Giấc mơ 'xuất ngoại'

Trong năm nay, Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình cấp giấy chứng nhận châu Âu cho máy bay chở khách thân hẹp C919 mà nước này sản xuất.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trong năm nay, Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình cấp giấy chứng nhận châu Âu cho máy bay chở khách thân hẹp C919 mà nước này sản xuất. Theo tờ South China Morning Post ngày 4/1, đây được xem là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hút nhiều sự công nhận quốc tế hơn đối với C919. Đồng thời, nhằm cạnh tranh với những tập đoàn sản xuất máy bay khổng lồ như Boeing (trụ sở Mỹ) và Airbus (trụ sở Pháp).

Tại hội nghị thường niên trong ngành ngày 4/1 diễn ra ở Bắc Kinh, đại diện Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết sẽ tăng cường nỗ lực hợp tác với Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) để cho phép máy bay dân dụng nội địa của nước này “ra nước ngoài”.

C919 được sản xuất bởi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước. Đồng thời, được thiết kế để cạnh tranh với 737 của Boeing và A320 của Airbus. CAAC cho biết: “Ngành hàng không thương mại ở Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc tự lực, cởi mở và toàn diện”.

CAAC có các thỏa thuận an toàn hàng không song phương với EASA và Cục Hàng không Liên bang Mỹ để cho phép các sản phẩm hàng không vũ trụ do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu, dựa trên sự công nhận lẫn nhau về các quy trình tương ứng.

Theo đó, các cơ quan quản lý sẽ hợp tác cùng nhau để xem xét liệu một dòng máy bay cụ thể có đủ điều kiện bay hay không và cấp văn bản gọi là “chứng nhận loại”. CAAC cũng định hướng tập trung giải quyết nhiều nút thắt và điểm nghẽn liên quan thiết bị kỹ thuật, quy trình sản xuất và hệ thống vận hành. Qua đó, giảm thiểu rủi ro trong sự phát triển lâu dài của ngành.

Ở một diễn biến khác, ngày 2/1, hãng hàng không China Eastern Airlines có trụ sở tại Thượng Hải xác nhận đã nhận được chiếc C919 thứ tư. Đài CGTN đưa tin, theo kế hoạch, máy bay này sẽ sớm được đưa vào vận hành thương mại. Máy bay vừa được chuyển giao là một trong 5 chiếc mà China Eastern Airlines đã đặt hàng trong đợt mua đầu tiên vào năm 2021.

Bắc Kinh hy vọng C919 sẽ giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Chính phủ nước này đặt mục tiêu C919 chiếm 10% thị phần nội địa năm 2025.

Chiếc máy bay này từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc đến trong báo cáo năm 2017. Ông gọi đây là động lực thúc đẩy “mô hình phát triển mới” của Trung Quốc cùng với các thành tựu khoa học kỹ thuật khác.

C919 cũng giúp đưa Trung Quốc vào danh sách các nước ít ỏi có thể tự thiết kế và sản xuất máy bay, gồm Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Anh, Pháp và Đức. Tháng trước, COMAC đã ra mắt thêm các phiên bản mới của dòng máy bay này.

Giới phân tích cho rằng, COMAC muốn nhân sự kiện tại Hồng Kông quảng bá tên tuổi và tìm kiếm khách hàng quốc tế cho C919. Tuy nhiên, dòng mày bay này vẫn chưa có khách hàng quốc tế nào.

Đến nay, C919 đã nhận được hơn 1.000 đơn đặt hàng từ các hãng trong nước. Việc bàn giao sẽ phải mất nhiều năm. Hãng bay China Eastern Airlines là khách mua đầu tiên và chủ yếu của dòng này. Tháng 9 năm ngoái, họ đặt mua thêm 100 chiếc nữa, trị giá khoảng 10 tỷ USD.

COMAC tiết lộ hiện họ có nhiều dòng máy bay, từ loại nhỏ, thân hẹp bay cự ly ngắn và trung bình, đến máy bay thân rộng bay đường dài. Hãng này đang thiết kế chiếc C929 để bay liên lục địa, với 250 - 350 chỗ ngồi và có khả năng bay 12 nghìn km.

Trọng Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giac-mo-xuat-ngoai-post667580.html