Tiệm vàng ngừng bán, dân mua bán vàng 'sang tay' tấp nập ngoài đường như mua rau

Trưa 11/5, sau khi cửa hàng vàng ngừng bán, bên lề đường xuất hiện cảnh người dân mua bán vàng 'sang tay' tấp nập như mua rau ngoài chợ, bất chấp rủi ro về chất lượng.

Đua nhau mua, bán vàng tự phát ngoài đường

Giá vàng miếng SJC hôm nay dù giảm khá mạnh nhưng vẫn ở vùng đỉnh lịch sử trên 90 triệu đồng mỗi lượng. Bất chấp giá trên đỉnh cao, sáng sớm nay, trước các cửa hàng vàng ở Hà Nội, người dân vẫn kéo nhau đi xếp hàng dài chờ mua bán vàng, trong đó đa phần là người đi mua.

Đến 10h25’- sau hơn 1 giờ mở cửa - một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ thông báo ngừng bán ra, chỉ mua vào. Ngay lập tức, bên vệ đường trước cửa hàng xuất hiện cảnh mua, bán vàng “sang tay”.

Dù vàng là loại hàng hóa giá trị cao nhưng giao dịch mua, bán vàng kiểu tự phát này được thực hiện nhanh chóng, dễ như đi mua rau ngoài chợ.

Người dân vẫn xếp hàng dài đi mua vàng. Ảnh: Tiến Anh

Theo đó, các “cò” tiếp cận khách ngay trước các cửa hàng vàng để chào bán vàng miếng và vàng nhẫn. Giá mua, bán theo thỏa thuận của hai bên. Sau đó, khách mua chuyển khoản số tiền cần thanh toán cho “cò” và nhận vàng về mà không có bất cứ hóa đơn giấy tờ gì.

Ghi nhận của PV. VietNamNet, có người mua vài chỉ, có người mua 1-2 lượng tùy nhu cầu. Đáng chú ý, hoạt động mua bán vàng tự phát ngoài đường diễn ra khá sôi động. Cứ vài phút lại có một giao dịch thực hiện thành công.

“Tôi phải mua 1 lượng vàng trả nợ. Nhưng trưa nay, đến cửa hàng vàng đã ngừng bán rồi nên đành mua của người bán ngoài đường thế này cho nhanh, giá lại rẻ hơn mua tại cửa hàng 1 triệu đồng/lượng mà vẫn là thương hiệu đó”, chị Vân ở Đống Đa vừa mua vàng “sang tay” ở ven đường Trần Nhân Tông, chia sẻ.

Giữa trưa, tại quán ăn cạnh tiệm vàng trên phố này, nhiều người dân cho hay, họ tranh thủ "cắm chốt" ở đây để chờ cửa hàng giao dịch trở lại ở phiên chiều. Có vị khách khoe với chủ quán rằng, “chị có một cây vàng đủ giấy tờ muốn bán" và "bán ngoài sẽ được giá hơn vào tiệm". Tuy nhiên, khi được một vị khách khác hỏi "giấy tờ của chị thì có nhưng nhỡ sau này có vấn đề gì thì biết tìm chị ở đâu”, vị khách này đành... im lặng.

Thực tế, kiểu mua, bán vàng “sang tay” diễn ra khá phổ biến trong những ngày gần đây khi giá tăng cao, vàng nhẫn và vàng miếng liên tục khan hiếm, “cháy hàng” trên diện rộng.

Trên các diễn đàn vàng online, hoạt động mua, bán vàng “sang tay” của các thương hiệu lớn như SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu... diễn ra tấp nập. Giá mua, bán dựa trên cơ sở giá niêm yết của các thương hiệu vàng. Tuy nhiên, khi mua, bán “sang tay”, phần chênh lệch giữa giá mua và bán vàng sẽ được chia đôi. Tức người mua cũng có lợi vì mua được vàng với giá thấp hơn và người bán thì bán được mức giá cao hơn giá các thương hiệu niêm yết.

Đơn cử, giá vàng miếng SJC hôm nay được giao dịch ở mức 88,8-91,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, chênh lệch giữa mua và bán là 2,5 triệu đồng/lượng. Khi mua bán “sang tay” với nhau, người mua sẽ mua được vàng SJC với giá 90,05 triệu đồng/lượng, rẻ hơn 1,25 triệu đồng/lượng so với mua ở cửa hàng. Tương tự, người bán cũng bán được giá 90,05 triệu đồng/lượng, cao hơn mức 88,8 triệu đồng/lượng mà cửa hàng niêm yết.

Rủi ro quá lớn đổ đầu người mua

Trước tình trạng mua, bán vàng tự phát diễn ra ngay lề đường, các cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu liên tục dùng loa phát đi cảnh báo cho khách.

“Hiện nay, xuất hiện nhiều cá nhân đứng ở ngoài các cơ sở Bảo Tín Minh Châu để mời chào khách hàng mua vàng, với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cửa hàng kiểm soát. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mua phải vàng giả, vàng nhái, không đúng chất lượng...

Người dân giao dịch vàng ngay ngoài đường, khi cửa hàng ngừng bán. Ảnh: Tiến Anh

Khách hàng nên giao dịch trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh chính thống hoặc trực tuyến trên các nền tảng chính chủ của thương hiệu vàng để được đảm bảo tất cả quyền lợi”, nội dung cảnh báo của Bảo Tín Minh Châu phát đi.

Trao đổi với PV. VietNamNet về tình trạng mua, bán vàng “sang tay” ngay ngoài đường, chuyên giá kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh thốt lên: “Như vậy thì rủi ro quá lớn”. Song ông cũng lý giải, đây là điều dễ hiểu khi giá vàng miếng tăng dựng đứng, trong khi nguồn cung khan hiếm.

Theo ông Thịnh, vừa qua đấu thầu vàng để tăng cung, nhưng giá tham chiếu cao, doanh nghiệp mua lượng vàng nhỏ hoặc không mua. Thế nên, cung vàng ra thị trường tăng không đáng kể so với nhu cầu hiện nay.

“Một số doanh nghiệp cũng bán vàng cầm chừng càng khiến cung ra thị trường khan hiếm hơn”, ông nói.

Đặc biệt, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 20 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa giá mua và bán lên tới 2,5 triệu đồng, thậm chí có thời điểm chênh 3 triệu đồng/lượng.

Từ những nguyên nhân này thúc đẩy hoạt động mua, bán vàng “sang tay”, thậm chí mua, bán tự phát bên lề đường diễn ra nhộn nhịp như hiện nay, ông Thịnh nhìn nhận.

Ông cho rằng, vàng là hàng hóa, cũng là tài sản nên việc chuyển nhượng là bình thường. Tuy nhiên, mua bán mà không có hóa đơn chứng từ, mua ngay ở ngoài đường thì rủi ro rất lớn. Theo đó, người mua chỉ được lợi vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/lượng nhưng sẽ tiềm ẩn nguy cơ mua phải vàng giả, vàng nhái, vàng kém chất lượng, vàng không đúng tuổi... thậm chí còn có nguy cơ bị cướp giật.

Ông Thịnh khuyến cáo, mọi người cần cẩn trọng hơn với hoạt động giao dịch kiểu này. Bởi công nghệ làm vàng giả, vàng nhái bây giờ cũng rất tinh vi. Khi mua, bán không kiểm tra kỹ dễ gặp rủi ro.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tiem-vang-ngung-ban-dan-mua-ban-vang-sang-tay-tap-nap-ngoai-duong-nhu-mua-rau-2279766.html