Diễn biến sau vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Iran thiệt mạng

Vụ tai nạn máy bay trực thăng khiến Tổng thống và Ngoại trưởng Iran thiệt mạng đang khiến toàn khu vực và thế giới chấn động.

Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 20.5, truyền thông nhà nước Iran (IRNA) cho biết, thi thể của Tổng thống Ebrahim Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian và những người khác đã được tìm thấy tại hiện trường sau hàng giờ tìm kiếm sau khi máy bay trực thăng của ông được xác nhận gặp tai nạn tại một khu vực miền núi sương mù dày đặc ở phía tây bắc đất nước. Theo IRNA, trên trực thăng còn Thống đốc tỉnh Đông Azarbaijan Malek Rahmati và một số nhân viên an ninh, cảnh vệ, tổng cộng có 9 người.

Chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi được chụp khi cất cánh tại biên giới giữa Iran với Azerbaijan ngày 18.5 trước khi gặp nạn. Ảnh: IRNA

Chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi được chụp khi cất cánh tại biên giới giữa Iran với Azerbaijan ngày 18.5 trước khi gặp nạn. Ảnh: IRNA

Trước đó, vào ngày 19.5, chiếc trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Raisi và phái đoàn tháp tùng đã gặp sự cố và phải “hạ cánh khẩn cấp” ở tỉnh Đông Azarbaijan sau khi hộ tống Tổng thống Iran tới biên giới giữa Iran với Azerbaijan để dự lễ khánh thành một khu liên hợp hóa dầu.

Phái đoàn tháp tùng ông Raisi di chuyển trên 3 chiếc máy bay trực thăng. Khoảng 30 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay chở ông Raisi mất liên lạc với hai chiếc còn lại. Các máy bay trực thăng ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm xung quanh khu vực trong khoảng 20 phút, nhưng buộc phải hạ cánh khẩn cấp do điều kiện thời tiết xấu và sương mù dày đặc.

Các quan chức Iran cho biết địa hình đồi núi, rừng rậm và sương mù dày đặc đã cản trở các hoạt động tìm kiếm cứu nạn được tiến hành trong ngày 19.5. Chủ tịch Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran, Pir-Hossein Koulivand, cho biết hơn 70 đội tìm kiếm đã có mặt tại hiện trường bất chấp “điều kiện thời tiết khó khăn”. Theo ông Koulivand, vì thời tiết xấu nên "không thể tiến hành tìm kiếm trên không" bằng máy bay không người lái.

Sớm ngày 20.5, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một đoạn video quay từ máy bay không người lái, cho thấy một đám cháy ở khu vực tìm kiếm mà họ “nghi ngờ là mảnh vỡ của chiếc trực thăng”. Tọa độ được liệt kê trong đoạn phim khiến đám cháy cách biên giới Azerbaijan-Iran khoảng 20km về phía nam, bên sườn một ngọn núi dốc.

Sau khi lực lượng cứu hộ xác định được các mảnh vỡ trực thăng, một quan chức Iran cho biết chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi đã hoàn toàn bị thiêu rụi khi rơi xuống. “Thật không may, toàn bộ người trên máy bay e rằng đều đã chết”, vị quan chức nói với hãng tin.

Ai sẽ lên làm Tổng thống Iran?

Tổng thống Raisi được coi là cánh tay phải của vị lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và là người kế nhiệm tiềm năng cho vị trí của ông. Ông Khamenei đã công khai đảm bảo với người Iran rằng sẽ “không có sự gián đoạn nào đối với hoạt động của đất nước” do vụ tai nạn.

Theo Hiến pháp Iran, nếu một tổng thống qua đời khi đang tại nhiệm thì phó tổng thống thứ nhất sẽ lên thay, sau khi có xác nhận của lãnh tụ tối cao vốn là người có tiếng nói quan trọng nhất trong mọi vấn đề của Iran. Sau đó, một hội đồng gồm phó tổng thống thứ nhất, chủ tịch quốc hội và người đứng đầu cơ quan tư pháp phải tổ chức bầu cử tổng thống mới trong thời gian tối đa là 50 ngày.

Tổng thống Raisi đắc cử vào năm 2021. Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2025.

Tại Iran, chức vụ phó tổng thống thứ nhất là một vị trí được bổ nhiệm chứ không phải do dân bầu. Phó tổng thống đảm nhận một số quyền hạn của thủ tướng sau khi chức thủ tướng bị bãi bỏ vào năm 1989. Vị trí Phó tổng thống thứ nhất hiện là ông Mohammad Mokhber.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Raisi đã bổ nhiệm ông Mokhber làm phó tổng thống thứ nhất vào tháng 8.2021. Trước khi được bổ nhiệm làm phó tổng thống, ông Mokhber đã có 14 năm làm Giám đốc Setad - một tập đoàn kinh tế hùng mạnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực từ thiện. Theo Reuters, Setad nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà lãnh tụ tối cao Iran, có trị giá ước tính hàng chục tỷ USD. Dưới sự lãnh đạo của ông Mokhber, Setad đã phát triển vaccine Covid - 19 của Iran có tên Coviran Barekat vào giai đoạn đỉnh điểm đại dịch.

Cộng đồng quốc tế gửi lời chia buồn sâu sắc

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã gửi lời chia buồn tới nhà lãnh đạo tối cao của Iran, nói trong một tuyên bố rằng ông và chính phủ của ông “bị chấn động trước sự mất mát nặng nề xảy ra với Cộng hòa Hồi giáo Iran anh em và thân thiện cũng như người dân nước này”.

Sự qua đời của Tổng thống khiến “người dân Iran mất đi một chính khách xuất sắc, người đã phục vụ đất nước một cách quên mình và trung thành suốt cuộc đời. Ký ức tươi sáng về Tổng thống Raisi sẽ luôn sống trong trái tim chúng tôi”, ông Aliyev nói.

Trước đó, Azerbaijan đã cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho hoạt động tìm kiếm trực thăng gặp nạn bất chấp mối quan hệ giữa hai nước thời gian gần đây không còn mặn nồng do quan hệ ngoại giao của Azerbaijan với Israel.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi đã để tang Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các quan chức cấp cao khác của Iran. Trong một tuyên bố, ông el-Sissi bày tỏ tình đoàn kết của đất nước ông với “lãnh đạo và người dân Iran trong sự mất mát to lớn này”.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã công bố một ngày quốc tang để bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Tổng thống Iran. “Tôi cùng chính phủ và người dân Pakistan gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc nhất tới đất nước Iran về sự mất mát khủng khiếp này. Đất nước Iran vĩ đại sẽ vượt qua thảm kịch này bằng lòng dũng cảm vốn có”, ông Sharif viết trên nền tảng xã hội X hôm 20.5.

Thủ tướng Iraq, quốc gia đồng minh thân thiết của Iran và Thủ tướng Ấn Độ cũng gửi lời chia buồn sâu sắc với người dân Iran, khẳng định luôn sát cánh cũng người dân nước này.

Hiện chưa có phản ứng chính thức nào từ Israel, quốc gia được coi là thù địch của Iran. Tháng trước, sau cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà lãnh sự Iran ở Damascus khiến hai tướng Iran thiệt mạng, Tehran đã phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào Israel. Sự việc đã được doa dịu sau khi cồng đồng quốc tế gây áp lực buộc các bên kiềm chế.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/dien-bien-sau-vu-tai-nan-truc-thang-khien-tong-thong-iran-thiet-mang-i372297/