Giải pháp để đối phó với tình trạng cây trồng thiếu nước tưới trong mùa khô

Đã từ lâu, khi bước vào những tháng mùa khô, tình trạng thiếu nước dùng cho tưới tiêu, sinh hoạt, chăn nuôi ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ xảy ra thường xuyên. Việc thiếu nước sinh hoạt, chăn nuôi thì người dân có thể khắc phục được, nhưng với những người nông dân trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, rau màu..., thì thiếu nước để tưới tiêu cũng đồng nghĩa với cảnh năng suất giảm, mùa màng thất bát, hoặc cây trồng bị khô hạn dẫn đến chết hàng loạt là điều rất dễ xảy ra.

Đào các ao, hồ từ nhỏ cho tới lớn là phương cách tích trữ nước hiệu quả để bà con nông dân đối phó với tình trạng hạn hán thường xảy ra vào mùa khô. Ảnh: Thạch Bích Ngọc

Đào các ao, hồ từ nhỏ cho tới lớn là phương cách tích trữ nước hiệu quả để bà con nông dân đối phó với tình trạng hạn hán thường xảy ra vào mùa khô. Ảnh: Thạch Bích Ngọc

Đặc thù ở các tỉnh miền Nam nói chung là mùa mưa thì mưa rất nhiều, trong khi 6 tháng mùa khô thì có năm trời không mưa một chút nào, vì vậy mà lượng nước vào mùa mưa thì tràn trề, thậm chí nhiều chỗ còn úng ngập, trong khi mùa khô thì các ao, hồ chứa, sông suối luôn trong tình trạng khô đáy. Ngay cả nguồn nước ngầm mà bà con nông dân ở một số tỉnh như: Đắk Lắk, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai... bấy lâu vẫn thường khai thác để tưới tiêu trong mùa khô hạn là khoan giếng, thì những năm gần đây cũng đang có dấu hiệu cạn kiệt.

Để đối phó với tình trạng khô hạn, cây trồng thiếu nước, thiết nghĩ, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương trồng cây ăn trái, cây công nghiệp cần phải có kế hoạch tích trữ nước bền vững ngay từ trong mùa mưa, nghĩa là các hồ, ao, công trình thủy nông phải được gia cố để đảm bảo được nguồn nước tưới tiêu cho những tháng mùa khô ở các vùng lân cận. Đối với các vùng không có ao, hồ chứa nước tự nhiên, việc đầu tư kinh phí để đào ao, hồ chứa, công trình thủy nông là rất cần thiết, bởi một vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn trái... phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao không thể chỉ trông chờ vào... ông Trời, mà chúng ta phải tự chủ động được trong việc tưới tiêu. Chính vì thế, để đối phó với tình trạng thiếu nước trong mùa khô, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và nhiều tỉnh, thành miền Nam cần đầu tư vào các công trình thủy nông, ao hồ chứa. Chỉ khi làm tốt việc tích trữ nước trong mùa mưa ở các công trình thủy nông (cả nhân tạo và tự tạo), thì lúc đó mới hạn chế được việc cây trồng thiếu nước!

Thực tế, năm nào cũng vậy, khi chuẩn bị bước vào mùa khô, chính quyền ở nhiều địa phương, nhất là các vùng thường xảy ra hạn hán gay gắt thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... thường chú trọng việc phát dọn nạo vét, duy tu, sửa chữa và nâng cấp kịp thời, đảm bảo an toàn công trình, từng bước nâng cao hiệu quả tưới, nâng cao hệ số an toàn ao, hồ đập... để đảm bảo các công trình thủy lợi tích đủ nước tưới tiêu trong mùa khô hạn. Ví dụ như tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, do chú trọng công tác phòng chống hạn hán, những năm gần đây, hầu hết các công trình thủy lợi luôn đảm bảo nguồn nước tưới tiêu đạt tới 69% trên tổng số diện tích canh tác của bà con nông dân. Được biết, theo kế hoạch, từ nay tới năm 2030, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện sẽ xây dựng mới 10 công trình thủy lợi, trong đó, chú trọng các công trình tích nước chống hạn cho mùa khô, góp phần giúp bà con giảm thiểu nỗi lo thiếu nước tưới tiêu, sinh hoạt khi mùa khô tới.

