Đương đầu với nắng nóng: Sống giữa 'chảo lửa'

Hàng trăm triệu người trên toàn Nam và Đông Nam Á đã hứng chịu đợt nắng nóng cao độ. Nắng nóng tàn khốc cũng thiêu đốt nhiều nước Đông Nam Á với những 'kỷ lục' về nhiệt độ.

Nắng nóng gay gắt tại Dhaka, Bangladesh ngày 25/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ giữa tháng 4, dù vẫn là mùa Xuân nhưng hàng trăm triệu người trên toàn khu vực Nam và Đông Nam Á đã hứng chịu đợt nắng nóng cao độ. Cái oi nóng của mùa Hè đến sớm hơn thường lệ, đưa mức nhiệt lên các mốc cao kỷ lục, gây thiệt hại về hoa màu, gia súc cũng như ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe con người.

Tình trạng được dự báo còn tồi tệ hơn trong suốt tháng 5 và 6 khi biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của nhiệt độ cực đoan.

Sống giữa “chảo lửa”

Quốc gia Nam Á Ấn Độ nổi lên là điểm “nóng” đúng nghĩa đen khi nhiều địa phương ghi nhận mức nhiệt tối đa hơn 43 độ C trong tháng 4, riêng ngày 21/4 lên tới gần 46 độ C. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã phải ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng, đồng thời khuyến cáo sóng nhiệt sẽ tiếp tục thiêu đốt trước khi bắt đầu dịu đi.

Nước láng giềng Bangladesh đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt nhất và dài nhất trong lịch sử, quy mô lan rộng đến hơn 75% diện tích đất nước. Nhiệt độ thường xuyên trên 42 độ C, cao hơn 4-5 độ C so với mức trung bình cùng kỳ này trong 30 năm qua.

Nắng nóng tàn khốc cũng thiêu đốt nhiều nước Đông Nam Á với những "kỷ lục" về nhiệt độ được thiết lập dày đặc và nhanh chóng. Thị trấn Chauk ở miền Trung Myanmar ngày 28/4 chứng kiến mức nhiệt 48,2 C, mức cao nhất trong tháng 4 từ khi dữ liệu được thống kê cách đây 56 năm. Nhiều vùng tại Philippines chịu hạn hán với nhiệt độ 44 độ C - cũng là chưa từng có vào tháng 4.

Chỉ số nóng bức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan ngày 2/5 đã lên tới mức đặc biệt nguy hiểm 52 độ C, trong khi hàng chục tỉnh, thành hứng chịu những ngày “siêu nắng nóng” từ cuối tháng 4 khi nhiệt độ tối đa đều trên 43 độ C.

Đây cũng là nhiệt độ tối đa ở Campuchia những ngày qua, mức cao nhất từng được ghi nhận trong khoảng 170 năm. Tại Lào, ngày 30/4 nhiệt độ ngoài trời đo được đã lên đến 47 độ C, là mức nhiệt cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn cả Campuchia (44 độ C), Thái Lan (43 độ C) và Việt Nam (42 độ C).

Nhà nghiên cứu lịch sử thời tiết Maximiliano Herrera nhận định nhiều vùng ở châu Á đang chứng kiến các kỷ lục nhiệt độ liên tục bị "xô đổ" một cách nghiệt ngã, đánh dấu giai đoạn cực đoan nhất trong lịch sử thời tiết cho đến nay, chưa từng có tiền lệ trong 3 thế kỷ khí hậu học.

Còn Tiến sỹ Roxy Koll, nhà khoa học khí hậu từ Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ miêu tả toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương như một chảo lửa.

Nắng nóng đã, đang và tiếp tục tác động tới sức khỏe, sinh hoạt của người dân và sản xuất của doanh nghiệp, canh tác nông nghiệp. Ở Ấn Độ, phụ nữ mang thai và người cao tuổi phải đối mặt với nguy cơ cao do stress nhiệt, dẫn đến các biến chứng như sinh non, tình trạng sức khỏe giảm sút.

Người dân nghèo sống trong hàng trăm khu ổ chuột phải vất vả đối mặt với cái nóng như thiêu dưới các mái tôn hoặc amiăng hấp nhiệt, thậm chí không dám ở trong nhà vào những lúc nhiệt độ đạt đỉnh trong ngày. Cuộc sống của trẻ em cũng bị xáo trộn mạnh, các bệnh viện nhi trên cả khắp Ấn Độ luôn trong tình trạng quá tải, hàng nghìn trường học đóng cửa.

