G7 dự kiến thảo luận việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga

Các quan chức cho biết các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhóm họp tại Italy trong tuần này nhằm tìm kiếm 'tiếng nói chung' về việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine và giải quyết vấn đề xuất khẩu của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm.

Cờ của các nước G7 và Liên minh châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Elmau Castle, Đức, ngày 28/6/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cờ của các nước G7 và Liên minh châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Elmau Castle, Đức, ngày 28/6/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G7, gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada, sẽ tập trung tại thị trấn Stresa, Italy trong hai ngày 24-25/5.

Các nhà đàm phán của G7 đã thảo luận trong nhiều tuần về cách tốt nhất để tận dụng tài sản bị đóng băng của Nga chẳng hạn như các loại tiền tệ chính và trái phiếu chính phủ, trị giá khoảng 300 tỷ USD. sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Mỹ đang thúc đẩy việc tìm cách tận dụng nguồn thu nhập tương lai từ những tài sản đó, thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc có nhiều khả năng là cấp cho Ukraine khoản vay lên tới 50 tỷ USD trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, một số quan chức cho biết nhiều khía cạnh pháp lý và kỹ thuật cần được giải quyết, nghĩa là một thỏa thuận chi tiết dự kiến chưa thể đạt được ở Stresa. Trong trường hợp đó, các cuộc hội đàm không chính thức sẽ tiếp tục diễn ra để đưa ra một đề xuất cho các nhà lãnh đạo thuộc G7 tại cuộc họp ở Puglia, miền nam Italy, vào ngày 13-15/6.

Ý tưởng G7 phát hành trái phiếu cho Ukraine dường như không được chấp thuận, trong đó Mỹ hiện đề xuất một khoản vay được “lấy” từ tài sản bị đóng băng. Tuy vậy, ai sẽ quản lý khoản vay, khoản vay sẽ được bảo lãnh như thế nào, lợi nhuận trong tương lai được ước tính như thế nào và điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp có thỏa thuận hòa bình với Nga là tất cả các khía cạnh vẫn cần được làm rõ.

Một nhà ngoại giao EU cho biết sẽ mất "hàng tuần, thậm chí là hàng tháng" để đưa ra quyết định cuối cùng.

Những chủ đề khác sẽ được thảo luận tại Stresa bao gồm tác động của trí tuệ nhân tạo đến nền kinh tế toàn cầu và “đánh giá” lại các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Vấn đề thuế cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự lần nay, trong đó Italy cố gắng hồi sinh thỏa thuận về thuế tối thiểu toàn cầu với các công ty đã quốc gia. Thỏa thuận này đã được khoảng 140 quốc gia ký kết vào năm 2021, nhưng chưa được thực hiện đầy đủ do sự phản đối của Mỹ và một số quốc gia khác.

Một đề xuất về việc đánh thuế tài sản toàn cầu đối với các tỷ phú, được Brazil và Pháp thúc đẩy trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cũng sẽ được thảo luận tại Stresa. Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp phải sự phản đối từ phía Mỹ.

Minh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/g7-du-kien-thao-luan-viec-su-dung-tai-san-bi-dong-bang-cua-nga-20240522161733453.htm