Để di sản văn hóa 'sống' trong cộng đồng

Thanh Hóa được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định là một trong những 'cái nôi di sản' của Việt Nam. Khẳng định như thế, trước hết là nhờ bởi một hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo có lịch sử hàng trăm năm, thậm chí là hàng nghìn năm. Trong đó, phải kể đến Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) - tòa thành bằng đá 'độc nhất vô nhị' ở Việt Nam và trên thế giới, đã được UNESCO tôn vinh và chính thức ghi tên vào kho tàng di sản văn hóa thế giới vào năm 2011.

“Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” trong lễ hội Ngư Võng Phường được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” trong lễ hội Ngư Võng Phường được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, nhiều phần kiến trúc tại Thành Nhà Hồ đã bị hủy hoại, vùi lấp. Nhằm phát huy giá trị Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều nguồn lực cho việc tổ chức các cuộc khai quật khảo cổ. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cũng đẩy mạnh việc sưu tầm, phát hiện trưng bày các hiện vật tại Thành Nhà Hồ và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch tạo sức hấp dẫn du khách đến tham quan.

Mỗi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên mảnh đất xứ Thanh đều là hiện thân của những giai đoạn đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Chính vì vậy, việc trân trọng và giữ gìn giá trị di sản mà tiền nhân để lại cũng chính là trách nhiệm mà hậu thế. Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, công tác lập hồ sơ khoa học công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh được quan tâm chỉ đạo triển khai. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích ngày càng được quan tâm, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Riêng trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý I/2024 có 163 công trình, dự án, di tích đã và đang được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp di tích. Đồng thời, đã bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí bảo quản, tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích, với tổng kinh phí dự kiến thực hiện trên 715 tỷ đồng. Từ việc trùng tu, tôn tạo nhiều di tích đã có diện mạo khang trang, bề thế, là điểm đến hấp dẫn du khách.

Cùng với di sản văn hóa vật thể, xứ Thanh cũng là “cái nôi” của nhiều lễ hội, trò chơi, trò diễn tiêu biểu, độc đáo mang đậm sắc thái riêng của các dân tộc. Nếu đã từng một lần tham dự lễ hội Ngư Võng Phường của làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa) tổ chức từ ngày mùng 8 đến 12 tháng Giêng hằng năm, chắc hẳn nhiều người sẽ ấn tượng với nghệ thuật “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ”. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng sông nước của cộng đồng làng Nhân Cao, với mong muốn được dâng lên các vị thần linh, tổ nghề bằng tất cả lòng thành kính của mình. Nét độc đáo trong nghệ thuật “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” chính là sự kết hợp giữa hát chèo chải cũng như các động tác múa để tạo nên tổ khúc múa đèn. Dù đặc sắc là vậy, song đã từng có thời gian loại hình nghệ thuật này bị mai một, tưởng chừng không còn hiện diện trong đời sống. Với quyết tâm đưa loại hình nghệ thuật này trở lại đời sống cộng đồng, chính quyền và người dân làng Nhân Cao đã nỗ lực khôi phục, bảo tồn. Để rồi, với ý nghĩa và giá trị riêng có, nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trải qua thăng trầm của thời gian, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được các cấp, ngành, địa phương khôi phục, bảo tồn và trao truyền để “vươn mình” khỏi giới hạn địa lý, trở thành những di sản văn hóa quốc gia. Điển hình phải kể đến như lễ hội Trò Chiềng, lễ hội Đền thờ Lê Hoàn, lễ hội Mường Khô... Đồng thời, có nhiều chính sách phục dựng và duy trì nhiều lễ hội truyền thống, nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc như lễ hội Mường Xia, lễ hội Mường Ca Da, lễ hội Nàng Nga - Hai Mối, lễ cấp sắc của người Dao...; chữ viết, lễ cầu nước, khặp (dân tộc Thái); trang phục của dân tộc Thổ... Cùng với nhiệm vụ bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, điền dã tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể cũng được triển khai và mang lại hiệu quả bước đầu.

Những di sản văn hóa đậm đà bản sắc xứ Thanh là tinh hoa được chắt lọc ngàn đời. Đó cũng chính là tài sản vô giá mà con cháu đang được thừa hưởng và có trách nhiệm trân trọng, gìn giữ, bảo tồn, phát huy cho muôn đời sau.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/de-di-san-van-hoa-song-trong-cong-dong-31103.htm