Đồi C4 - trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng bất tử

Trận địa pháo trên điểm cao Đồi C4 là nơi chứng kiến những cuộc đụng độ ngoan cường của quân và dân ta nhằm bảo vệ cầu Hàm Rồng thông suốt trong chiến tranh chống Mỹ

Trận địa pháo Đồi C4 Hàm Rồng (nằm trong dãy núi Rồng, thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), cách bờ sông Mã khoảng 500 m, nơi có cây cầu Hàm Rồng bắc qua, được xem như "tọa độ lửa" trong những năm tháng chống Mỹ của quân và dân ta.

Đồi C4, nơi đặt trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng trong chiến tranh chống Mỹ

Trận địa pháo cao xạ trên đồi C4 được hình thành ngày 31-5-1965 với lực lượng chủ lực là Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228, Quân chủng Phòng không Không quân. Đây là lực lượng chủ yếu trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá loại lần thứ nhất của Đế quốc Mỹ tại "tọa độ lửa Hàm Rồng".

Tại "tọa độ lửa" này các lực lượng bộ đội phòng không không quân cùng với quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, bảo vệ cầu, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần cùng quân, dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng điểm cao Đồi C4 vẫn in đậm dấu ấn hào hùng của một thời máu lửa và là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.

Khám phá trận địa pháo trên Đồi C4 bảo vệ cầu Hàm Rồng

Trận địa pháo cao xạ trên đồi C4 được hình thành ngày 31-5-1965 với lực lượng chủ lực là Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228, Quân chủng Phòng không - Không quân

Tại khu vực này, bộ đội bố trí trận địa pháo bao gồm một hầm chỉ huy ở khu vực trung tâm, hai trung đội pháo B1, B2, 6 khẩu đội, một hầm câu lạc bộ và hai hầm đạn

Tại nóc hầm chỉ huy có 2 vị trí dành cho đại đội phó, chính trị viên phó để quan sát và nhận lệnh phất cờ để các khẩu đội nhằm thẳng hướng máy bay địch mà bắn

Tại vị trí này, xung quanh hầm chỉ huy là các lô cốt được đắp cao hơn mặt đất khoảng 1 m, cũng là vị trí chiến đấu chính của 6 khẩu đội pháo được đánh số từ một đến 6

Ở phía Đông hầm chỉ huy đặt các khẩu pháo từ 1-3

Còn ở phía Tây là 3 khẩu pháo còn lại

Hầm chữ A tại một lô cốt. Tại các lô cốt trên đồi C4 đều có các hầm chữ A để cho bộ đội ẩn náu khi máy bay Mỹ ném bom

Bên trong hầm trú ẩn là nơi họp bàn tác chiến

Hầm câu lạc bộ là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các chiến sĩ sau các trận đánh

Dấu tích một hố bom trên Đồi C4. Vị trí chiến đấu của Khẩu đội 4 - cũng gọi là "khẩu đội tử", nơi đây là nỗi khiếp sợ của không quân Mỹ trong 9 năm bắn phá cầu Hàm Rồng nhưng cũng chứng kiến nhiều mất mát hi sinh của quân ta

Bảng ghi danh những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ cầu Hàm Rồng luôn thông suốt. Trong đó, có trận đánh với không quân Mỹ ngày 3-9-1967, cả khẩu đội 4 với 11 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh

Năm 2013, các lô cốt trên trận địa pháo cao xạ Đồi C4 được chính quyền địa phương trùng tu

Ngày 4-4-1975, Đại đội 4 rời cao điểm C4 hành quân vào Nha Trang bảo vệ vùng giải phóng, chính thức hoàn thành sứ mệnh lịch sử bảo vệ cầu Hàm Rồng. Năm 1969, Đại đội 4 là đơn vị đầu tiên của Trung đoàn 228 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Sau 9 năm chiến đấu cùng với quân dân Hàm Rồng, Đại đội 4 đã đánh hơn 400 trận, góp phần bắn rơi 117 máy bay phản lực hiện đại, trong đó 2 máy bay B52 và 1 máy bay không người lái. Năm 1975, trận địa pháo Đồi C4 được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia

Cây cầu Hàm Rồng huyền thoại ngày nay. Cùng với Đồi C4, cầu Hàm Rồng... hiện là những điểm đến hấp dẫn du khách và cũng là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống các mạng cho thế hệ mai sau.

Tuấn Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doi-c4-tran-dia-phao-bao-ve-cau-ham-rong-bat-tu-196240430083455608.htm