Gây thiệt hại hơn 79 tỉ đồng, cựu giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp nhận án treo

Vai trò là giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp và đại diện đơn vị chủ đầu tư, bị cáo Hai đã thực hiện không đúng quy định về đầu thầu trong chỉ định thầu rút gọn 6 gói thầu mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á gây thiệt hại ngân sách hơn 79 tỉ đồng

Ngày 22-5, TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp (CDC tỉnh Đồng Tháp) về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó HĐXX đã tuyên phạt, bị cáo gồm Trần Văn Hai (61 tuổi , cựu Giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp) hai năm tù treo; Nguyễn Thị Lệ Ngọc (41 tuổi, cựu Phó Trưởng khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng thuộc CDC tỉnh Đồng Tháp) 18 tháng tù treo và phạt Huỳnh Văn Thêm (50 tuổi, cựu trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp) 12 tháng tù treo.

Chưa có ca nhiễm đã nhận hàng về chạy thử

Theo cáo trạng, từ tháng 5-2021 đến tháng 9-2021, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp và CDC tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư 06 gói thầu mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 PCR của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Với vai trò là Giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp và đại diện đơn vị chủ đầu tư, bị cáo Hai đã thực hiện không đúng quy định về đầu thầu trong chỉ định thầu rút gọn 6 gói thầu này như: trao đổi, thống nhất với Thêm việc mượn Test xét nghiệm (mượn hàng) của Công ty Việt Á trước khi BVĐK và CDC Đồng Tháp ký hợp đồng mua bán. Ngoài ra, Hai còn chỉ đạo, ký duyệt các văn bản mượn hàng do bị cáo Ngọc soạn thảo.

Điều đáng nói bị cáo Hai biết rõ các gói thầu do CDC tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư có sai phạm xảy ra nhưng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập hồ sơ ký duyệt hồ sơ gói thầu và chứng từ thanh toán tiền cho Công ty Việt Á. Sai phạm này đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 79 tỉ đồng.

 Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HD

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HD

Ngày 24-6-2021, tỉnh Đồng Tháp mới phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc nhưng trước đó vào ngày 29-4-2021 CDC tỉnh Đồng Tháp đã nhận 1 máy xét nghiệm RT-PCR do Công ty TNHH giải pháp Công nghệ CTS tặng, được kỹ sư của Công ty Việt Á lắp đặt và kèm theo 1 bộ sinh phẩm do chính Công ty Việt Á sản xuất để chạy thử. Đến ngày 13-5-2021, CDC tỉnh Đồng Tháp được Viện Pastueur thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR. Việc này cho thấy có sự chuẩn bị và tạo lợi thế ngay từ đầu để Công ty Việt Á được trúng thầu.

Chi hoa hồng từ 2-5%

Còn bị cáo Ngọc với vai trò là Phó Trưởng khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng thuộc CDC Đồng Tháp; Thành viên Tổ Chuyên gia đầu thầu, bị can Nguyễn Thị Lệ Ngọc đã thực hiện không đúng quy định về đầu thầu trong chỉ định thầu rút gọn 06 gói thầu do BVĐK Đồng Tháp và CDC Đồng Tháp làm Chủ đầu tư.

Trước khi Công ty Việt Á được lựa chọn làm đơn vị cung cấp hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm cho Đồng Tháp, Trần Tiến Lực (nhân viên Công ty Việt Á) và Ngọc đã liên hệ, trao đổi việc lựa chọn Công ty Việt Á. Qua đó, Lực được Ngọc cho biết Thêm là người có thể quyết định lựa chọn Công ty Việt Á cung cấp hóa chất, sinh phẩm và thỏa thuận thống nhất Ngọc lo công việc của CDC Đồng Tháp, còn Lực sẽ liên hệ, trao đổi với Thêm. Trong những lần liên hệ, trao đổi, Lực hứa hẹn sẽ "hậu tạ", "cám ơn", "tính toán" cho Lệ Ngọc.

Đối với bị cáo Thêm, ngày 8-7-2021, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp có quyết định thành lập Tổ mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó Thêm là Tổ phó. Tổ mua sắm có trách nhiệm phối hợp với Tiểu ban giúp việc của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế tổ chức thực hiện việc mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

Liên quan đến 6 gói thầu nói trên, với vai trò là Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính thuộc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp và Tổ phó Tổ mua sắm, bị can Thêm có trách nhiệm cùng với cán bộ chuyên môn của Phòng và thành viên của Tổ mua sắm xem xét, kiểm tra văn bản xin chủ trương mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các đơn vị theo từng giai đoạn, thời điểm; tham mưu, đề xuất, trình Giám đốc Sở Y tế xem xét ký duyệt và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Khi thực hiện việc kiểm tra, xem xét văn bản xin chủ trương mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các đơn vị, Thêm biết rõ các gói thầu xảy ra việc mượn hàng trước khi ký hợp đồng nhưng vẫn tham mưu, đề xuất Giám đốc Sở Y tế ký văn bản đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Sau khi thanh toán tiền các gói thầu, Lực đã lập danh sách, mức chi tiền hoa hồng cho các cá nhân của các đơn vị, cơ sở y tế ở Đồng Tháp, trong đó Ngọc và Hai được chi mỗi người 5%, Thêm 2% số tiền đã thanh toán. Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã phê duyệt nhưng chưa chi. Theo lời khai của Việt, tuy chưa nhận tiền hoa hồng nhưng các bị cáo Ngọc, Hai, Thêm ngầm hiểu sẽ được nhận, vì trong đấu thầu mua bán thuốc của ngành y tế là phải có chi hoa hồng sau khi thanh toán.

Việt đã duyệt danh sách, mức chi vào ngày 23-11-2021 nhưng thời điểm này dư luận chung chi trong việc mua bán Kit test xét nghiệm COVID -19 quá lớn nên Việt cho dừng lại. Nếu không bị bắt thì Tết nguyên đán 2022 sẽ chi tiền hoa hồng cho các bị cáo theo % phê duyệt.

Quá trình điều tra cũng như tại tòa các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận. Bên cạnh đó các bị cáo là lực lượng tuyến đầu, trực tiếp tham gia và có những đóng góp nhất định vào kết quả công tác phòng chống dịch COVID -19 tại tỉnh Đồng Tháp, góp phần hạn chế thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người dân. Ngoài ra đại diện nguyên đơn dân sự (BVĐK và CDC Đồng Tháp) xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Do đó HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo mức án trên.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/gay-thiet-hai-hon-79-ti-dong-cuu-giam-doc-cdc-tinh-dong-thap-nhan-an-treo-post791956.html