Dự thảo Luật Đường bộ có gì mới - Kỳ 2 : Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động vận tải

Luật Đường bộ sau khi có hiệu lực thi hành hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi phát sinh từ thực tiễn đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Dự thảo Luật Đường bộ điều chỉnh nhiều loại hình kinh doanh vận tải

Dự thảo Luật Đường bộ điều chỉnh nhiều loại hình kinh doanh vận tải

Giải quyết những tồn tại trong vận tải

Luật Giao thông đường bộ 2008 còn những tồn tại trong quản lý hoạt động vận tải mà các quy định trong Luật, Nghị định, Thông tư chưa theo kịp được sự phát triển của vận tải trong thời gian qua. Cụ thể, thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít. Việc phân loại loại hình kinh doanh vận tải chưa phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ, gây ra khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau; quy định hiện nay chưa đề cập đầy đủ trách nhiệm của chủ phương tiện; khung pháp lý trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu.

Theo ông Thân Văn Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), thời gian qua xe hợp đồng trá hình, xe limousine, xe ghép... nở rộ đã làm cho thị phần vận tải bị phân hóa rõ. Xe trong bến không có khách, xe chạy dù thì "lông nhông" khắp các ngõ ngách đã gây ra khó khăn trong công tác quản lý cũng như tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, các khung pháp lý trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu và quy định hiện nay chưa đề cập đầy đủ trách nhiệm của chủ phương tiện trong quản lý, sử dụng, vận hành doanh nghiệp vận tải.

Khắc phục tồn tại này, theo ông Thanh, Dự thảo Luật Đường bộ cần có quy định nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ, tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường bộ, cơ cấu lại thị phần vận tải trong lĩnh vực đường bộ...

Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện Phòng Pháp chế Thanh tra (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tại Điều 56, khoản 7 Dự thảo Luật Đường bộ quy định rõ về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải sử dụng xe chở người trên 9 chỗ để vận tải hành khách, có xác định bến xe đi và đến với lịch trình và hành trình cố định. Đối với kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi chở đến 9 chỗ ngồi để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách, phương thức tính tiền cước do hành khách lựa chọn có thể qua đồng hồ tính tiền, hoặc phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử, hay tính cước theo thỏa thuận với đơn vị kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, cùng với những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng vận tải hành khách hiện nay.

Dự thảo Luật Đường bộ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý vận tải

Dự thảo Luật Đường bộ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý vận tải

Một số điểm mới quy định về vận tải

Sau quá trình tổng kết, nghiên cứu cho thấy, bên cạnh việc phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ GTVT cho biết cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định có tính chất đặc thù. Riêng về hoạt động vận tải, cần điều chỉnh các loại hình kinh doanh cho phù hợp với thực tế.

Quan điểm xây dựng luật liên quan tới hoạt động vận tải bao gồm việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ, tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường bộ, cơ cấu lại thị phần vận tải trong lĩnh vực đường bộ...

Theo đó, Dự thảo Luật Đường bộ dành toàn bộ Chương IV gồm 24 Điều (từ Điều 56 đến Điều 80) quy định về hoạt động vận tải đường bộ. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Dự thảo Luật Đường bộ có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Trước hết, Luật Đường bộ bổ sung các quy định về hoạt động vận tải đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ trong nước, hoạt động vận tải đường bộ quốc tế. Dự thảo Luật cũng quy định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ để có những điều tiết phù hợp giữa hai loại hình này, đảm bảo công bằng, minh bạch, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ (Điều 56).

Cũng tại Điều 57 của Dự thảo Luật có điểm mới là sắp xếp lại các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, Dự thảo Luật quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa.

Điều 58 của Dự thảo Luật còn quy định quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô, như đơn vị kinh doanh phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, công bố tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải và chịu trách nhiệm về hậu quả mà người lao động, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trái quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng không phù hợp với loại xe, hoặc lái xe đang bị tước hoặc thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hành khách.

Tại Điều 69, Dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương có thiết bị y tế chuyên dùng để vận tải người bệnh cấp cứu hoặc vận tải người bệnh, trong đó xe ô tô cứu thương vận tải người bệnh phải có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin, gắn thiết bị giám sát hành trình, camera và truyền dữ liệu, hình ảnh đảm bảo an toàn hành trình theo quy định.

Tiếp đến, tại Điều 70 bổ sung quy định về hoạt động vận tải đưa, đón học sinh bằng xe ô tô, theo đó hoạt động vận tải đưa, đón học sinh bằng xe ô tô có thể do cơ sở giáo dục đào tạo tự tổ chức phải đáp ứng các quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải.

Liên quan đến một số loại dịch vụ, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về dịch vụ cho thuê phương tiện, bao gồm dịch vụ cho thuê phương tiện để tự lái, dịch vụ cho thuê phương tiện để kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. Đơn vị kinh doanh cho thuê phương tiện để tự lái phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể cũng được quy định tại Luật này.

Cùng với đó, Dự thảo Luật Đường bộ bổ sung quy định về dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ (Điều 79); ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô (Điều 80) để phù hợp với thực tiễn phát sinh.

Vũ Thành Vũ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/du-thao-luat-duong-bo-co-gi-moi-ky-2-tang-cuong-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-hoat-dong-van-tai-183240516092044873.htm