Đồng chí Đào Duy Tùng - nhà lãnh đạo cấp cao tài năng của Đảng

Đồng chí Đào Duy Tùng là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhân cách, đạo đức, trí tuệ của đồng chí trở thành tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân học tập.

Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã từ tháng 4/1945. Tháng 9/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ cán bộ Mặt trận Việt Minh ở cơ sở, đồng chí nhanh chóng trưởng thành trên các cương vị là Bí thư Huyện ủy, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

 Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Đào Duy Tùng (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII. Ảnh tư liệu.

Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Đào Duy Tùng (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII. Ảnh tư liệu.

Tháng 5/1955, đồng chí về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Trong hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng, đồng chí lần lượt giữ các cương vị: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1956-1962), Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (tháng 12/1962) kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng (1965-1982); Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương (tháng 3/1982 - 11/1986).

Tháng 12/1976 - 12/1986, đồng chí liên tiếp được bầu là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

 Năm 2005, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ xã Cổ Loa và khánh thành nhà lưu niệm đồng chí Đào Duy Tùng, tại thôn Chợ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Dangcongsan.vn

Năm 2005, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ xã Cổ Loa và khánh thành nhà lưu niệm đồng chí Đào Duy Tùng, tại thôn Chợ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Dangcongsan.vn

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều vị trí công tác, dù ở cương vị nào, đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện là một người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy, một nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao, có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Đặc biệt, đồng chí Đào Duy Tùng thể hiện là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng trong công tác tư tưởng, lý luận. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn trên nhiều mặt, từ hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần hình thành các quyết định quan trọng của Đảng đến công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, các nghị quyết, văn kiện của Đảng; từ công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đến công tác nghiên cứu dư luận xã hội và báo chí...

Bước vào thời kỳ đổi mới và trong suốt thập niên đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu thực tiễn, tìm tòi, phát hiện cái mới để xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng. Trước Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí với vai trò là Tổ phó Tổ Biên tập Báo cáo Chính trị đã dày công xây dựng bản kết luận của Bộ Chính trị (khóa V) đối với một số vấn đề quan điểm kinh tế. Nội dung của bản kết luận này được đưa vào báo cáo chính trị và thông qua tại Đại hội VI, đánh dấu sự đổi mới rất cơ bản về tư duy kinh tế của Đảng ta.

Sau Đại hội VI, đồng chí được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ Thường trực Ban Soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển KT-XH. Bám sát thực tiễn cách mạng trong nước và thế giới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị ngày đêm trăn trở, tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tổng kết lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được Đại hội VII thông qua.

Từ Đại hội VI đến Đại hội VII và trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội VIII, nhất là khi được giao giữ chức Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, đồng chí đã tập trung trí tuệ, tâm huyết tổng kết sự phát triển đổi mới tư duy của Đảng, vừa góp phần xây dựng văn kiện, vừa góp phần truyền đạt tư tưởng đổi mới của Đảng cho cán bộ, đảng viên.

 Sáng 13/5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng. Ảnh TTXVN.

Sáng 13/5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng. Ảnh TTXVN.

Đồng chí là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán 100” rồi “khoán 10” đến Cương lĩnh đổi mới đất nước. Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước thời kỳ bước vào đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với Nhân dân, học hỏi kinh nghiệm gần xa, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Có thể nói, “3 quan điểm kinh tế”, “4 nguy cơ” và “2 điều đánh giá tổng quát” về 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng ta nhưng mang dấu ấn của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt khái quát lý luận.

74 năm tuổi đời, hơn 50 năm hoạt động cách mạng liên tục; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú, dạn dày, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí đã nêu gương sáng về người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo cao cấp tài năng, đổi mới của Đảng, có nhiều cống hiến xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, lý luận; một tấm gương về đạo đức cách mạng cao đẹp.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng là dịp để chúng ta tôn vinh những cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; qua đó, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

P.V tổng hợp

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/dong-chi-dao-duy-tung-nha-lanh-dao-cap-cao-tai-nang-cua-dang-post266816.html