Nhiệt độ cao ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất mùa vụ và chăn nuôi trong nước, làm giảm sản lượng và tăng giá, gây căng thẳng cho nguồn nước ở các khu vực bị ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn cho sản phẩm tươi sống. Tác động bất lợi của các đợt nắng nóng đối với sản xuất lương thực trực tiếp cản trở quá trình phục hồi chỉ mới bắt đầu ở vùng nông thôn sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Trên khắp Nam và Đông Nam Á, hàng triệu trẻ em đã bị ảnh hưởng do việc đóng cửa trường học và cảnh báo nắng nóng. Bangladesh buộc phải đóng cửa toàn bộ trường học 2 lần mỗi tuần trong 2 tuần vừa qua do ảnh hưởng của sóng nhiệt

. Tại Philippines, hơn 47.000 trường học trên cả nước đã phải tạm dừng các lớp học do nhiệt độ cao và thiếu các biện pháp làm mát đảm bảo học sinh đến lớp tránh được những nguy cơ sức khỏe do nắng nóng.

Tại Thái Lan, số ca tử vong do nắng nóng từ đầu năm đã tăng lên khoảng 30 ca, giới chức kêu gọi người dân ở trong nhà, tránh các hoạt động ngoài trời kéo dài. Công ty Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) cho biết thời tiết nắng nóng cùng cực thậm chí đã làm cong vênh một số đoạn đường ray và các công nhân đường sắt phải mất khoảng một giờ để làm nguội đường ray mới có thể sử dụng được trở lại.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, bác sĩ Daovieng Viengchalern, Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hà Nội-Viêng Chăn cho biết kể từ giữa tháng 4, số người nhập viện do nắng nóng gây ra tăng khoảng 10-15%, chủ yếu là người già, trẻ em, người lao động ngoài trời. Nhiều người lao động ngoài trời như lái xe tuktuk, xe taxi, người bán hàng rong giảm thu nhập vì thời tiết nắng nóng rất ít khách ra đường.

Giới khoa học đến nay vẫn chia 2 luồng ý kiến trong việc nhận diện yếu tố đẩy châu Á vào đợt nắng nóng khắc nghiệt này. Một nhóm cho rằng đây là hậu quả của hiện tượng El Nino, số khác lại tin rằng tình trạng ấm lên tạm thời ở trung tâm Thái Bình Dương vốn là vùng điều hòa các hình thái thời tiết trên thế giới trong nhiều năm khiến mùa Hè năm nay tại Nam và Đông Nam Á trở nên khắc nghiệt đến thế.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New Delhi, Giáo sư Raghu Murtugudde, nhà khoa học khí hậu từ viện Công nghệ Mumbai (Ấn Độ), đánh giá đây là ảnh hưởng kết hợp của El Nino, tình trạng nóng lên toàn cầu và thay đổi thời tiết theo mùa.

Chuyên gia này cũng lưu ý vì El Nino hình thành từ tháng 3/2023, nên nóng nắng hiện nay cũng một phần do sự kết hợp với tình trạng nóng lên toàn cầu và vòng chuyển đổi thời tiết theo mùa, nhưng do đúng giai đoạn chuyển sang La Nina nên càng tồi tệ hơn.

Giáo sư Theepakorn Jithitikulchai, nhà kinh tế và chuyên gia khí hậu tại Đại học Thammasat ở Bangkok, cho biết tháng 4 theo truyền thống là mùa nóng trong khu vực, nhưng năm nay hiện tượng thời tiết El Nino đã “đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục, làm giảm lượng mưa dẫn đến hạn hán."

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nắng nóng khắc nghiệt ngay từ cuối Xuân ở châu Á năm nay. Giới khoa học từng nhận định rằng chính biến đổi khí hậu đã khiến khả năng xảy ra các đợt sóng nhiệt tăng lên 100 lần trong năm 2023.

Theo Phó Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Ko Barrett, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của những đợt thời tiết cực đoan, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường sinh sống của chúng ta.

Nhà khoa học từ Trung tâm Khoa học Khí quyển thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ, Krishna Achuta Rao, thì cho rằng năm 2023 dù ảnh hưởng của El Nino chưa rõ rệt thì các đợt sóng nhiệt vẫn xảy ra. Năm ngoái, sóng nhiệt bao trùm nhiều vùng ở Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar đến Thái Lan và đến năm nay thì mở rộng hơn ra phía Đông tới Philippines, cùng một dải.

