Gác lại quá khứ để hướng tới tương lai

Ở vị trí trung tâm TP. Điện Biên Phủ, cầu Mường Thanh là di tích lịch sử thuộc Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Tại đây đã từng diễn ra trận chiến vô cùng ác liệt giữa Quân đội Việt Nam và quân viễn chinh Pháp; cây cầu đã chứng kiến bao sự hy sinh, đổ máu của cả hai bên. Hơn 70 năm trôi qua, cầu Mường Thanh là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình.

Tại cây cầu lịch sử này, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quốc vụ khanh phụ trách Cựu chiến binh và Ký ức chiến tranh của Chính phủ Pháp đã bàn giao hệ thống chiếu sáng cầu Mường Thanh cho tỉnh Điện Biên, là minh chứng cho tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp” của cả 2 nước Việt Nam - Pháp.

Bộ đội Việt Nam tiến vào cầu Mường Thanh, phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. (Ảnh tư liệu)

Chứng tích lịch sử

Năm 1953, khi bắt đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, để thuận tiện cho quá trình di chuyển, quân Pháp xây dựng một cây cầu sắt bắc qua sông Nậm Rốm. Khi ấy, người Pháp gọi cầu Mường Thanh bằng cái tên mĩ miều “Bailey”, do một người tên là Donald Coleman Bailey thiết kế bằng phương pháp lắp ghép. Cầu dài 40m, rộng 5m, hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản không có trục giữa. Sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn bảo đảm trọng tải từ 15 - 18 tấn.

Cầu nối con đường huyết mạch giữa các cứ điểm ở phía Tây sông Nậm Rốm với các cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là con đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược... nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở khu vực phía Đông của Pháp. Để bảo vệ cây cầu này, quân Pháp bố trí các cứ điểm (507, 508 và 509) được mệnh danh là những “thiên thần gác cửa”.

Du khách tìm hiểu lịch sử cầu Mường Thanh.

Vào lúc 14 giờ ngày 7/5/1954, Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 vượt cầu Mường Thanh tiến công tiêu diệt ổ trọng liên 4 nòng của quân Pháp. Trận chiến quyết liệt tại đây đã gây thương vong lớn cho cả hai bên, hàng trăm chiến sĩ của ta đã nằm xuống bên kia cầu Mường Thanh. Nhưng với sự hỗ trợ của hỏa lực, bộ đội ta đã chiếm được các cứ điểm tại cầu Mường Thanh và đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đúng 17 giờ ngày 7/5/1954, bộ đội ta tiến vào hầm chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, bắt sống tướng De Castrie và toàn thể bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến sĩ Điện Biên Trần Quang Hữu (SN 1930, hiện đang sinh sống tại đội 17b, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) chia sẻ: Cây cầu là đường vận chuyển nguyên vật liệu, đạn dược, dây thép gai... phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở khu vực phía Đông. Nhưng có lẽ người Pháp không ngờ chính cây cầu này đã đón những bước chân bộ đội ta qua sông bắt sống tướng Đờ Cát và gần một vạn tù binh. Thời điểm đó bộ đội ta reo hò, mừng vui chiến thắng và cũng từ đó cầu còn được gọi là cầu “Tiến quân lịch sử”. Nhưng để có được khoảnh khắc lịch sử đó biết bao đồng đội tôi đã hy sinh. 70 năm trôi qua, cây cầu còn đây nhưng đồng đội tôi đã đi xa mãi!

Sau 70 năm, cầu Mường Thanh giờ phục vụ người dân đi bộ, du khách tham quan.

Chiến tranh đã lùi xa cách 70 năm, cầu Mường Thanh vẫn là chứng nhân của lịch sử, chứng kiến những gì đau thương nhưng cũng hùng tráng nhất của quá khứ và giờ đây cây cầu còn đó để nhắc nhở bao thế hệ sau này luôn nhớ đến về một thời đầy hào hùng của cha ông ta, về tinh thần Điện Biên Phủ. Theo thời gian, một số hạng mục cầu đã xuống cấp và được trùng tu, khắc phục để đảm bảo cho người dân và du khách có thể đi lại tham quan được an toàn, nhưng kết cấu vẫn như xưa.

