'Con sóc Trường Sơn' và ký ức tọa độ lửa

Trở lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn huyền thoại (19-5-1959 - 19-5-2024), nhiều cựu binh đã rơi nước mắt khi thấy lại hình ảnh của mình qua những thước phim lịch sử.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trao quà tặng gia đình chính sách tại tỉnh Quảng Trị

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trao quà tặng gia đình chính sách tại tỉnh Quảng Trị

Ở những “tọa độ lửa” trên đường Trường Sơn năm xưa như: Khe Sanh, đường 20 Quyết Thắng, bến phà Xuân Sơn, Hang Tám Cô… những ngày này thấp thoáng những người lính già quân phục chỉnh tề, nhiều lúc họ lặng người trôi về miền ký ức.

Gợi lại những tháng năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cựu chiến binh Lê Hồng Huân (82 tuổi, Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Thi đua, Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam) xúc động chia sẻ, mỗi lần trở lại Trường Sơn, hình ảnh những chiếc xe vận tải xuyên qua làn mưa bom, bão đạn của quân thù lại ùa về vẹn nguyên trong ký ức.

“Ở những trọng điểm trên đường Trường Sơn như đường 20 Quyết Thắng, bến phà Xuân Sơn…, ngày đó chiến sự diễn ra rất ác liệt, hầu như không có đêm, chỉ có ngày, bởi pháo địch thả xuống sáng rực suốt đêm không phút nào ngơi nghỉ. Rồi bom đạn dội xuống khiến cả những quả đồi bị san phẳng, mặt đường bị cày đi xới lại ngổn ngang, cây cối cháy rụi, rừng già biến thành đồi trọc… Nhưng những người lính công binh Trường Sơn vẫn kiên quyết “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, bám trụ ở ngay những trọng điểm ấy, khi địch ngừng đánh phá thì những người lính chúng tôi lại thông đường cho xe chạy”, cựu chiến binh Lê Hồng Huân nhớ lại.

 Cựu chiến binh Lê Hồng Huân (bên trái ngoài cùng) cùng những người lính Trường Sơn năm xưa thăm lại di tích Hang Tám Cô ở Quảng Bình

Cựu chiến binh Lê Hồng Huân (bên trái ngoài cùng) cùng những người lính Trường Sơn năm xưa thăm lại di tích Hang Tám Cô ở Quảng Bình

Trong cả triệu lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong hành quân từ Bắc vào Nam, những ai đã đi qua đều không bao giờ có thể quên A-T-P (tên viết tắt địa danh cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) nằm trên trục đường 20 Quyết Thắng ở Quảng Bình. Đó là những trọng điểm bị máy bay địch đánh phá ác liệt nhất trong những năm tháng chiến tranh.

Lịch sử Đoàn 559 Trường Sơn ghi rõ: Trên trọng điểm A-T-P, địch đã ném bom và bắn phá hơn 10.000 lần, trong đó 2.450 lần máy bay B52 rải thảm. Có ngày, địch huy động 93 lượt máy bay, với 8 lượt B52 ném bom xuống A-T-P nên mỗi ngày một người lái xe Trường Sơn thường chỉ chạy được 1 chuyến, tức là 2 lần đi về vượt qua trọng điểm A-T-P.

Khốc liệt là thế, nhưng anh lính Lê Hồng Huân ngày ấy đã điều khiển xe tải GAZ-63 với 8 lần vượt qua cột mốc tử thần A-T-P chỉ trong một đêm. Đồng đội đã đặt cho ông biệt danh thân thương là “Con sóc Hà Nội - Con sóc Trường Sơn”. Đó cũng là cái tên gắn liền với một kỷ lục đến bây giờ vẫn được coi là “kỷ lục lịch sử” trên tuyến đường vận chuyển chi viện cho miền Nam.

Nhân kỷ niệm 65 năm mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2024), tối 19-5, tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức chương trình “Trường Sơn - Chân trần chí thép”. Tham dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Chương trình là khúc tráng ca về những con người đã làm nên huyền thoại Trường Sơn, nơi mỗi binh chủng là một anh hùng, mỗi con đường là một chứng tích lịch sử rực lửa.

Cùng ngày, Đại tướng Phan Văn Giang cùng đoàn công tác Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đến dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; trao kinh phí hỗ trợ tỉnh Quảng Trị xây dựng 20 nhà tình nghĩa, đồng thời thăm, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Trị.

65 năm đã qua, “Trường Sơn - chân trần chí thép” là câu chuyện về những con người “gan vàng, dạ ngọc”, “tường đồng vách sắt” đã viết nên huyền thoại Trường Sơn cho cả quá khứ, hiện tại và tương lai mai sau. Trở về chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa ngày ấy, ông Lê Hồng Huân và những cựu lính Trường Sơn gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, họ ôm lấy nhau mà khóc, họ ăn với nhau bữa cơm và thăm hỏi sức khỏe, gia đình. Tất cả cùng vỡ òa xúc động khi chứng kiến những vùng đất chiến sự năm xưa “bom cày, đạn xới” sau ngày giải phóng đã hồi sinh mạnh mẽ, vươn mình cùng đất nước.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/con-soc-truong-son-va-ky-uc-toa-do-lua-post740667.html