Do đó, El Nino có thể không phải là nguyên nhân chủ yếu. Nhà khoa học Achutha Rao cùng các đồng nghiệp làm việc cho tổ chức World Weather Attribution đã tổng hợp và phân tích các dữ liệu về các đợt sóng nhiệt năm ngoái tại khu vực và hàng chục thảm họa thiên nhiên khác xảy ra cùng lúc tại Lào và Thái Lan, qua đó chỉ ra các đợt thời tiết cực đoan như vậy không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu.

Theo WMO, châu Á có tốc độ ấm lên đặc biệt nhanh, gần gấp đôi kể từ giai đoạn 1961-1990 và kéo theo là các thảm họa tự nhiên như bão, lũ, lốc xoáy xảy ra thường xuyên và nguy hiểm hơn.

Các nhà khoa học cảnh báo những tác động trên diện rộng tại một số vùng tập trung đông dân cư nhất trên thế giới, đồng thời kêu gọi các chính phủ khẩn trương hành động để chuẩn bị ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, làm mọi cách để giảm thiểu thiệt hại.

Nắng nóng có xu hướng gia tăng về cường độ. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Giải pháp “hạ nhiệt” bền vững

Ứng phó với thời tiết cực đoan, chính phủ các nước trong khu vực đều ưu tiên những biện pháp tại chỗ để hướng dẫn và hỗ trợ người dân.

Giới chức y tế Campuchia ban hành hướng dẫn lưu ý người dân giữ gìn sức khỏe và an toàn trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, kêu gọi người dân giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng Mặt Trời, đồng thời tăng cường uống nước. Các địa phương được yêu cầu điều chỉnh giờ học nhằm phòng tránh rủi ro và bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động dạy học.

Chính quyền sở tại cũng được tự quyết định cho học sinh nghỉ học tùy tình hình thực tế. Các cơ sở giáo dục trong toàn quốc thực hiện giải pháp phun nước giải nhiệt trên sân trường hoặc mái các điểm trường theo khả năng và điều kiện cụ thể.

Tương tự, giới chức Lào, Thái Lan liên tục đưa ra cảnh báo nắng nóng, khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác trước nguy cơ sức khỏe do nhiệt độ cao và cho phép các trường nghỉ học nếu nhiệt độ quá cao.

Nhiều địa phương Ấn Độ đã hạn chế hoạt động ngoài trời nhằm ngăn ngừa tử vong trong các đợt nắng nóng cực độ, đóng cửa trường học để bảo đảm an toàn cho học sinh và khuyên người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp. Bộ Y tế đã tập huấn cho các quan chức cấp huyện để tuyên truyền nhận thức về những biến chứng sức khỏe do nắng nóng khắc nghiệt, qua đó nhanh chóng tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả, kịp thời.

Do nắng nóng có thể tiếp tục gây thiệt hại mùa màng trên diện rộng, ảnh hưởng hơn nữa đến cuộc sống của người nông dân vốn đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng, nên các nước cũng tìm cách hỗ trợ ngành nông nghiệp và người tiêu dùng.

Tại Thái Lan, Cục Nội thương thuộc Bộ Thương mại đã chuẩn bị các biện pháp nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt cho người tiêu dùng cũng như các chủ nhà hàng, bố trí các khu vực bán rau tươi với giá bán buôn, mục tiêu là cung ứng 1 tấn rau mỗi ngày tại mỗi khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của nắng nóng.

Đối với những vùng có giá rau cao bất hợp lý, Cục Nội thương sẽ làm trung gian kết nối người sản xuất với thị trường để bán rau với giá thấp hơn. Các biện pháp hỗ trợ giảm giá các thực phẩm khác như thịt lợn, trứng gà cũng được áp dụng.

Điện lưới là mối quan tâm đặc biệt, nhiều nước Đông Nam Á đã xảy ra tình trạng mất điện do quá tải khi các thiết bị làm mát dẫn đến nhu cầu điện rất lớn. Nhu cầu điện cao nhất tại Ấn Độ trong mùa Hè này được dự báo có thể đạt 260 GW, cao hơn mức kỷ lục 243 GW vào tháng 9 năm ngoái.

Việc sử dụng điện tại Thái Lan đã liên tiếp phá kỷ lục lên mức cao mới hằng ngày là 36.700 MW vào ngày 29/4. Dự báo nhu cầu điện năng tăng cao kỷ lục trong mùa Hè dẫn đến tình trạng tiêu thụ nhiều điện hơn, Bộ Năng lượng Ấn Độ thường xuyên họp đánh giá về tình hình dự báo đợt nắng nóng khắc nghiệt trong nước, phối hợp với các bộ khác như đường sắt, các công ty than và điện để đưa ra biện pháp ứng phó kịp thời.