Hướng tới tương lai

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cây cầu lịch sử trở thành cầu dân sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân qua lại. Cây cầu cũng trở thành điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử đối với mỗi du khách đến với Điện Biên, đặc biệt là du khách Pháp.

Bộ đội Việt Nam dìu ông Jean Yves Guinard, cựu binh người Pháp thăm lại cầu Mường Thanh.

Sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Jean Yves Guinard, cựu binh người Pháp lần đầu quay trở lại Điện Biên Phủ - nơi ông từng tham chiến và thất bại trước quân, dân Việt Nam. Thăm lại cây cầu Mường Thanh, cựu binh Jean Yves Guinard cho biết, ông có mặt ở đây để hiểu về lịch sử và nhớ về đồng đội đã mất. Cách tôn trọng họ là không né tránh lịch sử. Nhiều cựu binh sau ngày tham chiến ở Việt Nam đã nỗ lực góp phần vào bình thường hóa quan hệ hai nước. Chiến tranh đã lùi xa, việc truyền lại những ký ức lịch sử cho lớp trẻ là quan trọng và Chính phủ hai nước cần giáo dục điều này.

Cầu Mường Thanh giờ đây đẹp lung linh với hệ thống ánh sáng nhiều màu sắc, cùng với cầu Thanh Bình là điểm nhấn, tô đẹp cho dòng sông Nậm Rốm huyền thoại và đô thị Điện Biên. Để có được kết quả này, những năm qua Chính phủ Pháp luôn nỗ lực, khắc phục hậu quả chiến tranh, đồng hành cùng sự phát triển của Điện Biên. Trong đó, việc tài trợ dự án chiếu sáng cầu Mường Thanh không chỉ góp phần tạo điểm nhấn cho di tích cầu Mường Thanh mà còn là minh chứng cho việc gác lại quá khứ để hướng tới tương lai của cả 2 nước.

Bà Patricia Mirallès, Quốc vụ khanh phụ trách Cựu chiến binh và Ký ức chiến tranh của Chính phủ Pháp tìm hiểu về khẩu trọng liên 4 nòng bảo vệ cầu Mường Thanh năm xưa.

Hệ thống chiếu sáng cầu Mường Thanh được bàn giao đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Điểm nhấn của hệ thống chiếu sáng cầu Mường Thanh dựa trên kết cấu đặc biệt của cây cầu. Lớp bên ngoài của các ô vuông không được chiếu sáng sẽ tạo một điểm nhấn màu đen, lớp phía trong được hòa trộn bởi hai màu trắng, xanh sẽ tạo nên hiệu ứng màu tím. Phương thức phối màu đặc biệt này sẽ tạo ra những hiệu ứng thú vị cho du khách ngay cả khi nhìn tổng thể hay nhìn từng phân đoạn nhỏ của cây cầu.

Tại lễ bàn giao được tổ chức vào chiều tối ngày 5/5, bà Patricia Mirallès, Quốc vụ khanh phụ trách Cựu chiến binh và Ký ức chiến tranh của Chính phủ Pháp khẳng định: Việc hỗ trợ Điện Biên lắp hệ thống chiếu sáng cầu Mường Thanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là minh chứng cho tinh thần hòa giải - gác lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp, vì sự hợp tác và phát triển hữu nghị của 2 nước. Việc hai nước cùng nhau vượt qua ký ức đau thương của chiến tranh để hướng tới tương lai được thể hiện qua những dự án hợp tác ngày càng thực chất và hiệu quả tại chiến trường xưa.

Sau khi được đầu tư hệ thống chiếu sáng, cầu Mường Thanh trở thành điểm đến cho nhiều du khách tham quan vào ban đêm.

Theo Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, dự án hệ thống chiếu sáng cầu Mường Thanh mang ý nghĩa sâu sắc, vì cây cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm có vai trò lịch sử quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cầu Mường Thanh là một biểu tượng lớn của cuộc chiến nhưng cũng là biểu tượng lớn của tình hữu nghị và hòa bình. Cầu Mường Thanh đã mở đường cho sự giải phóng, cho độc lập của Việt Nam và cũng mở đường đến một thế giới mới, đó là thế giới phi thực dân, nên đây là cây cầu tập hợp mọi người.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/ky%20niem%2070%20nam/215090/gac-lai-qua-khu-de-huong-toi-tuong-lai