Tại xã Ea Khal, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, có rất nhiều hộ dân tự chủ động được nguồn nước tưới tiêu vào mùa khô từ hàng chục năm nay, với mô hình nhà nhà đào ao hồ và trữ nước độc đáo. Chẳng hạn như mô hình “Hồ nổi trữ nước”, với thể tích mỗi hồ phù hợp cho diện tích từng vườn cây, hàng trăm hộ nông dân ở đây đã có thể an tâm sản xuất trong mùa khô hạn. Theo đó, tranh thủ vào thời điểm mùa mưa, các hộ đã xây dựng các ao hồ chứa nước, giúp tích nước dư thừa trong mùa mưa và để dành nước tưới cho cây trồng vào các đợt tưới cuối.

Áp dụng cách làm này cho 2,5ha cà phê nhà mình, anh Vũ Văn Quang, thôn 8, xã Ea Khal chia sẻ, đầu tiên, anh chọn mặt bằng gần vườn, thuê máy múc đào ao, lót bạt với chiều dài 22m, rộng 28m, sâu 5m. Lót hồ bằng 1.000m bạt nhựa PE có độ bền cao, trải tấm bạt phủ hết bờ ao và lấp đất chèn chặt các cạnh tấm bạt hoặc có thể đắp bờ xung quanh bằng cách xây một hàng gạch, để tránh nước mưa len lỏi vào vách ao gây xói lở bờ. Với lượng nước 1.800m3 dự trữ trong hồ, được bơm từ giếng lên vào thời điểm mạch nước dồi dào trong mùa mưa, anh Quang yên tâm có thể tưới đủ 2.000 cây cà phê cho cả một mùa khô. Với những ưu điểm như kỹ thuật đơn giản, kinh phí xây dựng thấp (20-30 triệu đồng), bạt dùng để lót hồ sử dụng được 5-10 năm, nguồn nước dựa theo tự nhiên, mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, đang được đông đảo bà con áp dụng không chỉ trong xã, mà còn nhiều xã, huyện khác trong tỉnh áp dụng. Ngoài mô hình này, còn khá nhiều hộ sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, các địa phương áp dụng nhiều nhất là huyện Ea H’leo, Krông Ana, Krông Pắc và Cư M’gar.

Nhờ đào ao, hồ trữ nước nên không ít hộ dân ở các tỉnh vùng Tây Nguyên đã chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng trong những tháng khô hạn. Ảnh: Thạch Bích Ngọc

Nhờ đào ao, hồ trữ nước nên không ít hộ dân ở các tỉnh vùng Tây Nguyên đã chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng trong những tháng khô hạn. Ảnh: Thạch Bích Ngọc

Chị Lương Thị Oanh, thôn 6a, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo chia sẻ, những năm trước đây, cứ vào mùa khô là cà phê của gia đình chị lại bị khô hạn do thiếu nước tưới. Trước tình hình đó, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng lắp đặt 15.000m đường ống tưới nhỏ giọt cho 5ha cà phê nhà mình. Từ khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, không những tiết kiệm được tiền thuê nhân công, mà còn giảm hàng chục triệu đồng chi phí dầu chạy máy bơm so với cách tưới truyền thống. Đồng thời, tại mỗi gốc cà phê sẽ có 2 van xả nước, nhỏ đều từng giọt tạo độ ẩm thấm sâu tầng đất 30cm giúp tiết kiệm được 50% lượng nước tưới và 20% lượng phân bón; giảm xói mòn và rửa trôi đất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Thiết nghĩ, việc xây dựng các mô hình ao, hồ tại gia nhằm chủ động nguồn nước tưới là hết sức cần thiết. Để giúp người dân tiếp cận các mô hình này, các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân, đồng thời, có chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay kịp thời. Có như vậy, các mô hình mới được nhân rộng, tăng hiệu quả sản xuất, đối phó với tình trạng hạn hán trong mùa khô!

Thạch Bích Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giai-phap-de-doi-pho-voi-tinh-trang-cay-trong-thieu-nuoc-tuoi-trong-mua-kho-post475740.html