Cơ quan Kế hoạch và Chính sách năng lượng (Eppo) Thái Lan đang giám sát chặt chẽ các nguồn nhiên liệu và các nhà máy điện trên khắp đất nước để đảm bảo có đủ khí đốt tự nhiên, than, dầu trong nước và than, dầu và điện nhập khẩu từ các nước láng giềng.

Dù vậy, các biện pháp ứng phó nêu trên chủ yếu vẫn mang tính thời điểm và rời rạc, đồng thời có thể kéo theo những hệ lụy về lâu dài, như việc gia tăng phụ thuộc vào điện than sẽ cản trở tiến trình hướng đến mục tiêu không phát thải hay những giải pháp bảo vệ sức khỏe người lao động lại đặt ra thách thức về năng suất cản trở tăng trưởng kinh tế.

Ví dụ như tại Ấn Độ, khoảng 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này hiện phụ thuộc vào công việc tiếp xúc với nhiệt, chủ yếu trong các các lĩnh vực dễ bị tổn thương như nông nghiệp, khai thác mỏ, xây dựng và ở một mức độ đáng kể là sản xuất.

Bên cạnh những tác động có thể nhận thấy, nắng nóng còn gây tác động lâu dài không thể đong đếm được, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã cố hữu.

Trong khi những người giàu làm việc trong các văn phòng, học ở trường và sống trong những ngôi nhà có điều hòa, thì với hàng triệu người nghèo, những tiện nghi này đơn giản là không có sẵn hoặc không thể chi trả được. Những điều này đặt ra yêu cầu cần có giải pháp tháo gỡ mang tính dài hạn và đồng bộ.

Các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường trên toàn cầu đã liên tục kêu gọi các quốc gia cắt giảm khí thải nhà kính, cảnh báo đây là cách duy nhất để làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu.

Chính phủ các nước Lào và Campuchia đã kêu gọi các trường học nâng cao nhận thức về môi trường trong học sinh, dạy các em về tác động của biến đổi khí hậu, tạo không gian xanh trên sân trường và trồng thêm cây xanh, phân loại rác thải thành các loại có thể tái chế và không thể tái chế, đồng thời hạn chế đốt rác.

Giới chức Ấn Độ đang thực hiện những nỗ lực cải thiện khả năng ứng phó lâu dài với sóng nhiệt thông qua Kế hoạch Hành động về Ứng phó với nắng nóng cấp thành phố (HAP) với các biện pháp dài hạn như: Mở rộng và cải thiện hệ thống cảnh báo sớm đồng thời lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp; Tăng cường đào tạo nhân viên y tế về chuẩn bị ứng phó khẩn cấp; Quy hoạch đô thị thông minh thân thiện với môi trường; Tìm cách đảm bảo tài chính cho các biện pháp can thiệp nhiệt. Ngoài ra, Ấn Độ cũng thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện.

Tuy nhiên, cho đến khi những giải pháp dài hạn phát huy tác dụng, các chuyên gia lo ngại số người chết sẽ tiếp tục tăng và hàng triệu người sẽ phải đứng trước những lựa chọn khó khăn thảm khốc với mỗi đợt nắng nóng mới. Theo WMO, năm 2023, lục địa châu Á chịu thiệt hại nặng nề nhất do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước.

Với một mùa Hè 2024 nóng bỏng ngay từ đầu trong khi nguồn lực và kinh phí để giải quyết những vấn đề này còn hạn chế, giới chuyên gia lo ngại rằng châu Á sẽ phải đương đầu với vô vàn khó khăn nếu thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Như đánh giá của ông Nicholas Rees, Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu tại Văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Bangkok, “thật không may, thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á, chưa chuẩn bị cho những tác động sắp tới.

Sẽ cần nỗ lực tập thể ở quy mô lớn để thiết lập các hệ thống cần thiết nhằm ứng phó tác động của biến đổi khí hậu." Có thể thấy, giải pháp "hạ nhiệt" bền vững chỉ có thể đến từ hoạt động phối hợp toàn cầu, hợp tác, cùng hành động để vượt qua thách thức biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/duong-dau-voi-nang-nong-song-giua-chao-lua-post943453.vnp