Gìn giữ, phát huy giá trị các di tích tưởng niệm Bác Hồ

Sinh thời, Hải Dương đã vinh dự được Bác Hồ 5 lần về thăm, động viên cán bộ và nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất.

Khắc ghi tình cảm của Người, nhiều công trình, khu di tích, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng. Những năm qua, các địa phương đã quan tâm đầu tư tôn tạo, làm đẹp cảnh quan của các công trình và phát huy giá trị các khu di tích, biến những nơi ghi dấu chân Người trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng các sở, ngành, đoàn thể dâng hương kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Vũ Thượng, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng các sở, ngành, đoàn thể dâng hương kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Vũ Thượng, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Nâng cấp, chỉnh trang

Những ngày tháng 5, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Vũ Thượng, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương như được thay áo mới. Cảnh quan được chỉnh trang, khuôn viên thêm cây xanh. Cùng với đó, hệ thống tài liệu, hiện vật về kỷ niệm Bác Hồ với Hải Dương được sưu tầm, bổ sung, sắp xếp lại. Khi nhân dân địa phương về đây tề tựu dâng hương kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác, ai nấy đều mừng vui.

Ngày 31/5/1957, phường Ái Quốc vinh dự được đón Bác về thăm. Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng từ những năm 1990 của thế kỷ XX, với khuôn viên 1.000m2 ở đầu thôn Vũ Thượng. Trải qua hơn 20 năm sử dụng, di tích đã xuống cấp. Mới đây, thành phố Hải Dương đã dành 1,1 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp nhà tưởng niệm. Theo đó, công trình được trát lại các vị trí bong tróc, thay ngói đã nứt vỡ, sơn lại, thay mới hệ thống điện và bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng bên ngoài, thay mới gạch lát, ốp lát mới bục tượng Bác…

Giờ đây, không gian kiến trúc của công trình đã khang trang, là một điểm nhấn của khu vực, tạo thuận lợi cho việc thăm viếng của nhân dân và du khách, tỏ lòng tri ân công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Sau khi công trình được đưa vào sử dụng, UBND thành phố Hải Dương giao phường Ái Quốc quản lý vận hành, cử các đoàn thể chăm sóc hệ thống cây xanh để đảm bảo khuôn viên luôn trang nghiêm, sạch đẹp.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Chính, huyện Nam Sách. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Chính, huyện Nam Sách. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Ở Hải Dương còn có 3 di tích tưởng niệm, lưu niệm Bác Hồ. Đó là: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Chính, huyện Nam Sách; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang và Khu di tích tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang.

Theo ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, Khu di tích tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hiệp Lực là công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn, gắn với sự kiện Bác Hồ đã về địa phương động viên phong trào chống úng, sản xuất của địa phương. Tại đây, Bác đã cùng bà con nông dân đạp guồng nước chống úng tại cánh đồng Sao, xã Hiệp Lực ngày 26/7/1962. Trong không khí lao động hăng say của bà con nông dân, Bác đã lẩy hai câu Kiều, căn dặn mọi người phải tích cực chống úng thắng lợi: “Trăm năm trong cõi người ta/Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”.

Để ghi nhớ sự kiện này, ngày 10/6/1971, công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng và đến năm 1972 hoàn thành. Tượng đài Bác đang đứng cầm mũ, vẫy chào cán bộ, nhân dân Hiệp Lực. Bức phù điêu mô tả quang cảnh nhân dân tích cực chống úng. Bao năm nay, công trình tượng đài Bác đã trở thành hình ảnh quý báu về vị lãnh tụ kính yêu luôn dành tình cảm cho người dân Việt Nam, người dân Hải Dương nói chung và xã Hiệp Lực nói riêng.

Năm 2017, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân trong huyện, được sự quan tâm của tỉnh, UBND huyện Ninh Giang đầu tư 23 tỷ đồng để nâng cấp cải tạo khu tượng đài Bác Hồ trên tổng diện tích 22.725m2 gồm khu tượng đài Bác, phù điêu, nhà đón tiếp khách, sân vườn, vỉa hè, tường rào. Công trình khu vực trung tâm được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tượng Bác cao 5,3m và bệ tượng cao 3,3m và cơ bản giữ nguyên mẫu như trước. Bức phù điêu mới được làm bằng gốm sứ Mới đây, đã khắc phục những xuống cấp nhỏ, huyện tiếp tục đã dành kinh phí để sửa chữa và đã hoàn thành đầu năm 2024. Hiện nay vẫn còn một hạng mục khu vui chơi trẻ em trong khuôn viên tượng đài đang chờ kêu gọi nguồn lực để xây dựng.

Lan tỏa giá trị, ý nghĩa lịch sử

Tại huyện Nam Sách, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng năm 2010 trên diện tích 8.285m2 ở xã Nam Chính. Công trình gắn với kỷ niệm lần Bác Hồ về thăm xã Nam Chính vào ngày 15/2/1965 và đã động viên, biểu dương phong trào vệ sinh yêu nước của người dân Nam Chính.

Khu tưởng niệm được chăm chút nên những ngày tháng 5 về đây ai cũng cảm nhận được sự dịu mát từ khuôn viên đầy sức sống bởi màu xanh của các loại cây ăn quả và các loài hoa. Hệ thống các tư liệu được trưng bày trong nhà tưởng niệm là những hình ảnh về Bác và các thành quả của địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện lời căn dặn của Người năm xưa.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Chính, huyện Nam Sách. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Chính, huyện Nam Sách. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Để khẳng định và lan tỏa các giá trị của công trình, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách đã chỉ đạo sưu tầm, biên soạn tài liệu và số hóa qua mã QR code gắn tại di tích. Đại diện lãnh đạo huyện cho biết, việc hệ thống đầy đủ và chính xác tư liệu giúp cho việc giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của đảng viên và nhân dân. Giờ đây, đến với Khu tưởng niệm, với chiếc điện thoại thông minh ( smart phone) , người dân và du khách có thể dễ dàng biết được đầy đủ thông tin, tư liệu liên quan để hiểu thêm về giá trị của di tích này.

Còn đối với huyện Ninh Giang, Khu di tích tượng đài Bác Hồ là niềm tự hào của nhân dân trong huyện và là điểm nhấn trong định hướng phát triển du lịch của địa phương. Huyện thường xuyên tổ chức các buổi lễ báo công với Bác, động viên tân binh trước khi nhập ngũ hàng năm, dâng hương Bác vào các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước như ngày sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh… và trước mỗi sự kiện quan trọng của địa phương. Hàng năm, các trường học trên địa bàn huyện đều tổ chức cho học sinh tham quan, dâng hương vào dịp khai giảng và tổng kết năm học.

Bên cạnh đó, nơi đây cũng nhiều lần được vinh dự đón lãnh đạo Trung ương về thăm và được các Bộ, ngành chọn tổ chức những hoạt động ý nghĩa gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn di tích này là nơi tổ chức kết nạp 57 đảng viên mới.

Ông Lê Lương Hường, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết: “Địa phương đang phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Khu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là di tích cấp Quốc gia”.

Có thể nói, hệ thống khu di tích, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là những công trình có ý nghĩa văn hóa lịch sử đặc biệt, hợp ý Đảng, lòng dân, thể hiện lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hải Dương với Bác. Để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các công trình này, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh những hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, các địa phương có thể xem xét kết nối cùng ngành văn hóa, du lịch để gắn hệ thống di tích này các tour, tuyến du lịch của Hải Dương.

Mạnh Minh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/gin-giu-phat-huy-gia-tri-cac-di-tich-tuong-niem-bac-ho-20240519132504414.htm