹp ở các đảo 'chìm' hay trên sân giữa biển trời màu ngát xanh.

Những sân khấu đặc biệt

Những hành trình dài trên biển thường ít nữ, bởi vậy sự xuất hiện của những cô gái Đoàn Văn công Quân khu 3 khiến con tàu KN-491 đưa đoàn công tác số 2 năm 2024 đến Trường Sa vui tươi, phấn khởi hơn. Từ đảo Đá Nam đến Sơn Ca, Nam Yết, Đá Lớn, Cô Lin… nơi các nghệ sĩ đặt chân đến luôn nhận được những tình cảm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Những khúc hát quê hương, biển đảo được cả “khách” và “chủ nhà” say sưa hát, tạo nên những bản hòa ca ngọt ngào mà không kém phần sôi nổi như tình yêu, sức sống của Trường Sa.

Những bản hòa ca dưới bóng cây dừa, bên cột mốc chủ quyền đảo Phan Vinh.

Chuyến đi lần này của Đoàn văn công Quân khu 3 chỉ vỏn vẹn 12 người, từ cán bộ phụ trách đoàn đến các ca sĩ, diễn viên múa, nhạc công, người phụ trách âm thanh, trong thâm tâm không ai bảo ai, phục vụ hết mình, hát hết mình trong tất cả các buổi biểu diễn. Có những ca sĩ vừa uống thuốc, vừa nằm li bì vì cảm sốt nhưng khi tàu vừa thả neo, họ đã hoạt bát trở lại và sẵn sàng “cháy” hết mình.

Tình cảm đó, tiếng hát, điệu nhảy đó dù ở đảo Trường Sa Đông, dưới bóng dừa Phan Vinh, nhà đa năng ở Tốc Tan A, Đá Lát… lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết. Các chàng trai, cô gái đoàn văn công không còn là biểu diễn mà là hát cho đồng đội nghe. Họ hát khắp mọi nơi, hát trên sân khấu, hát bên bờ kè, hát cho nhiều người nghe, hát cho một người nghe, hát có nhạc cũng như không có nhạc, tiếng hát hòa cùng tiếng gió, tiếng sóng. Lời ca tiếng hát đã nối liền biển đảo với đất liền yêu thương. Những giai điệu mượt mà, sâu lắng hòa với lòng tự hào dân tộc, như lời của tình yêu Tổ quốc.

Khi đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, thăm đảo và về tàu, đó là lúc đoàn văn công triển khai nhiệm vụ, mang lời ca tiếng hát động viên, tiếp thêm tinh thần cho các chiến sĩ và người dân ở đảo. Khẩn trương triển khai sân khấu ngay dưới bóng cây mù u cổ thụ ở đảo Nam Yết, hôm nay là buổi duy nhất họ được ở lại đảo đến 8 giờ tối. Với khoảng thời gian hạn hẹp, mọi công tác chuẩn bị phải hoàn tất trước giờ bộ đội ăn cơm chiều, bởi vậy cả đoàn đành tạm nhịn đói. Ấy vậy mà ai cũng càng hát càng say sưa.

Những buổi biểu diễn thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội.

Không sân khấu được trang trí hoành tráng, không âm thanh sang trọng, lính đảo Tốc Tan A chỉ có cây đàn guitar và bài hát “Đồng đội” làm quà tặng cho đoàn. Trong không gian gần gũi, sôi nổi mà ấm áp bên chân sóng, những tiếng hát hòa trong tiếng gió, như thủ thỉ, kể cho nhau những câu chuyện.

Trung úy Nguyễn Trung Kiên, từng là Bí thư Chi đoàn Khoa Chấn thương chỉnh hình, Viện Y học Hải quân cho biết, khi nhận nhiệm vụ ở đảo Tốc Tan A, Kiên đã thuyết phục đồng đội mình tập luyện thêm những bài hát như món quà đặc biệt tặng khách đến thăm đảo.

Lúc chia tay ai nấy cũng bịn rịn, trao nhau những số điện thoại, những cái ôm nồng ấm, những bức hình lưu niệm. Lính đảo mạnh dạn tặng những bông hoa ốc cho người mình yêu thích và bồi hồi tiễn ra tận cầu tàu trong ánh hoàng hôn hồng tím loang trên sóng nước mênh mông.

Họ đều mang trong mình một tình yêu Tổ quốc.

