Chuyển đổi số trong quản lý dự án

Những năm qua, EVNNPT luôn đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong mọi lĩnh vực sẽ tạo ra nền tảng vững mạnh để gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo...

Thi công công trình Nâng cấp hệ thống ĐKBV tại trạm 220kV Thái Nguyên. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Thi công công trình Nâng cấp hệ thống ĐKBV tại trạm 220kV Thái Nguyên. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Trong những năm qua, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) luôn đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong mọi lĩnh vực sẽ tạo ra nền tảng vững mạnh để gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng quản lý kỹ thuật.

Triển khai chương trình này, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đã, đang nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quản lý dự án, đặc biệt trong thực hiện chuyển đổi số, để hoàn thành chương trình chuyển đổi số được EVNNPT giao.

Để đảm bảo 100% nhân viên vận hành đều được trang bị kiến thức về chuyển đổi số từ cơ bản đến nâng cao, NPMB đã tổ chức cho các CBCNV tham gia học tập tất cả các khóa đào tạo về chuyển đổi số để nắm bắt được quan điểm định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT về việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào lĩnh vực truyền tải điện, từ đó tạo các thói quen giải quyết công việc trong môi trường số và hòa nhập văn hóa số.

Theo đó, lãnh đạo NPMB luôn quán triệt đến tất cả các đơn vị khai thác tối đa tiện ích của chương trình D-Office. Đây là chương trình được tích hợp đầy đủ các tính năng, ứng dụng phục vụ công tác điều hành nội bộ, xử lý hồ sơ, trao đổi thông tin, quản lý văn bản…, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Ứng dụng hoàn toàn ký số trong phát hành các báo cáo thẩm tra, thẩm định, trình, duyệt. 100% CBCNV có chức trách, nhiệm vụ đã được cấp chữ ký số và được áp dụng trong các ứng dụng/giao dịch quản lý nội bộ trên D-Office.

Chương trình có thể điều hành công việc từ xa thông qua các thiết bị điện tử thông minh. Việc nhận và xử lý công văn nhanh chóng, tức thời. Cán bộ công nhân viên làm việc ở các bộ phận khác nhau cũng quản lý công việc dễ dàng, trình duyệt văn bản, gửi nhận công văn thuận tiện. Đây thực sự là một thay đổi đem lại hiệu quả về mặt thời gian, con người mà lại đảm bảo tính chính xác, bảo mật cao, khắc phục tình trạng thất lạc, sai lệch thông tin, giúp cho đơn vị tiết kiệm chi phí về văn phòng phẩm và dễ dàng trong công tác tìm kiếm, tra cứu văn bản nhờ tính năng lưu trữ tài liệu, báo cáo…

Lập báo cáo tiến độ thi công xây dựng trên phần mềm quản lý IMIS. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Lập báo cáo tiến độ thi công xây dựng trên phần mềm quản lý IMIS. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngoài ra, các văn bản được chương trình tự động số hóa sang file định dạng PDF là nguồn dữ liệu đảm bảo tính pháp lý phục vụ hiệu quả chuyển đổi số công tác văn phòng.

Bên cạnh đó, NPMB ứng dụng nhiều phần mềm trong công tác tổng hợp, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng như IMIS, HRMS... Trong đó, toàn bộ hồ sơ tài liệu thiết kế các giai đoạn của dự án khi trình thẩm định, trình duyệt, sau khi có quyết định phê duyệt đều đã được số hóa, cập nhật trên phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng. Việc áp dụng triệt để các tiện ích trên phần mềm IMIS đã giúp trích xuất các số liệu, báo cáo dễ dàng được tìm kiếm thực hiện nhanh chóng.

Việc đưa vào sử dụng chương trình quản lý nhân sự HRMS đã và đang hướng đến cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất trong toàn EVN; song song đó là đưa vào sử dụng thư viện điện tử dùng chung tạo ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ cho việc truy xuất phục vụ công tác chuyển đổi số. Công tác quản lý nhân sự cũng được thực hiện tốt thông qua phần mềm HMRS nên CBCVN có thể dễ dàng tra cứu hồ sơ nhân sự của mình.

