Dầu thô trượt dốc, đô la Mỹ mạnh lên do kỳ vọng lãi suất

Giá dầu ngày 22/5 tiếp tục giảm trong phiên thứ ba liên tiếp, còn đồng đô la Mỹ mạnh lên do dự đoán Fed sẽ giữ lãi suất cơ bản cao hơn và lâu hơn khi lạm phát kéo dài.

Lãi suất vay cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ. Ảnh: Reuters

Lãi suất vay cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ. Ảnh: Reuters

Dầu thô Brent giao kỳ hạn đã rớt giá 43 US cent, tương đương 0,5%, xuống 82,45 USD/thùng trong phiên giao dịch 22/5. Tương tự, dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ giảm 50 cent, tương đương 0,6%, xuống 78,16 USD/thùng. Trước đó, giá của hai loại dầu thô trên giảm khoảng 1% trong ngày 21/5.

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 21/5 cho rằng cơ quan này nên đợi thêm vài tháng nữa để đảm bảo rằng lạm phát thực sự trở lại mục tiêu 2% trước khi cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, lãi suất vay cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ.

Các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ đã tăng lên trong tuần trước, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất giảm.

Trước thềm khởi động mùa lái xe du lịch cao điểm vào mùa hè ở Mỹ, giá xăng bán lẻ tại nước này đã sụt giảm trong tuần thứ tư liên tiếp. Tương tự, giá dầu diesel tại Mỹ, một sản phẩm tinh chế quan trọng cho các lĩnh vực công nghiệp và vận tải, cũng đi xuống.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất (diễn ra trong hai ngày 30/4 - 1/5) của Fed và dữ liệu tồn kho dầu hàng tuần của Mỹ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào cuối ngày 22/5.

Trong khi đó, đồng đô la Mỹ được dự báo sẽ mạnh lên trong thời gian tới nếu Fed giữ lãi suất ổn định, còn các quốc gia khác lựa chọn cắt giảm chi phí lãi vay, theo Goldman Sachs.

"Nếu Fed giữ ổn định (lãi suất - BTV) nhưng nhiều nước khác quyết định tiến hành nới lỏng thay vì đợi Fed, thì sự khác biệt về chính sách có thể sẽ khiến đồng đô la Mỹ mạnh hơn trong thời gian dài hơn", một nhóm chiến lược gia tiền tệ của Goldman Sachs do Kamakshya Trivedi và Joseph Briggs dẫn đầu, đã khuyến cáo các khách hàng.

Kể từ đầu năm đến nay, đồng bạc xanh đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền mạnh khác trong nhóm G10 và bằng chứng là chỉ số theo dõi sức mạnh đồng đô la Mỹ của Bloomberg đã tăng gần 3%.

Các nhà giao dịch ngày càng hoài nghi về việc Fed dự kiến thực hiện hai đợt giảm lãi suất trong năm nay sau khi số liệu lạm phát tháng 4 có biểu hiện “lành tính” hơn. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số CPI tháng 4 đã tăng 0,3% so với tháng trước, nhưng thấp hơn một chút so với ước tính 0,4% của Dow Jones và các nhà kinh tế do Wall Street Journal khảo sát.

Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 40 điểm cơ bản vào cuối năm nay, trong đó mức giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên sẽ được ấn định vào cuộc họp chính sách tháng 11.

Thống đốc Fed Christopher Waller cho rằng nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục giảm trong vòng 3 đến 5 tháng tới, sẽ cho phép cơ quan này xem xét giảm chi phí đi vay vào cuối năm 2024.

Ngược chiều với Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã cam kết cắt giảm lãi suất vào ngày 6/6 trong bối cảnh triển vọng kinh tế tích cực hơn. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, khẳng định một cuộc phỏng vấn hôm 21/5 rằng bà "thực sự tin tưởng" lạm phát ở Eurozone đã được kiểm soát.

Nhóm chiến lược gia của Goldman Sachs cũng dự đoán Canada, Vương quốc Anh và Eurozone sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Họ cho rằng: "Khi sự khác biệt về chính sách vĩ mô và tiềm năng trở nên rõ ràng hơn, các nhà hoạch định chính sách đã chú ý đến những thay đổi của Fed nhằm hạn chế mức độ biến động tiền tệ".

Goldman Sachs cũng lưu ý rằng nếu các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu cắt giảm lãi suất "tương đối sớm và mạnh mẽ hơn" so với Fed, điều đó có thể giúp Mỹ đạt được mục tiêu lạm phát.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tho-truot-doc-do-la-my-manh-len-do-ky-vong-lai-suat-d215800.html