Giai điệu quê hương

Hành trình đem tiếng hát ra với chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các điểm đảo nằm trong quần đảo Trường Sa luôn là kí ức tuyệt trong cuộc đời mỗi người. Khi Thiếu úy QNCN Nguyễn Minh Ngọc cất tiếng hát “Việt Nam trong tôi là”, những lời ca như sợi dây liên kết tất cả các chiến sĩ, họ cùng hát vang với cảm xúc lâng lâng tự hào "Máu đỏ da vàng tôi là người Việt Nam/Biển trời hôm naу sum vầy Trung Bắc Nam... Triệu trái tim nàу cùng hát chung câu Việt Nam/Tự hào lắm tôi là người Việt Nam”. Sự đồng âm đó như một liều thuốc tăng lực để Minh Ngọc “bùng nổ” hơn qua từng tiết mục. Trong khi đó, Trung úy QNCN Phạm Duy Đức lại “sung” đến mức hát khàn cả giọng, mất cả tiếng.

Trung úy QNCN Ma Thị Mai hát tặng các chiến sĩ đảo Cô Lin bài hát của đồng bào dân tộc Tày.

Tranh thủ thời gian trước lúc chia tay các chiến sĩ, ngay trên nền sân xi măng gần cầu tàu đảo Cô Lin, cô gái dân tộc Tày, Trung úy QNCN Ma Thị Mai tự hào mang tiếng hát quê hương tặng các chiến sĩ đảo xa. Bài hát ngọt ngào, trong trẻo về buổi hẹn hò giữa chàng trai và cô gái Tày, sau bao chờ đợi, nhớ nhung, họ mong có một ngày sẽ cùng nhau nắm tay đi du xuân.

Bất ngờ trước lời ca bằng tiếng Tày, Trung sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, quê Khánh Hòa cho biết: “Lần đầu tiên em được nghe tiếng của dân tộc Tày. Nghe Mai giải thích, em mới hiểu nội dung nhưng trước đó đã bị cuốn hút bởi giai điệu rất ấm áp, nhẹ nhàng. Em mong muốn được nghe thêm những giai điệu quê hương như vậy”.

Mai tâm sự: “Em ấp ủ một lần được mang tiếng hát dân tộc mình đến với Trường Sa. Đó là những gửi gắm từ quê hương, dù ở đâu, người đồng bào luôn hướng về Trường Sa thân yêu. Chúng ta đều là anh em một nhà”.

Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng đi đến nơi đâu Tổ quốc cần.

Chia sẻ thêm về Mai, Đại tá Hoàng Đức Hậu, Chính trị viên Đoàn văn công Quân khu 3 cho biết: “Đồng chí Mai có con nhỏ hơn 1 tuổi, gia đình còn nhiều vất vả nhưng vẫn luôn khắc phục, tham gia công tác. Giọng hát da diết, duyên dáng và sâu lắng của Mai như một nốt nhạc mới, góp phần mang tình cảm đoàn kết các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam”.

Những con sóng bạc đầu chênh chao rồi tan chảy trong ngày biển động. Đoàn công tác không thể lên thăm Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần. Những lời ca, tiếng hát qua bộ đàm như nghẹn lại, bao yêu thương được trao gửi. Con tàu KN-491 tuy hiện đại nhưng nhỏ bé trước đại dương mênh mông cứ dập dềnh, lắc lư. Dù đã ngấm những cơn say sóng, những ca sĩ trẻ lần đầu đi biển càng say hơn, vậy mà vẫn cố bám vào thành tàu, để kéo khoảng cách giữa anh em chiến sĩ nhà giàn với tàu thêm gần.

Những lời yêu thương được trao gửi tới các chiến sĩ nhà giàn.

Để các cô gái văn công có sức khỏe tốt tham gia đoàn công tác lần này, Đại tá Hoàng Đức Hậu cho biết: Mỗi cán bộ, diễn viên, nhân viên được đi công tác lần này đều được tuyển chọn kỹ. Họ là những diễn viên có sức khỏe, trình độ chuyên môn tốt, có nhiệt huyết, trách nhiệm cao, tinh thần sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ. Trong điều kiện hạn hẹp về thời gian, người và cơ sở vật chất mang đi biểu diễn, những ca sĩ được chọn là người có thể hát được các thể loại dân ca, nhạc trẻ, nhạc truyền thống. Bên cạnh những lực lượng nòng cốt như Mai, Đức, còn có giọng hát tốt như ca sĩ Minh Ngọc, diễn viên múa Trang Trịnh là một trong những cánh chim đầu đàn số 1 của đoàn văn công.

Một lần đi một lần nhớ, chào tạm biệt những người lính đảo Trường Sa. Tiếng hát lời ca của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu 3 mãi còn âm vang, là nhịp cầu nối liền biển đảo với mảnh đất quê hương, nơi ấy là tổ ấm thân thương, các anh hãy giữ chắc tay súng cho biển đảo Tổ quốc mình mãi mãi được bình yên.

Bài, ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/hoa-ca-cung-suc-song-truong-sa-776454