NPMB đã đề ra mục tiêu là phải nâng cao năng lực, năng suất lao động, hạn chế, giảm bớt công việc làm thủ công hằng ngày của CBCNV để dành nhiều thời gian củng cố hồ sơ, quản lý kỹ thuật, nâng cao tính an toàn, tin cậy làm việc bằng hình thức đào tạo Elearning. Nội dung đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số và khoa học phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp. Đồng thời tham gia các khóa đào tạo về nhận thức, chiến lược, quản trị chuyển đổi số cho cán bộ quản lý; quan điểm định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của doanh nghiệp về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, NPMB liên tục cập nhật tài liệu về văn hóa thúc đẩy chuyển đổi số, an toàn thông tin để cán bộ công nhân viên thực thi.

Các cuộc họp trực tuyến được đẩy mạnh triển khai thực hiện và thu được hiệu quả nhất định. Thông tin được trao đổi minh bạch, rõ ràng và đa chiều giúp việc thực thi nhiệm vụ mau chóng và chính xác. NPMB sử dụng đa dạng qua nhiều phần mềm họp trực tuyến khác nhau như: hội nghị truyền hình, Zoom Meeting, Google Meet… cho việc điều hành sản xuất, đào tạo, đặc biệt trong tình hình Dự án đường dây 500kV mạch 3 đang rất nóng, gấp rút triển khai rải khắp các tỉnh, địa bàn từ Quảng Trạch đến Phố Nối để hoàn thành đóng điện trong tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại các cuộc họp trực tuyến cơ bản đã thích ứng với mọi điều kiện làm việc khi có yêu cầu, làm việc từ xa của CBCNV NPMB.

Trong quản lý đầu tư xây dựng, hiện nay, NPMB đang tiếp tục triển khai thi công dự án Nâng cấp hệ thống điều khiển bảo vệ các trạm biến áp 500 kV, 220 kV khu vực phía Bắc và đã hoàn thành cải tạo nâng cấp 2 công trình tại trạm biến áp 500kV Hòa Bình, 220kV Hưng Đông. Dự án sau khi đưa vào sử dụng sẽ giúp cho các trạm biến áp đạt được mục tiêu tự động khôi phục cung cấp điện khi có sự cố xảy ra; chống được sự tấn công đối với hệ thống cả về mặt vật lý và mạng máy tính.

Việc quản lý vận hành, theo dõi giám sát thiết bị và phân tích sự cố tại các trạm biến áp có hệ thống điều khiển tích hợp trực quan và tốt hơn. Tối ưu vận hành hệ thống điện để giảm chi phí sản xuất, truyền tải và phân phối kể cả giảm chi phí đầu tư mới và nâng cấp hệ thống điện. Đồng thời giảm được định mức lao động xét cho từng trạm biến áp, nâng cao trình độ nhân lực của trạm biến áp giúp cho công tác quản lý vận hành được tốt hơn, làm cơ sở cho việc vận hành trạm không người trực trong tương lai và phù hợp với định hướng của EVN về việc phát triển lưới điện thông minh.

Trên cơ sở định hướng của EVN, EVNNPT phải lấy yếu tố con người làm trung tâm, NPMB tập trung vào các giải pháp như đổi mới tư duy, chuyển đổi nhận thức, xây dựng văn hóa về chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền tải điện để đảm bảo thành công vì mục tiêu lâu dài của chuyển đổi số trong EVNNPT.

Thực tiễn còn cho thấy, chuyển đổi số đã làm thay đổi về nhận thức của cán bộ quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu công việc ngày một cao hơn, góp phần tăng năng suất lao động. NPMB quyết tâm hoàn thành mục tiêu trở thành đơn vị đi đầu về công tác chuyển đổi số trong các mặt hoạt động sản xuất, góp phần vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định.

Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-so-trong-quan-ly-du-an/333991.html