Cô giáo chỉ những lỗi sai dễ mất điểm khi làm bài môn tiếng Anh thi lớp 10

Trước kỳ thi vào lớp 10 cận kề, cô Nguyễn Thị Mai Hương (giáo viên trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ cách thức ôn và những lỗi sai dễ gặp phải khi làm bài thi môn tiếng Anh.

Cô Mai Hương cho rằng, giai đoạn ôn tập cuối trước khi thi, hay còn gọi “giai đoạn nước rút” là một trong những thời điểm quan trọng nhất, nhưng cũng khó khăn nhất đối với các học sinh. Bởi trong thời gian này, các em rất dễ cảm thấy bị quá tải, mệt mỏi, thậm chí chán nản, loay hoay không biết phải làm gì.

Để ôn tập một cách hiệu quả nhất, điều đầu tiên, các em cần có là sự chủ động: Biết mình cần gì, muốn gì và phải làm gì.

Trước hết, các em cần nắm được cấu trúc đề tiếng Anh (bao gồm: Ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, kỹ năng đọc, viết), những loại câu hỏi thường gặp (tìm từ có phần gạch chân phát âm khác với những từ còn lại, tìm từ đồng nghĩa, tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống,…) và hệ thống lại nội dung kiến thức đã được học (câu bị động, câu gián tiếp, câu điều kiện…).

Theo cô Hương, nội dung câu hỏi trong đề thi môn tiếng Anh rất rộng, với 40 câu hỏi là 40 kiến thức khác nhau. Tuy nhiên, với đối tượng là học sinh đại trà, đề thi có khoảng 40% ở mức độ nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng, và 10% vận dụng cao.

Bên cạnh đó, việc xác định được bản thân mình ở mức nào và mục tiêu cần đạt (mức điểm 6+, 7+, 8+ hay 9+) cũng rất quan trọng. Bởi mỗi đối tượng với mục tiêu điểm số khác nhau cần có định hướng ôn tập và sự ưu tiên các phần kiến thức khác nhau.

Cụ thể, đối với nhóm mục tiêu dưới 8, thời gian này, các em nên tích cực luyện đề và thấy hổng ở đâu sẽ tìm kiến thức bù đắp lại ở đó. “Chỉ tập trung vào những kiến thức đơn lẻ, có thể ghi nhớ được, và hãy bỏ qua những phần kiến thức nâng cao để tránh bị quá tải và lẫn kiến thức”, cô Hương khuyên.

Còn với nhóm học sinh khá giỏi, bên cạnh việc thường xuyên rà lại kiến thức cũ, đây cũng là thời điểm phù hợp để các em thử thách thêm các dạng câu hỏi đòi hỏi tính vận dụng cao, yêu cầu vận dụng cả kiến thức lẫn kỹ năng làm bài. Bên cạnh đó, các em cũng nên luyện đề thường xuyên để rà lại kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Mai Hương cùng các học trò.

Cô Nguyễn Thị Mai Hương cùng các học trò.

“Tiếng Anh có rất nhiều kiến thức nhỏ lẻ và dễ nhầm lẫn, việc lặp lại lỗi sai ở đề trước sang đề sau là dễ hiểu. Vậy nên, mỗi ngày, hãy dành ra khoảng 20 phút lắng lại kiến thức bằng cách xem lại các lỗi sai ở các đề đã làm”, cô Hương nói.

Những dạng bài, lỗi sai dễ bị mất điểm ở môn Tiếng Anh

Cô Mai Hương cũng chia sẻ những dạng bài, nhóm kiến thức của môn tiếng Anh mà thí sinh cần lưu ý thường bị mất điểm.

“Dù được trang bị đầy đủ lý thuyết và kiến thức, nhiều học sinh vẫn thường mất điểm ở những câu hỏi tưởng chừng đơn giản do thiếu kỹ năng làm bài. Hầu hết các lỗi này đều xuất phát từ sự chủ quan hoặc không đọc kỹ đề và yêu cầu của đề”, cô Hương nói.

Những dạng bài cô Hương lưu ý gồm:

- Dạng bài ngữ âm, quy tắc phát âm đuôi “-ed” và đuôi “-s” là một trong những phần thường gặp trong dạng bài tìm từ có phần gạch chân phát âm khác với số còn lại. “Hầu hết, đề thi trong những năm gần đây đều xuất hiện. Tuy nhiên, học sinh có xu hướng chủ quan, dù có ghi chép lại”, cô Hương nói.

- Dạng bài tìm từ đồng nghĩa/trái nghĩa. “Trong quá trình ôn tập trên lớp, các em thường quen với bài tập tìm từ đồng nghĩa xuất hiện trước, bài tìm từ trái nghĩa xuất hiện sau. Song, đề thi thật thường trộn các câu hỏi và học sinh nếu không đọc kỹ đề thường dễ chọn nhầm đáp án”.

Ở ví dụ bên dưới, bài tìm từ trái nghĩa xuất hiện trước so với bài tìm từ đồng nghĩa.

- Dạng bài tìm lỗi sai trong câu: Các đáp án trong câu cũng được xáo trộn, học sinh thường rất dễ nhầm khi mặc định phần gạch chân đầu tiên trong câu là đáp án A, phần gạch chân thứ 2 là đáp án B… Vì vậy, khi đáp án bị xáo trộn, rất nhiều học sinh dù biết làm câu đó, nhưng vẫn chọn nhầm đáp án.

Ví dụ: Lỗi sai ở câu bên dưới là “many homeworks”, tương đương với phần gạch chân thứ 2 (tức đáp án A), nhưng thực tế nhiều học sinh mất điểm do chọn nhầm đáp án B (vì nghĩ phần gạch chân thứ hai theo thứ tự là đáp án B).

- Dạng bài tìm câu đồng nghĩa (kỹ năng Viết): Nhiều học sinh không đọc đề bài, vội vàng đọc đáp án và chọn ngay 1 đáp án đúng về cả ngữ pháp và ngữ nghĩa. Tuy nhiên, đáp án đúng lại phải là “câu có nghĩa tương tự với câu đề bài cho”.

Ví dụ: Ở câu dưới, đáp án A và D đúng về mặt ngữ pháp và ngữ nghĩa, nhưng không có nghĩa tương đương với câu đề bài cho. Đáp án đúng là B.

Cô Hương hy vọng, có được kỹ năng làm bài cộng thêm những sự cẩn trọng sẽ giúp các học sinh chắc chắn hơn với mỗi lựa chọn của mình và đặc biệt không để "rơi rớt điểm số oan", đạt được điểm số tối ưu cho bài thi lớp 10.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-giao-chi-nhung-loi-sai-de-mat-diem-khi-lam-bai-thi-lop-10-mon-tieng-anh-2282547.html