Đổi thay U Minh Thượng

Huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm ở vị trí trung tâm của vùng căn cứ U Minh Thượng, có vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Từ sau giải phóng đến nay, cấp ủy, chính quyền, quân, dân huyện U Minh Thượng phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương khởi sắc.

Nông dân xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng thu hoạch tôm càng xanh.

Nông dân xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng thu hoạch tôm càng xanh.

Huyện U Minh Thượng được thành lập từ tháng 5-2007 theo Nghị định số 58/2007/NĐ-CP, ngày 6-4-2007 của Chính phủ. Quân và dân các địa phương trên địa bàn huyện có truyền thống đấu tranh cách mạng từ lâu đời.

Những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng về thăm căn cứ Tỉnh ủy tại ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, trước đây địa điểm này thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá. Năm 1972-1973, được sự đùm bọc của nhân dân, Tỉnh ủy Rạch Giá đóng căn cứ, lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hành động phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ, ngụy. Đến năm 1974, Tỉnh ủy giao căn cứ này cho Khu ủy để lãnh đạo toàn khu đến chiến thắng 30-4-1975.

Ông Nguyễn Văn Công - cựu chiến binh ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa kể: “Hồi ấy, tôi tham gia du kích ở ấp Vĩnh Tiến. Đây là vùng căn cứ cách mạng nên giặc đánh phá dữ lắm, có ngày 3 chiếc cán gáo, 2 trực thăng bay rầm rầm trên đầu, bắn chết hơn trăm người dân. Sự hung ác của giặc không làm lung lay ý chí cách mạng của quân và dân ta. Dân ta che chở cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng đến ngày toàn thắng”.

Cựu chiến binh Lê Văn Hành (84 tuổi), ngụ ấp Cây Bàng, xã Vĩnh Hòa kể: “Sau tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, năm 1969 là năm ác liệt nhất ở U Minh Thượng, địch đánh phá ác liệt gọi là “tát dân” để dân chạy ra ngoài thành thị, không còn đùm bọc, che chở cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Hồi ấy cha tôi bị giặc giết, máu căm hờn sục sôi nên tôi quyết tâm đánh giặc. Ngày giải phóng, cả xóm vui mừng, nhà nhà phấn khởi”.

Theo Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng Nguyễn Quốc Cường, trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, các địa phương trên địa bàn huyện U Minh Thượng là nơi có phong trào du kích chiến tranh phát triển khá mạnh với nhiều ấp, xã chiến đấu. Lực lượng du kích phát triển rộng khắp, bám đất, bám dân, kiên cường chiến đấu, bảo vệ cách mạng, bảo vệ vùng căn cứ kháng chiến, cùng với bộ đội tỉnh, khu lập nhiều chiến công vang dội.

Là chiến trường ác liệt, trực tiếp đọ sức với quân thù cũng là hậu phương, là căn cứ của tỉnh Rạch Giá, của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9, quân và dân các địa phương trên địa bàn huyện U Minh Thượng vừa chiến đấu vừa phát triển sản xuất, huy động sức người, sức của cho kháng chiến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong mùa xuân năm 1975.

“Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đất nước tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, đặc biệt, từ năm 2007 khi huyện U Minh Thượng được thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh”, đồng chí Nguyễn Quốc Cường khẳng định.

Về huyện U Minh Thượng những ngày tháng 4 chúng tôi cảm nhận được sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Trên tuyến đường đê bao vùng đệm, nông dân và thương lái vận chuyển chuối, bắp chuối, rau, củ các loại. Chị Trần Thị Vỹ - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết: “Năm nay nhiều loại rau màu như khoai, ớt, bắp… tăng giá giúp nông dân có lãi, cuộc sống khởi sắc”.

Còn chị Hà Thị Xuân, ngụ ấp Minh Thượng, xã Minh Thuận nói: “Nông dân vùng đệm chủ yếu trồng chuối xiêm, rau màu. Năm nay giá chuối xiêm ổn định, giá một số loại rau màu tăng nhẹ nên gia đình tôi và bà con thu lãi khá”.

Theo Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Nguyễn Quốc Khởi, huyện phát triển đa dạng hình thức sản xuất phù hợp đặc điểm từng vùng … Đến nay, 4/6 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận nghề truyền thống với nghề làm mắm cá lưỡi trâu và khô cá sặc rằn trên địa bàn huyện. Huyện có 4 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao cấp tỉnh tạo điều kiện cho nông dân nâng chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//chinh-tri/doi-thay-u-minh-thuong-13608.html