Đạo diễn Phạm Hoàng Nam tiết lộ vở đại nhạc kịch hoành tráng trên sông Sài Gòn

Từng được mời làm đạo diễn sân khấu của 'Lễ hội Sông nước TP.HCM' lần 1, anh Phạm Hoàng Nam cho biết, chương trình năm nay 'khó và thách thức, song sẽ hấp dẫn hơn'.

Phạm Hoàng Nam sẽ làm đạo diễn sân khấu vở đại nhạc kịch Chuyến tàu huyền thoại, trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2, diễn ra tại Nhà Rồng - Khánh Hội, cảng Sài Gòn.

Từng làm đạo diễn sân khấu của Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 1, Phạm Hoàng Nam cho biết, chương trình năm nay "khó và thách thức, song sẽ hấp dẫn hơn”.

Là người Hà Nội nhưng sống và gắn bó với Sài Gòn khá lâu nên Phạm Hoàng Nam luôn ý thức trách nhiệm đóng góp điều gì đó cho nơi này. Khi nghe ý tưởng của Tổng đạo diễn Lê Hải Yến "vừa liều, vừa đặc biệt" về Chuyến tàu huyền thoại, anh thấy chương trình thực sự xứng với tầm vóc của TP.HCM nên nhận lời.

Anh cho rằng, câu chuyện về những chuyến tàu huyền thoại trên sông Sài Gòn không mới. Cái mới ở chỗ chưa từng ai kể.

'Chuyến tàu huyền thoại' như bộ phim về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

'Chuyến tàu huyền thoại' như bộ phim về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

"Chương trình năm trước đưa yếu tố về văn hóa nhiều hơn, còn năm nay yếu tố lịch sử đậm nét, thể hiện bằng hình thức nghệ thuật trình diễn. Tôi hiểu khát vọng của Lê Hải Yến là muốn thực hiện một bộ phim sống động về lịch sử và văn hóa Việt Nam, qua đó tôn vinh các giá trị truyền thống và tinh thần yêu nước; đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì thế, ngoài mục đích tuyên truyền, tôi sẽ làm cho Chuyến tàu huyền thoại mang tính giải trí cao, cách thể hiện mới lạ'', đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ.

Thể loại nhạc kịch thường thách thức với mọi đạo diễn khi dàn dựng, ngay cả trong nhà hát, chứ chưa nói tới biểu diễn sân khấu ngoài trời. Tổng đạo diễn yêu cầu Phạm Hoàng Nam biến Chuyến tàu huyền thoại thành vở đại nhạc kịch.

"Thủ pháp sân khấu ước lệ và công nghệ được sử dụng triệt để, khán giả có thể xem từ mọi góc nhìn. Phần trình diễn vừa mang tính kể chuyện, tự sự của nhạc kịch vừa có tính hoành tráng của lễ hội. Chương trình phải giữ tính chính xác của tư liệu lịch sử, song phải dễ cảm nhận", đạo diễn Phạm Hoàng Nam bày tỏ.

Gần 1.000 diễn viên chuyên và không chuyên sẽ tham gia vở đại nhạc kịch 'Chuyến tàu huyền thoại'.

Gần 1.000 diễn viên chuyên và không chuyên sẽ tham gia vở đại nhạc kịch 'Chuyến tàu huyền thoại'.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết, phần casting diễn viên cho chương trình năm nay rất công phu. "Chúng tôi phải tìm nghệ sĩ sân khấu có tiếng, hiểu biết, cảm nhận sâu sắc các sự kiện lịch sử. Diễn viên phải tập luyện kỹ càng, đủ lâu để thẩm thấu nhân vật. Tuy nhiên, nghệ sĩ tại TP.HCM có lịch diễn dày đặc, vì thế tìm diễn viên cực khó, nhất là người vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng...", anh nói.

Theo đạo diễn, chương trình Dòng sông kể chuyện nên được thực hiện thường xuyên vì sẽ "kích cầu du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa".

"Bốn yếu tố làm cho địa phương trở nên khác biệt là văn hóa, thiên nhiên, lịch sử và tôn giáo. Con đường đúng đắn nhất là phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Chỉ tiếc ở Việt Nam điều đó vẫn còn hiếm, vì liên quan tới chủ trương, tầm nhìn, kinh phí đầu tư", đạo diễn Phạm Hoàng Nam nhận định.

Ảnh: BTC

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dao-dien-pham-hoang-nam-tiet-lo-vo-dai-nhac-kich-hoanh-trang-tren-song-sai-gon-2282755.html